 |
Phong cảnh duyên hải Henoko của thành phố Nago.
Ảnh: AP |
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hôm qua đã ra tuyên bố hoan nghênh Thống đốc tỉnh đảo Okinawa của Nhật Bản, ông Hirokazu Nakaima vừa thông qua thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ di dời căn cứ không quân Futenma đến một địa điểm mới. Ông chủ Lầu Năm Góc cho rằng đây là "cột mốc quan trọng nhất" sau hơn 17 năm đấu tranh căng thẳng để tái bố trí lực lượng quân sự Mỹ tại Okinawa, đồng thời nhấn mạnh kế hoạch này "đóng vai trò then chốt trong chiến lược tái cân bằng duy trì hòa bình và an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương đang diễn tiến" của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Ông Hagel giải thích kế hoạch tái bố trí quân đội tại Okinawa sẽ giúp Mỹ tăng cường khả năng duy trì ưu thế sức mạnh bền vững trên bình diện phân bổ địa lý, trạng thái sẵn sàng chiến đấu kiên cường và lập trường chính trị ở châu Á.
Tương lai căn cứ Futenma được Mỹ và Nhật Bản bắt đầu thảo luận năm 1996 và hai bên đã đạt được thỏa thuận di dời vào năm 2006, trước khi đảng Dân chủ Nhật Bản lên nắm quyền năm 2009 với lời hứa thay đổi quyết định này.
Căn cứ có tên Trạm không lực thủy quân lục chiến Futenma đang nằm ở khu vực đông dân cư Ginova và sẽ được chuyển tới miền duyên hải Henoko ít người sinh sống gần thành phố Nago, phía Bắc Okinawa với tên gọi mới Trại Schwab. Cùng với căn cứ mới, Mỹ đang tiếp tục củng cố căn cứ không quân Kadena đóng tại huyện Nakagami thuộc tỉnh Okinawa.
Theo thỏa thuận với chính quyền Nhật Bản, quân đội Mỹ sẽ rút khoảng 9.000-10.000 lính ra khỏi Okinawa một khi căn cứ mới được xây dựng hoàn tất. Theo hãng tin Mỹ AP, có khoảng phân nửa trên tổng số 50.000 lính Mỹ đóng tại Nhật Bản đang có mặt ở Okinawa. Tân Hoa Xã thì cho biết có khoảng 18.000 lính thủy đánh bộ Mỹ tại Okinawa trên tổng số 47.000 quân Mỹ đồn trú ở Nhật Bản theo hiệp ước an ninh giữa hai nước sau Đệ nhị Thế chiến.
Cần nhắc lại là căn cứ không quân Futenma đã gây ra nhiều rắc rối với cư dân Okinawa bởi vấn nạn ô nhiễm môi trường, tiếng ồn máy bay, những vụ tai nạn giao thông và các vụ hãm hiếp liên quan đến lính Mỹ. Họ không mong muốn nhìn thấy một Futenma mới tại Okinawa, nơi người dân cảm thấy "gánh vác" bất công bằng cho sự hiện diện "đỡ đầu" an ninh của quân đội Mỹ trên khắp Nhật Bản. Bản thân Thống đốc Nakaima cũng là người chỉ trích quyết liệt thỏa thuận trên từ chính quyền trung ương và cho biết ông có ác cảm khi thấy tỉnh đảo nhiệt đới này vẫn được coi như một "hàng không mẫu hạm không thể chìm" của quân đội Mỹ sau hơn 40 năm nó được Washington trao quyền kiểm soát cho Tokyo. Tuy nhiên, ông đã không thể cưỡng lại lời hứa rót ngân sách đầu tư phát triển 2,9 tỉ USD/năm cho đảo Okinawa đến năm 2021 của Thủ tướng Shinzo Abe.
Thủ tướng Abe ca ngợi ông Nakaima đã đưa ra "quyết định dũng cảm", trong tình thế có hàng ngàn người biểu tình phản đối bao vây và tràn vào hành lang trụ sở thống đốc với biểu ngữ "không bao giờ khuất phục". Để xoa dịu dư luận, ông Nakaima tuyên bố sẽ tiếp tục gây áp lực buộc tất cả lính Mỹ ở Futenma rời khỏi Okinawa, trong đó ông đã yêu cầu đóng cửa căn cứ này trong vòng 5 năm tới và căn cứ mới sẽ không được mở cửa cho đến năm 2022.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng quyết định trên có thể là dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của ông Nakaima tại Okinawa. Yuichi Haga, chủ tịch hội đồng thành phố Nago, cảnh báo đó là hành động "không thể tha thứ của vị thống đốc". Nhóm chống đối căn cứ Futenma tuyên bố sẽ đâm đơn kiện chính quyền.
Ngược lại, Thủ tướng Abe được cho đã giữ thể diện trước đồng minh quan trọng nhất Mỹ và cũng có thể tạo thêm uy tín cho ông trước công chúng xứ Mặt trời mọc trong bối cảnh nước Nhật muốn tăng cường đối phó với Trung Quốc đang gia tăng tham vọng trên biển Hoa Đông. Tỉnh Okinawa nằm ở cực Nam của Nhật Bản, là địa phương quản lý quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Trung Quốc và là nơi quân đội Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền.
KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters, AFP)