30/04/2008 - 22:19

Cần đẩy nhanh tiến độ cơ giới hóa trong thu hoạch lúa

Máy cắt, xếp dãy của cơ sở cơ khí Tân Tiến (Ô Môn) góp phần giải quyết khó khăn trong việc thu hoạch lúa.

Thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố về chính sách hỗ trợ lãi suất vay cho nông dân mua máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, TP Cần Thơ sẽ chi đến 4,8 tỉ đồng trong 3 năm 2008 đến 2010 để hỗ trợ lãi suất tiền vay cho các hợp tác xã, trang trại, nông hộ mua 200 máy gặt đập liên hợp (GĐLH), nhằm tăng diện tích thu hoạch bằng cơ giới từ 12% đến 30%. Song đến nay tiến độ thực hiện kế hoạch vẫn còn ì ạch trong khi nhu cầu thực tế còn rất lớn!

Nỗi lo thu hoạch...

Địa bàn thực hiện kế hoạch này ở TP Cần Thơ là ba huyện ngoại thành có diện tích đất nông nghiệp lớn: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thốt Nốt. Anh Nguyễn Văn Dẫn, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thốt Nốt cho biết: Địa phương chọn những nông hộ có kinh nghiệm sản xuất giỏi, đủ vốn đối ứng 30% giá trị máy và có tay nghề khai thác phương tiện cơ giới tốt để thực hiện. Đến nay, toàn huyện đã có 22 hộ đăng ký mua máy GĐLH. Tuy nhiên khâu giải ngân rất chậm do biến động về lãi suất ngân hàng. Đến thời điểm này, mới có 8 hộ được ngân hàng NN&PTNT giải ngân. Những máy GĐLH được trang bị đã kịp giải quyết một phần diện tích trong đợt thu hoạch lúa đông xuân vừa qua. Tổng diện tích đất nông nghiệp toàn huyện Thốt Nốt là 10.868 ha, hiện đã xuống giống xong 8.100 ha trong đó hè thu sớm chiếm gần 70% diện tích. Do được hướng dẫn kỹ thuật và nông dân thực hiện đúng kế hoạch nên trà lúa đang phát triển tốt. Nhưng bây giờ cũng là lúc mọi người bắt đầu tính đến chuyện thu hoạch. Những năm gần đây, tình trạng khan hiếm nhân công cắt lúa luôn là nỗi lo canh cánh của nhà nông mỗi khi lúa đã vàng đồng...

Ô Môn tuy được xem là quận nội thành nhưng diện tích trồng lúa vẫn còn khá cao. Vì vậy, việc “xin vô” kế hoạch mua máy GĐLH của địa phương này cũng là nguyện vọng chính đáng. Ông Trương Văn Phú, Phó Trưởng phòng Kinh tế Quận Ô Môn cho biết: khó khăn hiện nay trong lãnh vực nông nghiệp là lực lượng lao động cắt lúa ngày càng khan hiếm, giá cắt lúa cứ tăng liên tục từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng/công, thậm chí đến rộ vụ giá lên đến 150.000 đồng/công mà còn không có người làm. Hiện tại, ở Ô Môn, nông dân tự vay tiền mua 13 máy cắt xếp dãy, giá từ 11 triệu đồng đến 15 triệu đồng/máy, do địa phương sản xuất để thu hoạch vụ đông xuân vừa qua. Hiện tổng diện tích nông nghiệp của quận Ô Môn là 6.466 ha, trong đó hiện diện tích lúa hè thu sớm 4.724 ha, chiếm 73%/ tổng diện tích chung. Địa phương đã và đang tích cực hướng dẫn nông dân thực hiện các kỹ thuật canh tác như: xuống giống né rầy và chăm sóc, phòng trừ lúa theo phương pháp 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều, đúng cách). Hiện nay lúa đã bắt đầu trổ, vì vậy chuẩn bị cho khâu thu hoạch bây giờ là đang là “chuyện thời sự” của nhà nông.

Xoay xở trong khó khăn!

Đến nay, tổng số máy GĐLH được trang bị cho nông dân ở các huyện Vĩnh Thạnh, Thốt Nốt, Cờ Đỏ mới khoảng 40 máy, giá trị dao động từ 180 triệu đồng đến hơn 200 triệu đồng.

Theo kế hoạch, năm 2008, tổng số tiền ngân hàng cho vay trên 18.000 tỉ đồng, thành phố sẽ hỗ trợ 100% lãi suất vay với mức tối đa là 1,1% và chỉ hỗ trợ lãi suất của 70% tổng vốn vay của nông dân mua máy GĐLH. Người mua máy phải đầu tư 30% tổng giá trị máy.

Nếu như ở thời điểm cách đây vài tháng với mức hỗ trợ lãi suất như vậy có thể đã đạt 100% lãi suất ngân hàng, nhưng đến nay, mức lãi suất đã lên đến 1,5%. Tuy nhiên, theo nhiều nông dân phần chênh lệch này họ vẫn còn chấp nhận được, nhưng nếu để lãi suất tăng thêm thì nông dân càng khó khăn hơn. Vì vậy, khâu thẩm định xét cho vay của ngân hàng càng nhanh càng tốt!

Trong khi chờ hỗ trợ tiền vay, địa phương và nông dân đã và đang nỗ lực để tìm phương giải quyết bức xúc về máy GĐLH. Đến ấp Tràng Thọ 3, xã Trung Nhứt, huyện Thốt Nốt, chúng tôi gặp anh Trần Văn Liệt 42 tuổi (là 1 trong 8 người được giải ngân) đã đầu tư mua máy GĐLH trọn gói (kể cả trẹt) với giá gần “mút đọt” khoảng 290 triệu đồng. Ngoài tiền vay được của ngân hàng (chỉ khoảng 60%) anh phải tự túc kiếm thêm vốn bù vào để đủ “tậu” chiếc máy “xịn”. Có máy tốt, công việc thuận lợi hơn. Vụ đông xuân vừa qua, ngoài việc thu hoạch lúa cho mình, anh Liệt đã nhận làm dịch vụ được 60 ha lúa cho các hộ lân cận. Sau khi trừ chi phí lãi được 100 triệu đồng, anh đã thu hồi được 1/3 vốn chỉ sau 1 vụ.

Ông Ba Sồ, phụ trách công tác khuyến nông ở Tràng Thọ 3, phấn khởi cho biết, chia sẻ với nông dân, phải nói đến những doanh nghiệp vừa và nhỏ ở tại địa phương như ông Năm Sanh, chủ cơ sở cơ khí Năm Sanh, ông Tám Hiệp, Ông Bảy Tâm, cơ sở Minh Phát, cơ sở Đại Phúc... là những cơ sở không chỉ làm ra máy GĐLH với giá “phải chăng” mà còn làm tốt khâu bảo hành tham gia sản xuất. Với những nghiên cứu phù hợp với địa bàn, máy GĐLH ở những cơ sở này đảm bảo gọn nhẹ, dễ dàng di chuyển đi xa, được người nông dân hài lòng.

Chúng tôi đến cơ sở cơ khí Tân Tiến (khu vực 5, Phường Châu Văn Liêm, Quận Ô Môn). Ông Nguyễn Văn Sáu, 56 tuổi, chủ cơ sở này bộc bạch: Hiện nay, chúng tôi đã sản xuất 5 máy GĐLH, chỉ 1 tấn rưỡi (nhẹ hơn máy Trung Quốc hơn 1 tấn), hiện đang trong giai đoạn hiệu chỉnh chút ít về kỹ thuật (độ êm, rung,...). Nhờ tận dụng các thiết bị trong nước nên giá thành chỉ khoảng 100 triệu đồng/máy. “Trước đây, cơ sở này chuyên sản xuất thùng suốt nên có kinh nghiệm về máy thu hoạch lúa. Hơn nữa, xuất phát từ nông dân nên chúng tôi thông hiểu nỗi khổ và luôn thể hiện sự chia sẻ hơn là chỉ nghĩ đến lợi nhuận. Tuy nhiên nguồn vốn có hạn chúng tôi rất cần có sự hỗ vốn để mở rộng sản xuất” - ông Sáu tâm sự.

Để đảm bảo cho việc cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, thiết nghĩ Nhà nước không chỉ đầu tư cho nông dân mua máy mà nên nghĩ đến việc hỗ trợ nguồn vốn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ra máy móc phục vụ nông nghiệp ở địa phương.

Bài, ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Chia sẻ bài viết