12/06/2013 - 21:02

Cần doanh nghiệp nỗ lực tham gia

Năm nay, lúa hè thu ở miền Tây khó bán, mưa gió bất thường, nhiều nông dân buộc phải tồn trữ, nhưng việc "tích cốc phòng cơ" đâu phải là chuyện đơn giản!?

Ai làm?

Các chuyên gia Dự án Sau thu hoạch do IRRI-ADB-Việt Nam cùng phối hợp thực hiện chương trình nghiên cứu dài hạn đã đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật, nhưng trong cuộc họp mới đây (ngày 7-6-2013) tại Khoa Công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ, các chuyên gia cho rằng giải pháp kỹ thuật sẽ không ăn thua nếu không có doanh nghiệp nhảy vô. Dân không đủ sức lo tồn trữ, tổn thất sẽ tăng cao chưa từng thấy. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ cho rằng, vai trò quản lý của Nhà nước sẽ tác động tới khu vực tư nhân để giảm tổn thất.

Hiện nay, Cần Thơ có năng lực sấy chiếm 70% (diện tích gieo trồng 228.000 ha, sản lượng 1,3 triệu tấn), 2/20 doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo đang hoạt động. Bà Kiều dẫn chứng năng lực chế biến 3.750 tấn/ngày của Gentraco như một điển hình về cách tổ chức phù hợp với nông dân. Kế đó là Công ty Lương thực Sông Hậu, năng lực chế biến 900 tấn/ngày, kho chứa 100.000 tấn.

Kho tạm trữ lúa gạo ở Cần Thơ. Ảnh: LÊ HOÀNG YẾN 

Cần Thơ có 1.255 lò sấy, vụ đông xuân sấy 65% sản lượng lúa, hè thu là 70,47%. Trong vài năm gần đây giảm tổn thất do sấy 41.800 tấn, nếu tính mức giảm tổn thất do máy gặt đập liên hợp thì mỗi năm Cần Thơ giảm tổn thất 68.000 tấn lúa. "Với giá lúa 6.000 đồng/kg, mức giảm tổn thất khoảng 400 tỉ đồng", bà Kiều tính toán - "đó là khoảng tương đương mức đầu tư hàng trăm lò sấy tháp".

Tuy nhiên, bà Kiều cũng thừa nhận: 20 doanh nghiệp trên địa bàn chỉ mới tạm trữ được 140.000 tấn (tổng sức chứa của các kho khoảng 589.957 tấn) và cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu gạo gắn xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành cụm kho, bảo quản, chế biến.

Bà Lưu Thị Lan, Phó Tổng giám đốc Gentraco, khẳng định: "Nông hộ cá thể không thể tự lo sấy, tồn trữ nổi". Mỗi năm công ty xuất khẩu 300.000 tấn gạo, năng lực dự trữ 70.000 tấn. Năm nay thời tiết chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm khá cao cộng với nhiều yếu tố khác, độ nứt gãy gạo bình quân rất cao so các năm. Điều bà Lan quan tâm là làm sao giảm độ nứt gãy hạt? Thưởng cho người bán lúa có tỷ lệ hạt nguyên cao là cách Gentrco đang làm, nhưng nếu mục tiêu mở rộng diện tích cánh đồng mẫu 10.000 ha thì việc đầu tư, liên kết, trang bị lò sấy cho từng khu vực, liên kết với các nhà cung ứng vật tư đầu vào, dịch vụ sau thu hoạch khép kín các công đoạn trong chuỗi giá trị hết sức quan trọng. Hiện nay, Gentraco đã hình thành mạng lưới vệ tinh sấy lúa là các tổ hợp, năng lực sấy: Loại 16 tấn/mẻ chiếm 64%, 8 tấn/mẻ chiếm 33%, 20 tấn/mẻ chiếm 3%.

Mô hình sấy công nghiệp với kỹ thuật và giá thành phù hợp; chính sách vay vốn phát triển cánh đồng mẫu kịp thời và cách nào giúp nông dân ở cánh đồng mẫu nâng khả năng sấy đáp ứng yêu cầu là điều mà bà luôn mong đợi.

Tháo gỡ vướng mắc

Ông Nguyễn Thể Hà, đại diện Công ty Bùi Văn Ngọ, cho biết dù có giải pháp kỹ thuật nhưng hợp tác xã (HTX) muốn xây kho thì riêng tiền chuyển mục đích sử dụng đất làm kho lúa cũng khiến HTX hết vốn rồi". Điều này cũng diễn ra ở An Giang chứ không riêng gì Long An như ông Hà nói. Ông Đoàn Ngọc Phả, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang, nơi có sản lượng lúa lớn nhất miền Tây, cho hay với 2.150 máy gặt đập liên hợp, 89 máy gặt xếp dãy, bảo đảm thu hoạch 85% diện tích và với 2.553 máy sấy, năng lực sấy 50% lượng lúa hè thu… Tỉnh lo được hai khâu, nhưng tồn trữ thì việc quy hoạch kho chứa có hệ thống sấy chỉ mới có 623.000 tấn, đã làm xong: 153.875 tấn kho, đang xây dựng 205.070 tấn kho nữa. Chỉ có 3 doanh nghiệp vay 207 tỉ đồng xây dựng 106.625 tấn kho, tương đương 41%.

Theo ông Phả, chính sách của tỉnh An Giang ngay từ đầu là "khơi mào", sau đó rút dần để cho cơ chế thị trường vận hành. Tỉnh hỗ trợ bằng cách cho vay không lãi trong vòng 3 năm, ngân sách nhà nước bù lãi suất loại máy sấy từ 4-8 tấn (300 máy trong khoảng thời gian 2000-2005), hỗ trợ 100% lãi suất mua 223 máy gặt đập liên hợp (2005); hỗ trợ 70% lãi suất vay mua 137 máy gặt đập liên hợp (2009) , hỗ trợ 20% giá mua (30 triệu đồng/máy) mua máy qua bình tuyển tại hội thi của Trung tâm Khuyến nông quốc gia (57 máy). Trong khi Quyết định 63/2010/QĐ-TTg chỉ hỗ trợ đối với thiết bị sau thu hoạch có tỷ lệ nội địa hóa từ 60% trở lên, nhưng một số máy trong nước sản xuất theo lối thủ công dễ hư, mau hỏng, dân không chuộng. Nhiều máy gặt lắp đồ của Trung Quốc, tới nay phải gỡ máy ra làm chuyện khác.

Riêng kho chứa theo Quyết định 3242 của bộ NN&PTNT, nhưng vốn từ Ngân hàng nông nghiệp cung ứng chậm, lãi suất làm kho chứa 11,4% các doanh nghiệp không làm nổi huống hồ gì HTX!? Trong khi đó lại chưa có cơ chế vốn hỗ trợ 20% mặt bằng, 30% chi phí hạ tầng ngoài hàng rào từ ngân sách nhà nước.

Chuyển mục đích sử dụng đất lúa sang làm kho tồn trữ do trung ương quyết định và tiền chuyển mục đích rất cao. Theo ông Phả, nếu việc phân cấp cho tỉnh phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa sang làm kho (sấy, xay xát lúa gạo...) thì địa phương sẽ dễ làm biết chừng nào.

"Đồng bộ hóa"thế nào đây?

Theo Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, Viện Cơ điện nông nghiệp, trước hết phải giúp nông dân làm chủ hột lúa khô (gồm sấy, làm sạch, cân, bảo quản..). Từ đó làm chủ chuỗi sản phẩm sau gạo mới thoát nghèo được.

"Phải xác định nông dân là đối tượng hưởng lợi trong mối liên kết 4 nhà vì chính họ là người giúp nhà nước giữ được an ninh lương thực, giúp cho thế giới duy trì an ninh lương thực toàn cầu", Tiến sĩ Tấn kỳ vọng vào tương lai với những suy nghĩ đột phá về cơ chế phát triển dịch vụ cơ giới hóa nông nghiệp và đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ lúa gạo, làm bánh, kể cả cám, trấu, những thứ có thể làm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…

Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, tóm tắc 6 yếu tố gây tổn thất sau thu hoạch: Gặt, vận chuyển, đập, làm khô, tồn trữ , bảo quản , chế biến xay xát. Nước nào cũng chịu tổn thất, nhưng ở nước ta mức tổn thất 12-14% là rất cao và chuyện này đã kéo dài quá lâu với con số tổn thất hàng năm trên nửa triệu đô la. Miền Tây cần 4 triệu tấn kho, có báo cáo hoàn tất các kho hết rồi, nhưng các địa phương thừa nhận tiến độ xây kho còn chậm nên lúa hàng hóa tồn nhiều trong nông hộ mà không biết làm sao!

Tồn trữ bằng hệ thống silo hiện đại, ứng dụng công nghệ sấy liên tục… mức đầu tư cao, xử lý nền móng trên nền đất yếu tốn kém. Theo GSTS Nguyễn Hiếu Hiền, tư vấn Dự án ADB-IRRI, ít nhất cần 12.000 tỉ đồng mới mong giải quyết vấn đề. Theo GS Hiền, Trung ương có nhiều chính sách nhưng cái khó là "đồng bộ hóa" và tính khả thi các chính sách, chủ trương từ tổ chức sản xuất, điều phối, đánh giá tình hình, phân tích xu hướng…!

Ngày xưa, khi làm lúa 1 vụ, người trồng lúa ví bồ, chứa lẫm; lúa nhiều hơn nữa thì vừa làm lẫm vừa gởi chành. Khi làm 2 vụ thì chứa bao và tới khi làm 3 vụ thì bán lúa tươi lấy tiền mua gạo. Đó là bức tranh mùa gặt, tồn trữ của vựa lúa miền Tây.

Theo nhiều chuyên gia, tính tổn thất sau thu hoạch ở Việt Nam đã trên 635 triệu đô la, nhưng chừng nào vấn nạn này được xem là lợi ích "nóng bỏng" như bất động sản thì may ra mới được giải cứu.

Bài, ảnh: Hoàng Lan

Chia sẻ bài viết