05/03/2016 - 17:24

Cần đảm bảo cân bằng lợi ích giữa các quốc gia lưu vực sông Mê Kông

 

Hiện nay, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra ngày càng khốc liệt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương. Tiến sĩ Lê Đức Trung, Chánh văn phòng Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.

* Thưa ông, hiện nay, tình hình xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương. Nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài nguyên nhân biến đổi khí hậu còn do lưu lượng nước từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về trong mùa lũ năm 2016 ít nên không đủ để rửa mặn như mọi năm. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

- Đối với Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều chuyên gia đã đánh giá đây là thời kỳ hạn hán nhất trong lịch sử 100 năm qua của khu vực. Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cũng có chuỗi số liệu về khí tượng thủy văn và dòng chảy cho thấy, những thông số về hạn đã vượt mức thấp nhất trong 30 năm gần đây. Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 90% nguồn nước là từ bên ngoài. Vấn đề hạn hán ở đây phụ thuộc vào những yếu tố: Nguồn nước bên ngoài, tình hình mưa và việc sử dụng nước ở khu vực đồng bằng; những tác động từ ngoài biển như mức triều.

Các chuyên gia của Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam cũng thu thập số liệu và phân tích nguồn nước từ bên ngoài, từ đó nhận định lượng mưa của Đồng bằng sông Cửu Long trong năm nay rất thấp, thậm chí ở mức lịch sử. Trong tháng 2-2016, khu vực này hầu như không có mưa nên ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy sông Mê Kông trên dòng chính và dòng chảy vào Việt Nam. Khi mưa ít, hạn hán xảy ra, việc sử dụng nước trong lưu vực phải gia tăng nhằm đảm bảo tưới tiêu, nông nghiệp… do đó, nguồn nước vào Việt Nam cũng ít đi làm hạn hán lại càng nghiêm trọng.

Mùa kiệt của Đồng bằng sông Cửu Long là vào cuối tháng 3, đầu tháng 4-2016 và dự báo tình hình hạn hán, xâm nhập mặn sẽ ngày càng nguy cấp. Ngoài một số công trình thủy điện trên dòng chính phía thượng lưu của Trung Quốc, hiện Thái Lan cũng có một số công trình chuyển nước trong khu vực khiến hạn hán ở hạ lưu sông Mê Kông trầm trọng hơn. Trong nội bộ đồng bằng, ngoài lượng mưa ít, việc sử dụng nước trong mùa khô cao thì đỉnh triều theo thống kê trong 2 -3 tháng qua cũng rất cao, góp phần đẩy mặn sâu vào Đồng bằng sông Cửu Long.

* Có ý kiến cho rằng việc Trung Quốc xây dựng một loạt công trình thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông và đặc biệt, Lào đang tiến hành quá trình xây dựng hai thủy điện lớn là Don Sa Hong và Xayaburi đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh thái và nguồn sống của khu vực hạ lưu là Đồng bằng sông Cửu Long. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Đối với công trình thủy điện Xayaburi, phía Lào đã xây dựng được hai năm và hiện mới đạt 50% khối lượng thi công. Do công trình cách Việt Nam 2.000 km, chưa chặn dòng chính của sông Mê Kông và chưa có tác dụng điều tiết nên tạm thời không tác động đến Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, trong vòng 4- 5 năm tới, khi hai công trình thủy điện này đi vào hoạt động, lúc đó sẽ có tác động lên dòng chảy và trong mùa khô có thể có những ảnh hưởng đến Đồng bằng sông Cửu Long. Chúng ta cần nghiên cứu, theo dõi và giám sát chặt chẽ vấn đề này.

Đồng bằng châu thổ sông Mê Kông tại khu vực Nam bộ Việt Nam. Ảnh: dwrm.gov.vn

* Hiện nay, Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã có những nghiên cứu, đánh giá nào về tác động của các công trình thủy điện phía thượng lưu đối với việc phát triển kinh tế - xã hội? Kết quả ra sao?

- Trong ba năm qua, Chính phủ đã giao Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam tiến hành nghiên cứu tác động các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng châu thổ sông Mê Kông của Việt Nam - Campuchia. Nghiên cứu này đã được hoàn thành và báo cáo Chính phủ vào tháng 12-2015.

Theo kết quả nghiên cứu, các công trình thủy điện trên dòng chính hạ lưu sông Mê Kông và một số công trình tại Vân Nam (Trung Quốc) đã gây ra những tác động đến Đồng bằng sông Cửu Long. Về mặt dòng chảy, các công trình này làm suy giảm dòng chảy trong mùa khô trong chu kỳ dòng chảy ngắn hạn, từ đó dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn tăng. Ngoài ra, các công trình này còn tác động đến nguồn thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long và lượng phù sa bùn cát. Các chuyên gia tham gia nghiên cứu cũng dự báo sản lượng thủy sản ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ mất 50%, và lượng phù sa mất 70%. Những tác động này sẽ dẫn đến hệ lụy lớn đối với môi trường sinh thái, đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia.

* Vậy Việt Nam cần thực hiện những giải pháp gì để cân bằng lợi ích giữa các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông, thưa ông?

- Các quốc gia có quyền theo đuổi những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội phục vụ cho quốc gia mình nhưng khi sử dụng chung một dòng sông, các quốc gia vẫn phải tuân thủ những điều luật, thông lệ quốc tế. Đặc biệt, khi chúng ta có Công ước về Luật sử dụng các nguồn nước liên quốc gia cho các mục đích phi giao thông thủy, đã được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 21-5-1997 và có hiệu lực năm 2014. Ngoài ra, còn có những quy định quốc tế và vùng khác cho lưu vực sông Mê Kông. Điển hình là Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông năm 1995 và bộ Quy chế sử dụng nước của Ủy hội. Đây là những nguyên tắc về nguồn nước quốc tế đã được thừa nhận và chúng ta cần tuân thủ. Đây cũng là cơ sở để Việt Nam phối hợp với các quốc gia trên dòng sông Mê Kông, đặc biệt trong lưu vực sông Mê Kông quốc tế để sử dụng nguồn nước chung một cách bền vững.

Ủy hội sông Mê Kông quốc tế đã xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển lưu vực và sẽ khuyến cáo các quốc gia trong lưu vực nỗ lực trao đổi thông tin về các công trình sử dụng nước trên sông Mê Kông; đảm bảo nguyên tắc sử dụng công bằng và hợp lý đối với quyền sử dụng nước của các quốc gia ở khu vực hạ lưu cũng như Việt Nam. Đó là những quy định Việt Nam đang cố gắng đạt được cả về cam kết cũng như thực hiện.

Đồng bằng sông Cửu Long có tới hơn 90% nguồn nước phụ thuộc vào nước ngoài, do đó vấn đề hợp tác quốc tế giữa các quốc gia trong lưu vực là rất quan trọng. Đối với Ủy hội sông Mê Kông quốc tế, Việt Nam đã có quy hoạch, chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước và mạng giám sát. Chúng tôi đang phối hợp các quốc gia thành viên trao đổi thông tin. Hiện không chỉ có Việt Nam mà cả Campuchia, Thái Lan cũng xảy ra hạn nhưng họ có nhu cầu và mức độ sử dụng nước ít hơn Việt Nam nên chưa cảm nhận được nhiều. Tới đây, Ủy hội sông Mê Kông quốc tế sẽ có thư gửi tới Trung Quốc, đề nghị xem xét những vấn đề sử dụng nước trên sông Mê Kông để không gây hạn hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng hạn hán trong mùa khô cạn kiệt này.

Trong nội tại, Việt Nam phải có các giải pháp tăng cường, ứng phó như: Xây dựng hệ thống hồ đập giữ nước, cống ngăn mặn...tuy nhiên những giải pháp này có thể chưa phát huy được ngay. Trong lúc chờ đợi giải pháp triệt để, chúng ta phải có giải pháp thích ứng và chiến lược sử dụng nước ví dụ như thay đổi cơ cấu mùa vụ; chọn những giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn.

* Trân trọng cảm ơn ông!

THU PHƯƠNG (Thực hiện)

Tác động từ thủy điện thượng lưu tới Đồng bằng sông Cửu Long

Tổng lượng dòng chảy các sông suối vào lãnh thổ Việt Nam khoảng 830 – 850 tỉ m3/năm, trong đó sông Mê Kông đóng góp 475 tỉ m3 (53 – 57% tổng lượng dòng chảy). Như vậy, rõ ràng sông Mê Kông có vị trí đặc biệt quan trọng đối với Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất Việt Nam. Về vị trí, Đồng bằng sông Cửu Long nằm ở cuối nguồn nước, được hưởng những lợi thế về sự màu mỡ do phù sa sông Mê Kông bồi đắp từ hàng ngàn đời nay và nhận lại toàn bộ lượng dòng chảy sông sau khi qua các nước phía thượng lưu. Tuy vậy, do nằm cuối nguồn, nước từ sông Mê Kông đến Đồng bằng sông Cửu Long đã, đang và sẽ chịu tác động của mọi biến động thiên nhiên và hoạt động của con người ở các quốc gia phía thượng lưu. Một trong những tác động đang dấy lên sự lo ngại sâu sắc của dư luận ở Việt Nam nói riêng và thế giới đối với tương lai của hệ sinh thái sông Mê Kông nói chung và nguồn nước sông Mê Kông đó là tác động do việc phát triển thủy điện ồ ạt từ các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông, đặc biệt là các bậc thang thủy điện trên dòng chính. Trên thực tế, nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế đã chỉ ra rằng các bậc thang thủy điện thượng nguồn đã dẫn đến những tác động môi trường đối với châu thổ sông Mê Kông nói chung và đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long. Đó là việc làm thay đổi chế độ dòng chảy ở hạ lưu. Khi 15 công trình trên phần thượng lưu và 11 công trình ở hạ lưu hoàn thành, lượng nước điều tiết xuống hạ lưu chắc chắn sẽ làm thay đổi đáng kể so với dòng chảy tự nhiên.

Sự thay đổi dòng chảy do các bậc thang thủy điện gây ra đối với lưu vực sông Mê Kông cho thấy, trừ những năm lũ đặc biệt lớn, việc giảm lưu lượng lũ xuống hạ lưu tạo nên "lũ xấu" và ảnh hưởng đáng kể đến lợi ích kinh tế do lũ mang lại, đặc biệt đối với Campuchia và Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam. Việc giảm lưu lượng mùa khô do việc vận hành vì nhiều lý do còn gây nên tác động tiêu cực lớn hơn cho hạ lưu như thiếu nước cho sinh hoạt và sản xuất, tăng diện tích xâm nhập mặn.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia môi trường cũng lo lắng về nguy cơ giảm lượng phù sa xuống hạ lưu châu thổ và Đồng bằng sông Cửu Long. Điều này sẽ dẫn đến sự suy giảm lượng cá hạ lưu, ảnh hưởng đến nông nghiệp, làm thay đổi động lực dòng chảy, tăng khả năng xói lở bờ, lòng sông… gây mất đất, bất ổn cho cuộc sống của nhiều cộng đồng dân cư, phá hủy các công trình hạ tầng cơ sở lớn nằm ven bờ.

Chia sẻ bài viết