02/06/2011 - 20:57

Ông Nguyễn Văn Sanh, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường TP Cần Thơ:

Cần có những qui định rõ ràng hơn trong kinh doanh vàng và ngoại tệ

Mới đây, Ban chỉ đạo phòng chống buôn lậu, hàng giả và hàng gian lận thương mại TP Cần Thơ, đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra kinh doanh ngoại tệ, vàng trên địa bàn thành phố. Trao đổi với phóng viên Báo Cần Thơ xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sanh, Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ, cho biết:

- Nhìn chung, tình hình kinh doanh vàng và ngoại tệ trên địa bàn TP Cần Thơ diễn ra khá tốt, qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị chủ yếu mắc phải những vấn đề về niêm yết giá, không có giấy chứng nhận kiểm định cân, tem kiểm định hết hiệu lực... Đặc biệt, tình hình kinh doanh và thu đổi ngoại tệ tại thị trường tự do đã không còn sôi động như trước đây.

* Ông có nhận xét gì sau đợt kiểm tra kinh doanh vàng và ngoại tệ thời gian vừa qua, thưa ông?

- Đợt kiểm tra từ ngày 19-4 đến cuối tháng 5-2011, Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiểm tra 21 cơ sở. Trong đó, Đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính 16 vụ vi phạm về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm hàng hóa, đối với hành vi vi phạm như: tem phương tiện đo hết hiệu lực, cân vàng không có giấy chứng nhận kiểm định,... và các vi phạm trong lĩnh vực hoạt động thương mại như: kinh doanh không đúng ngành nghề mặt hàng, địa điểm ghi trong giấy không trùng với địa điểm kinh doanh... Các biên bản vi phạm đã được chuyển qua Cơ quan QLTT thực hiện xử lý theo hình thức phạt tiền, tổng cộng 77,6 triệu đồng. Đồng thời, thực hiện xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả như buộc thực hiện kiểm định phương tiện đo theo qui định...

 Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra kinh doanh vàng và ngoại tệ tại cửa hàng kinh doanh vàng, quận Ninh Kiều.

Buôn bán ngoại tệ tại thị trường tự do là việc làm bất hợp pháp nên các điểm có buôn bán đều rất thận trọng, rất khó phát hiện. Khi đoàn kiểm tra điểm này thì các điểm kinh doanh gần đó đóng cửa. Trong đợt kiểm tra lần này, Đoàn kiểm tra chủ yếu kiểm tra về các vi phạm hành chính, không thực hiện khám xét. Theo qui trình kiểm tra, Đoàn phải công bố quyết định sau đó mới thực hiện kiểm tra. Qua đợt kiểm tra này, thấy rằng, việc ngân hàng thực hiện việc chi trả ngoại tệ với giá cao hơn bên ngoài thị trường tự do, những người có nhu cầu thanh toán ngoại tệ đã bán cho ngân hàng để có lợi hơn. Lý do nữa tác động đến sự bình ổn thị trường là do các qui định kiểm tra xử lý áp dụng rất nặng nên các cơ sở thu đổi ngoại tệ bất hợp pháp ngán ngại...

* Xin ông cho biết, những khó khăn còn tồn tại trong việc kiểm soát nguồn ngoại tệ trên thị trường tự do hiện nay?

- Cùng với những khó khăn trong phát hiện, kiểm tra những vi phạm các qui định, việc kiểm tra ngoại tệ còn vướng phải khó khăn về các qui định quản lý. Hiện nay, những qui định về quản lý ngoại tệ gặp rất nhiều bất cập, lỗi thời. Như tại Nghị định số 202/2004/NĐ-CP (Nghị định 202) ngày 10-12-2004 của Chính phủ, qui định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Giả sử, việc thành lập một đại lý chi trả ngoại tệ theo Quyết định số 21/2008/QĐ-NHNN ngày 11-7-2008 của Thống đốc Ngân hành Nhà nước ban hành, đại lý chi trả ngoại tệ chỉ cần ký hợp đồng với Ngân hàng Nhà nước để tiến hành làm thủ tục đăng ký, việc này đã tạo kẽ hở bởi khi kiểm tra chúng tôi nhận thấy rằng, nhiều đơn vị khi đã ký kết hợp đồng với Ngân hàng Nhà nước làm đại lý nhưng không phù hợp với chức năng hoạt động thực tế, về địa điểm hoạt động thì ký một nơi hoạt động một nẻo, có đơn vị mặc dù đăng ký tại TP Cần Thơ nhưng cơ sở hoạt động tại Hà Nội... Với những vi phạm như vậy thì không thể áp dụng xử lý theo Nghị định 202, đó là vướng về qui định về xử lý. Về qui định quản lý cũng còn khá lỏng lẻo, trong việc cấp phép làm đại lý chi trả ngoại tệ cho các tổ chức không đúng với chức năng kinh doanh (ngoại tệ, vàng); hoặc sau khi cấp giấy phép nhưng các đại lý này lại không bổ sung vào giấy phép đăng ký kinh doanh...

Còn đối với kinh doanh vàng, theo Nghị định 59/2006/NĐ-CP ngày 12-6-2006 qui định chi tiết luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện, đây cũng là loại hàng hóa dịch vụ kinh doanh có điều kiện, tuy nhiên không cần phải cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh như một số các mặt hàng kinh doanh có điều kiện khác (như xăng dầu). Nhưng người kinh doanh phải đăng ký kinh doanh đúng ngành nghề, mặt hàng, địa điểm trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải niêm yết giá hàng hóa dịch vụ và bán đúng giá niêm yết, phương tiện đo lường phải được kiểm định theo qui định của pháp luật.

* Ông có kiến nghị gì để góp phần ổn định thị trường vàng và ngoại tệ hiện nay, thưa ông!

- Chúng tôi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước khi thực hiện việc cấp giấy phép làm đại lý chi trả ngoại tệ cho tổ chức kinh doanh nào nên căn cứ vào giấy phép đăng ký kinh doanh. Chỉ nên cấp cho tổ chức có hoạt động theo lĩnh vực này. Còn ở các đơn vị chưa từng hoạt động lĩnh vực này thì nên yêu cầu đăng ký bổ sung lĩnh vực hoạt động. Hoặc Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp giấy phép kinh doanh chi trả ngoại tệ khi đơn vị có giấy phép kinh doanh đúng với chức năng.

* Xin cảm ơn ông!

KHÁNH NAM (Thực hiện)

Chia sẻ bài viết