03/03/2012 - 22:23

5 năm gia nhập WTO

Cần gỡ bỏ nhiều "nút thắt" để Việt Nam phát triển mạnh và bền vững

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Dự án Thương mại đa biên (MUTRAP) vừa tổ chức hội thảo “5 năm là thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) - Việt Nam đã và sẽ ở đâu trong quá trình hội nhập”. Sự kiện này là bài học kinh nghiệm để Việt Nam phát huy lợi thế, hạn chế bất lợi để tiếp tục phát triển mạnh và bền vững cũng như tạo điều kiện cho các đàm phán FTA hiện tại và tương lai.

WTO - Được nhiều hơn mất

Các chuyên gia cho rằng, việc gia nhập WTO là phù hợp với yêu cầu phát triển theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đây cũng là kết quả của một quá trình nỗ lực, giải quyết những bất cập của nội tại nền kinh tế còn nhiều khó khăn và lạc hậu để Việt Nam gia nhập WTO. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán thương mại của Chính phủ chia sẻ: WTO khác với GAP, ASEAN nên sức ép rất lớn do đàm phán với nhiều đối tác trong đó đối tác gặp khó khăn lớn nhất là Hoa Kỳ. Tuy nhiên trong quá trình đàm phán Việt Nam cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, sau 5 năm gia nhập WTO, độ mở rộng của nền kinh tế tăng với tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng năm gấp khoảng 1,5 lần GDP thông qua sự “bùng nổ” về xuất khẩu. Hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực đã hình thành, tạo tên tuổi trên thị trường quốc tế như gạo, cà phê, dệt may, dầu thô, thủy sản... Đặc biệt, sau khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam đã bình đẳng với doanh nghiệp nước ngoài trong hoạt động xuất khẩu, giảm thiểu sự phân biệt hoặc rào cản thương mại bất hợp lý.

Siêu thị Co.op Mart Cần Thơ - địa điểm bán lẻ thành công trên địa bàn TP Cần Thơ. Ảnh: ANH KHOA. 

Tại hội thảo, ông Lương Văn Tự, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, nguyên trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ nhấn mạnh: Trên thực tế, sau 5 năm gia nhập WTO thì “dấu ấn WTO” được tận dụng và thể hiện rõ trong đầu tư nước ngoài, trong thị trường dệt may, thị trường thủy hải sản, thị trường nông sản, còn những thị trường khác thì chúng ta tận dụng chưa tốt nhưng lại được nhà đầu tư nước ngoài tận dụng tốt như thị trường điện tử của nước ngoài sản xuất tại Việt Nam không phải để bán cho thị trường Việt Nam mà tranh thủ lợi thế của Việt Nam để xuất khẩu... đây cũng là một trong những thách thức cho Việt Nam, nhưng thách thức cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam rút được kinh nghiệm để có những bước đi vững, chắc và phát triển mạnh mẽ hơn.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng: Sau 5 năm gia nhập WTO, lĩnh vực bán lẻ cũng đã phát triển nhanh chóng, nếu như cách đây 5 năm Việt Nam có quan ngại rằng, các doanh nghiệp , cơ sở bán lẻ Việt Nam không thể chống đỡ trước sự xâm lấn ào ạt như vũ bão và trên diện rộng của các đối thủ nước ngoài thì thực tế đã không phải như vậy và thị trường đón nhận sự “chung sức” của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hội nhập “đưa” doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam, cạnh tranh với doanh nghiệp trong nước là nguyên nhân khách quan thúc đẩy lĩnh vực bán lẻ Việt Nam phát triển lành mạnh và đạt tốc độ cao.

Những “nút thắt” và bài học

Thực tiễn từ nhiều lĩnh vực cho thấy, sau khi mở cửa thị trường, doanh nghiệp Việt Nam đã bộc lộ nhiều hạn chế về vốn, công nghệ, yếu kém về quản lý, chiến lược dài hạn... Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng, phát triển được thương hiệu riêng, nhất là chưa xuất hiện thương hiệu khu vực hoặc quốc tế. Ngoài ra, không ít đơn vị lại tỏ ra lép vế, chấp nhận thiệt thòi trước những động thái-rào cản kỹ thuật trong phòng vệ thương mại để ngăn cản khả năng xuất khẩu là minh chứng cho thấy doanh nghiệp còn lúng túng với thông lệ, quy định hoặc pháp luật về thương mại quốc tế.

Cũng tại hội thảo, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia cao cấp nhấn mạnh: Sau 5 năm gia nhập WTO, chúng ta vẫn còn những khoảng cách về những điều được ghi trong nghị quyết, trong văn bản với thực tiễn thực hiện vì trong quá trình thực hiện thì ngay ở trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, còn nhiều trăn trở giữa cơ chế cũ, cơ chế mới... về phía doanh nghiệp cũng vậy, doanh nghiệp vừa muốn hưởng lợi từ cơ chế cạnh tranh tự do thị trường lại vừa muốn được nhà nước bảo hộ cái này, cái khác, muốn Nhà nước hỗ trợ cho mình... Đặc biệt, bất kỳ sự kiện kinh tế nào của doanh nghiệp hay nông dân khi đưa ra vấn đề thì đều chốt lại là Nhà nước phải làm gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp hay cho nông dân mà sao không phải là doanh nghiệp phải làm gì đây, nông dân phải làm gì đây để tự giúp mình trước mà cứ phải là Nhà nước là trước tiên. Chính tư duy đấy đã không hình thành được cơ chế thị trường thật mạch lạc, điều này có cả phần của Nhà nước, của doanh nghiệp, của xã hội chưa chuyển được để phù hợp với hội nhập.

Ông Lương Văn Tự thừa nhận: Khó khăn nhất là liệu chúng ta có dám thay đổi chúng ta để chúng ta tiếp tục hội nhập và phát triển sâu rộng vào thị trường hay không? Ông cũng khuyến cáo, 5 năm qua là thời gian đủ để DN ta rút ra bài học, nhất là chủ động bổ sung năng lực quản lý và chuẩn bị đầy đủ kỹ năng điều hành, tìm hiểu thông tin/thị hiếu thị trường, huy động vốn cho thay đổi công nghệ, đầu tư thỏa đáng cho hoạt động sáng tạo mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm... Tất cả nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên mỗi đầu sản phẩm, chú trọng vào xuất khẩu, từ đó tự cải thiện sức cạnh tranh của từng đơn vị, hướng tới nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Hội nhập WTO, chúng ta phải biết xác định lợi thế, sở trường của mình tạo ra “mũi nhọn” để tồn tại trên thương trường; trong đó phải định hướng càng rõ, càng cụ thể và phù hợp cho mục tiêu dài hạn càng tốt...

Các chuyên gia cũng thống nhất rằng, không có quốc gia nào được cả hay mất cả khi quyết định và phấn đấu gia nhập WTO. Vấn đề chính là sự tận dụng, khả năng linh hoạt của từng trường hợp, từ đó có thể tận dụng, phát huy tối đa lợi thế, hạn chế nhược điểm và tìm ra cách khai thác thị trường thế giới một cách phù hợp, kịp thời và khôn ngoan nhất. Thông qua việc tự định vị của mình, nền kinh tế Việt Nam sẽ tìm được câu trả lời là đã và sẽ ở đâu trong quá trình hội nhập không có điểm kết thúc...

THU HÀ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết