* SONG KIM
Bài 3: Các bệnh viện tuyến đầu chưa với tới tầm kỹ thuật cao
Nhiều bệnh viện đa khoa, chuyên khoa đầu ngành ở TP Cần Thơ đang đối mặt với tình trạng quá tải, yếu kém về cơ sở vật chất, thiếu thốn trang thiết bị. Những yếu tố này trở thành gánh nặng, kềm hãm sự phát triển, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến đầu. Dù nỗ lực trong hoạt động triển khai những kỹ thuật điều trị cao, song các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến đầu trên địa bàn TP Cần Thơ vẫn chưa tạo được bước đột phá để có những “điểm nhấn”, thế mạnh riêng.
* Khổ vì... bệnh viện quá tải!
Ôm con ngồi chờ trước một phòng khám bệnh thuộc khu khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, bà Đoàn Thị Thắm, ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cứ nhấp nhỏm mỗi khi bác sĩ gọi tên bệnh nhi mới. Bà Thắm cho biết: “Cháu bị sốt, mệt mỏi, lừ đừ. Tôi đưa đến đây từ sáng sớm, chọn khám dịch vụ nhưng đã chờ gần 2 tiếng rồi mà chưa tới lượt. Sốt cả ruột! Cũng may, con tôi lớn rồi nên có thể chịu đựng được. Tội cho mấy cháu nhỏ hơn phải chờ đợi, chen chúc trong này ngột ngạt, khổ sở quá!”. Đây là hình ảnh thường thấy tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.
Tình trạng quá tải, xuống cấp ở Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đã kéo dài từ nhiều năm qua, gây phiền hà, bức xúc cho người dân. Theo ghi nhận của chúng tôi, tình trạng quá tải tại bệnh viện không còn xảy ra cục bộ theo thời điểm mà trở nên thường xuyên tại các khoa Khám bệnh, Truyền nhiễm, Nội tổng hợp, Sơ sinh... Thậm chí, vào đợt dịch bệnh bùng phát tháng 10-2009 vừa qua, tại Khoa Nội tổng hợp của bệnh viện, có đến 4- 5 trẻ/ giường, khoa Truyền nhiễm có 2- 3 trẻ/ giường.
 |
Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ thường xuyên bị quá tải, giường bệnh được cơi nới hết cỡ vẫn chưa đủ phục vụ bệnh nhi. Trong ảnh: Giường bệnh được kê ngay lối đi, cạnh cửa ra vào của khoa. |
Cơ sở chật hẹp, xuống cấp cũng là một nguyên nhân làm cho tình trạng quá tải ở bệnh viện nặng nề hơn. Tại một số khoa như Sơ sinh, Truyền nhiễm, Nội tổng hợp đã được cơi nới hết công suất, giường bệnh, bàn làm việc của y, bác sĩ được kê ngay lối đi thế nhưng vẫn không đủ phục vụ bệnh nhi. Sự xuống cấp, nhỏ hẹp của cơ sở đã góp phần làm cho tình trạng quá tải trở nên nghiêm trọng hơn và còn làm gia tăng sự mất vệ sinh và an ninh trật tự tại bệnh viện. Tất cả khiến Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ trở nên nhếch nhác.
Không riêng Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, nhiều bệnh viện chuyên khoa đầu ngành khác của thành phố cũng đang đối mặt với tình trạng quá tải, xuống cấp như: Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi,... Tuy mức độ xuống cấp, quá tải ở các bệnh viện này chưa đến mức nghiêm trọng và thường xuyên như Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân. Phần lớn các bệnh viện này đều đã cũ kỹ, xuống cấp, được cải tạo, sửa chữa để phục vụ tạm. Tiến độ xây dựng, phát triển hệ thống y tế tuyến đầu của thành phố vẫn chưa đến đâu. Nhiều bệnh viện đã có chủ trương xây dựng hoặc có dự án, có đất nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó!
* Cơ sở mới... mỏi mắt trông chờ!
Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ là bệnh viện chuyên khoa nhi duy nhất ở ĐBSCL. Lượng bệnh nhi ngoài tỉnh chiếm từ 50%- 60% tổng số bệnh nhi khám chữa bệnh tại bệnh viện. Thế nhưng tình trạng quá tải, xuống cấp từ nhiều năm qua chỉ được khắc phục bằng việc sửa chữa, chắp vá tạm bợ. Hơn ai hết, những phụ huynh có con em trong độ tuổi nhi đồng, đặc biệt, những trường hợp đã có con em phải nằm viện tại bệnh viện, đều mong mỏi có một bệnh viện nhi mới, khang trang để trẻ được chăm sóc tốt hơn. Anh Nguyễn Thanh Lâm, ở phường An Khánh, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, bức xúc: “Tôi có 2 con và 1 cháu nhỏ. Thỉnh thoảng phải đưa con hoặc cháu đến điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ nên tôi mới thấy hết được cảnh trẻ nhỏ phải chịu khổ sở như thế nào khi phải đến điều trị dù là nội trú hay ngoại trú tại bệnh viện này. Tôi cũng như nhiều bậc phụ huynh có con nhỏ đều rất mong nhà nước xây một bệnh viện mới để các cháu nhỏ vốn đã chịu đau do bệnh tật không còn phải chịu khổ khi đến bệnh viện”.
Trong 9 bệnh viện tuyến đầu hiện nay của TP Cần Thơ thì chỉ có 2 bệnh viện có cơ sở tương đối khang trang, cơ bản đáp ứng được công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân là Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ và Bệnh viện Da liễu TP Cần Thơ. Hầu hết các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành còn lại đều hoạt động tại cơ sở chật hẹp hoặc xuống cấp, phải cải tạo, sửa chữa nhiều lần. Trong đó, xuống cấp, quá tải nghiêm trọng nhất là các bệnh viện: Nhi đồng TP Cần Thơ, Ung bướu TP Cần Thơ, Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ. Các Bệnh viện Mắt - Răng Hàm Mặt, Tai Mũi Họng, Tâm thần cũng đang hoạt động tại cơ sở cũ, chật hẹp.
Theo Chương trình phát triển y tế TP Cần Thơ giai đoạn đến 2010 và tầm nhìn 2020, các Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ được xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào sử dụng trong năm 2012. Đến năm 2015, thành phố sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất của ngành y tế thành phố. Dù chủ trương, kế hoạch đã có nhưng tiến độ thực hiện rất chậm. Dự án xây dựng Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ được thực hiện từ năm 2008 đến 2011. Thế nhưng, đến hết năm 2009, công trình chỉ mới hoàn tất phần xây dựng hàng rào và nhà bảo vệ. Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ (500 giường) vừa được khởi công năm 2009. Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ- đang chịu cảnh quá tải, chật hẹp vì phải hoạt động tạm tại khối nhà cũ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trước đây- chỉ mới tìm được nguồn vốn xây dựng. Bệnh viện Tâm thần TP Cần Thơ đang trong giai đoạn chờ phê duyệt, lập thủ tục bồi hoàn đất. Bệnh viện Y học Cổ truyền TP Cần Thơ- đang xuống cấp, đã được cải tạo, sửa chữa nhiều lần- chỉ mới có chủ trương xây dựng. Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đã có bản vẽ thiết kế và mới vừa tìm được nguồn vốn xây dựng. Bao giờ các công trình này hoàn tất, đưa vào phục vụ nhân dân? Đến nay, đó vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải chính xác, cụ thể! Thành phố cũng đã có chủ trương thành lập Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Tim mạch nhưng tất cả vẫn còn đang ở phía trước...
* Kỹ thuật cao: còn xa tầm với...
Thời điểm này, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đang vào giai đoạn hoàn tất việc sửa chữa, nâng cấp thêm một số khoa phòng phục vụ việc triển khai các kỹ thuật điều trị mới. Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, phấn khởi cho biết: “Bệnh viện được Dự án hỗ trợ Y tế ĐBSCL hỗ trợ 2,1 triệu USD để trang bị thêm máy móc thiết bị mới như: máy siêu âm màu, X- quang, bộ mổ nội soi, máy lọc thận... Dự kiến, trong quí I năm nay, việc xây dựng, sửa chữa sẽ hoàn tất và trang thiết bị cũng được đưa về. Bệnh viện cũng đã cử một số y, bác sĩ đi đào tạo để triển khai các kỹ thuật mới như: mổ nội soi, thực hiện các phẫu thuật đơn giản về mạch máu, chỉnh hình, phẫu thuật lồng ngực, ghép da điều trị bỏng, nội soi tai mũi họng, mổ mắt bằng kỹ thuật phaco, lọc thận nhân tạo...”. Đây là những kỹ thuật mới ở Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ nhưng đã rất phổ biến tại các Bệnh viện Nhi đồng 1 và 2 ở TP Hồ Chí Minh.
Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ có cơ sở tương đối khang trang hơn, được trang bị thêm nhiều máy móc hiện đại hơn nhưng hiện việc triển khai các kỹ thuật cao còn rất hạn chế. Phần lớn các kỹ thuật tập trung ứng dụng mổ nội soi giải quyết một số bệnh vùng ổ bụng, ngực, khớp gối, sản, phẫu thuật chỉnh hình. Theo các bác sĩ của bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, các kỹ thuật đó tuy mới đối với bệnh viện nhưng ở nhiều bệnh viện khác trong cả nước, đặc biệt là ở TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, đã được thực hiện từ nhiều năm qua. Bác sĩ Lê Quang Võ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết: “Trước mắt, bệnh viện đang tập trung đầu tư để đẩy mạnh phát triển các kỹ thuật mới đáp ứng nhu cầu phổ biến của bệnh nhân trong giai đoạn hiện nay như: ứng dụng mổ nội soi ngoại, sản, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Sắp tới sẽ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Sau đó, bệnh viện sẽ nghiên cứu triển khai một số kỹ thuật cao nhằm tạo lĩnh vực mũi nhọn riêng cho bệnh viện”.
Nhiều bệnh viện tuyến đầu của thành phố- kể cả bệnh viện trực thuộc trung ương hay bệnh viện tư nhân- vẫn chưa đủ “nội lực” thực hiện các kỹ thuật cao như can thiệp tim mạch, thần kinh, sọ não phức tạp, ghép nội tạng,... Riêng Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vốn có thế mạnh về phẫu thuật chấn thương chỉnh hình. Gần đây, bệnh viện cũng giải quyết được một số trường hợp u não tuy nhiên chỉ với những trường hợp khối u có vị trí, kích thước ít phức tạp. Nhìn tổng thể về năng lực, cũng như sự phát triển của các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành tại TP Cần Thơ thì việc đầu tư để tạo bước đột phá về một hay một số chuyên khoa, lĩnh vực để tạo “điểm nhấn” riêng, mạnh của từng đơn vị vẫn còn rất mờ nhạt.
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng những kỹ thuật y khoa hiện đại nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đang là thách thức lớn đối với các bệnh viện. Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hoàng Sơn phân tích: “Để phát triển được các kỹ thuật cao, chuyên khoa sâu đòi hỏi phải có sự đầu tư đồng bộ từ đội ngũ y, bác sĩ đến cơ sở vật chất và trang thiết bị. Thiếu một trong 3 yếu tố này đều không thể thực hiện được. Một ví dụ rất cụ thể : hiện nay, y bác sĩ ở khoa Sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ đã có khả năng thực hiện kỹ thuật thay máu cho bệnh nhi sơ sinh mắc bệnh vàng da nhân, nhiễm trùng máu hay nhiễm độc nặng... nhưng do cơ sở thiếu phòng cách ly vô trùng nên đơn vị đành “bó tay”.
***
Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đã định hướng rõ xây dựng TP Cần Thơ thành trung tâm giáo dục- đào tạo, khoa học công nghệ, y tế và văn hóa của khu vực ĐBSCL. Theo đó, việc đầu tư, phát triển các kỹ thuật cao, chuyên khoa sâu để các bệnh viện tuyến đầu của TP Cần Thơ thật sự trở thành những “con chim đầu đàn” trong hệ thống y tế ở ĐBSCL là một đòi hỏi bức bách đang đặt ra. Vấn đề mấu chốt là phải giải được bài toán khó về nhân sự - cơ sở vật chất - trang thiết bị. Trong đó, các yếu tố: sự đầu tư tương xứng với vai trò, vị thế của TP Cần Thơ, sự nỗ lực để tạo “sức bật” của từng đơn vị nói riêng và ngành y tế thành phố nói chung là những công cụ để giải bài toán này. Trong đó, yếu tố con người đóng vai trò chủ đạo nên kế hoạch đầu tư dài hơi để có một lực lượng đủ năng lực cần được ưu tiên thực hiện.
(còn tiếp)
Bài cuối: Đi tìm giải pháp khả thi