Thường trực Thành ủy, UBND thành phố vừa tổ chức cuộc họp với lãnh đạo các ban xây dựng Đảng trực thuộc Thành ủy, Quận ủy Ninh Kiều và Thốt Nốt để nghe báo cáo tình hình hoạt động của đảng bộ cơ sở (ĐBCS) cơ quan Đảng - Đoàn thể và cơ quan Chính quyền. Tại cuộc họp, các đại biểu đã phân tích những ưu điểm, hạn chế của loại hình đảng bộ này. Trên cơ sở đó, Thường trực Thành ủy đã chỉ đạo cần đánh giá thực chất hiệu quả của loại hình đảng bộ này trước khi thực hiện nhân rộng ra các quận, huyện khác.
KẾT QUẢ BƯỚC ĐẦU
Thực hiện Hướng dẫn số 38-HD/BTCTW ngày 9-3-2010 của Ban Tổ chức Trung ương về xây dựng và hoàn thiện mô hình của một số loại hình tổ chức cơ sở đảng, tháng 8-2011, Ban Tổ chức Thành ủy đã chọn quận Ninh Kiều và Thốt Nốt thực hiện thí điểm thành lập ĐBCS cơ quan Đảng - Đoàn thể và cơ quan Chính quyền quận. Theo đó, ở quận Ninh Kiều, ĐBCS cơ quan Đảng - Đoàn thể quận được thành lập trên cơ sở hợp nhất 14 chi bộ cơ sở của các cơ quan đảng, đoàn thể quận, với 90 đảng viên; Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ 11 đồng chí, Ban Thường vụ (BTV) Đảng ủy 3 đồng chí, do đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Quận ủy làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Phó Chánh Văn phòng Quận ủy làm Phó Bí thư Đảng ủy. ĐBCS cơ quan Chính quyền quận được thành lập trên cơ sở hợp nhất 1 đảng bộ bộ phận và 24 chi bộ cơ sở của các cơ quan chính quyền quận, với 322 đảng viên; BCH Đảng bộ có 12 đồng chí, BTV Đảng ủy 3 đồng chí, do đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Phó Chánh văn phòng HĐND - UBND làm Phó Bí thư Đảng ủy. Tại quận Thốt Nốt, ĐBCS cơ quan Đảng - Đoàn thể quận được thành lập trên cơ sở hợp nhất 11 chi bộ cơ sở của các cơ quan đảng, đoàn thể quận, với 69 đảng viên; BCH Đảng bộ gồm 15 đồng chí, BTV Đảng ủy 5 đồng chí; do đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Phó Chủ nhiệm UBKT Quận ủy làm Phó Bí thư Đảng ủy. ĐBCS cơ quan Chính quyền được thành lập trên cơ sở hợp nhất 10 chi bộ cơ sở của các cơ quan chính quyền quận, với 134 đảng viên; BCH Đảng bộ có 15 đồng chí, BTV Đảng ủy 5 đồng chí; do đồng chí Phó Chủ tịch UBND quận làm Bí thư Đảng ủy, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND quận làm Phó Bí thư Đảng ủy.
 |
Bí thư Thành ủy Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận cuộc họp và chỉ đạo tiếp tục thí điểm loại hình đảng bộ cơ sở cơ quan đảng - đoàn thể và cơ quan chính quyền tại quận Ninh Kiều, Thốt Nốt. |
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Thành ủy và Quận ủy Ninh Kiều, Thốt Nốt, sau hơn 1 năm thí điểm thành lập 2 ĐBCS trên tại hai địa phương, bước đầu mang lại một số hiệu quả nhất định. Nổi bật là đã giảm được đầu mối trực thuộc Quận ủy (Quận ủy Ninh Kiều giảm được 37 đầu mối trực thuộc, Quận ủy Thốt Nốt giảm được 19 đầu mối trực thuộc), qua đó đã từng bước kiện toàn lại hệ thống tổ chức cơ sở đảng, góp phần làm tốt công tác quản lý tổ chức đảng và đảng viên; đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng cuối năm được thực hiện chặt chẽ hơn; bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, tập trung của cấp ủy đối với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cấp quận. Công tác triển khai học tập các nghị quyết của cấp trên được kịp thời và công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường hơn
NHỮNG HẠN CHẾ, BẤT CẬP
Bên cạnh những ưu điểm, kết quả được, hoạt động của ĐBCS cơ quan đảng - đoàn thể và cơ quan chính quyền ở quận Ninh Kiều và Thốt Nốt vẫn còn nhiều hạn chế như: Quy chế làm việc còn chung chung; xây dựng nghị quyết, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chưa cụ thể, sát với nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị; công tác lãnh đạo, điều hành của các đảng ủy chưa sâu sát và mang lại hiệu quả
Đi sâu phân tích, các đại biểu đã chỉ ra nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên. Theo đồng chí Phạm Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Thốt Nốt, nguyên nhân là do hầu hết cấp ủy viên của hai ĐBCS là trưởng, phó phòng, ban, ngành cấp quận kiêm nhiệm, họ phải tập trung cho công tác chuyên môn. Các đảng bộ này lại chưa có cán bộ chuyên trách nên gặp khó khăn trong khâu giải quyết thủ tục hành chính và lưu trữ hồ sơ. Nguồn kinh phí hoạt động của các đảng bộ này chưa được phân bổ, chủ yếu dựa vào nguồn đảng phí nên không bảo đảm phục vụ hội họp, văn phòng phẩm, công tác phí và các mặt công tác khác. Cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động còn thiếu thốn
Nhiều đại biểu cũng đã phân tích, chỉ rõ những bất cập trong hoạt động của loại hình ĐBCS này. Đồng chí Trần Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận, Bí thư Đảng ủy cơ sở cơ quan Chính quyền quận Ninh Kiều, cho biết: "Trước đây, cấp ủy các chi bộ cơ sở được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo quy định, nay hợp nhất các chi bộ trực thuộc ĐBCS cơ quan Đảng - Đoàn thể và cơ quan Chính quyền, các đồng chí cấp ủy các chi bộ cũng phải thực hiện nhiệm vụ của chi bộ như cũ nhưng không hưởng phụ cấp, điều này gây tâm lý và ảnh hưởng đến sự nhiệt tình làm công tác Đảng của các chi ủy viên. Trong công tác quy hoạch cán bộ các phòng, ban, ngành, đoàn thể quận, đảng ủy cơ sở cơ quan đảng - đoàn thể và cơ quan chính quyền không thực hiện được, mà do Ban Tổ chức Quận ủy thực hiện; hay trong việc thi hành kỷ luật đảng viên, Đảng ủy không thực hiện được, mà do UBKT Quận ủy thực hiện. Trong lãnh đạo các đoàn thể như công đoàn, đoàn thanh niên, Đảng ủy chỉ lãnh đạo mang tính định hướng, không thể chỉ đạo sâu, vì các công đoàn cơ sở là trực thuộc Liên đoàn Lao động quận, Đoàn Thanh niên trực thuộc Quận đoàn...".
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu kiến nghị Trung ương cần có hướng dẫn và cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ của loại hình đảng bộ này; bổ sung cho mỗi đảng ủy từ 1-2 cán bộ chuyên trách; phân bổ nguồn kinh phí, bố trí văn phòng làm việc, cơ sở vật chất bảo đảm cho các đảng ủy hoạt động
CHƯA THỂ NHÂN RỘNG
Qua đề nghị của các đại biểu, đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho rằng, việc bổ sung biên chế, kinh phí hoạt động cho các ĐBCS cơ quan đảng - đoàn thể và cơ quan chính quyền là rất khó, vì nếu nhân rộng loại hình đảng bộ này ra các quận, huyện khác sẽ phát sinh nhiều biên chế và kinh phí, trong khi chủ trương chung hiện nay là giảm biên chế, tiết kiệm chi tiêu. Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: "Nếu không bổ sung biên chế cho các đảng ủy này, mà cứ bắt cán bộ của các cơ quan kiêm nhiệm thêm công việc của các đảng ủy này sẽ ảnh hưởng đến công việc chuyên môn của các cơ quan, đơn vị. Do vậy, theo tôi cần tiếp tục theo dõi hiệu quả của loại hình đảng bộ này để có sự đánh giá sát thực, kỹ lưỡng trước khi thực hiện đại trà trong toàn thành phố". Theo đồng chí Phạm Minh Phúc, Thành ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Trung ương cần sớm tiến hành sơ kết, đánh giá hiệu quả của loại hình đảng bộ này để rút kinh nghiệm, trên cơ sở đó có sự chỉ đạo thực hiện cho phù hợp ở từng địa phương.
Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, nhấn mạnh: Việc thành lập ĐBCS cơ quan Đảng - Đoàn thể và cơ quan Chính quyền bước đầu đã mang lại hiệu quả nhất định, vì vậy, cần tiếp tục thực hiện thí điểm tại quận Ninh Kiều và Thốt Nốt. Đối với việc nhân rộng loại hình đảng bộ này tại các quận, huyện khác trong thành phố thì phải nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng, không nên nóng vội, chủ quan. Đồng chí Bí thư Thành ủy cũng lưu ý các ban xây dựng Đảng trực thuộc Thành ủy và Quận ủy Ninh Kiều, Thốt Nốt cần tiếp tục khảo sát đánh giá đúng thực chất về hiệu quả của loại hình đảng bộ này; Ban Tổ chức Thành ủy cần tổ chức học tập kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh để tham mưu cho Thường trực Thành ủy trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện.
Bài ,ảnh: ANH DŨNG