20/02/2024 - 15:12

Cần có lộ trình thực hiện xuất hóa đơn điện tử từng lần bán xăng dầu 

Mặc dù theo quy định, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải xuất hóa đơn điện tử (HÐÐT) từng lần bán và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế ngay trong tháng 12-2023, tuy nhiên, thời điểm hiện tại, vẫn còn số lượng lớn doanh nghiệp chưa thực hiện quy định. Nguyên nhân được đưa ra là do chi phí đầu tư cho hệ thống xuất HÐÐT mỗi trụ bơm, chi phí xuất HÐÐT cao hơn rất nhiều so với hóa đơn mà doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang sử dụng, cần phải đào tạo lại đội ngũ nhân viên để thực hiện đúng theo quy định… khiến họ gặp nhiều khó khăn.

Đoàn liên ngành đến nắm tình hình thực hiện triển khai HĐĐT tại Công ty Cổ phần Dầu khí Mê Kông.

Doanh nghiệp than khó

Nhằm triển khai thực hiện tốt quy định xuất HÐÐT từng lần bán tại các cửa hàng bán lẻ xăng đầu, gần đây, TP Cần Thơ thành lập Ðoàn liên ngành làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp kinh doanh nghiệp, cửa hàng kinh doanh bán lẻ xăng dầu trên địa bàn TP Cần Thơ (Ðoàn liên ngành). Ðến làm việc tại một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố, các doanh nghiệp đều cam kết sẽ thực hiện theo đúng quy định, tuy nhiên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, việc triển khai HÐÐT trong bán lẻ khiến doanh nghiệp phải tốn kém chi phí đầu tư thiết bị. Bên cạnh đó, các vấn đề kỹ thuật cũng phát sinh liên quan đến việc lắp đặt thêm các thiết bị đo đếm ở cây xăng cũng như việc hóa đơn xuất ra của doanh nghiệp phải kết nối dễ dàng, phần mềm hoạt động ổn định, truy xuất dữ liệu nhanh, phải có tính tương thích, tích hợp với các phần mềm quản lý có sẵn của doanh nghiệp và phần mềm HÐÐT có khả năng tích hợp với nhiều loại phần mềm của doanh nghiệp như phần mềm kế toán, bán hàng…

Bà Trần Thị Lan Chi, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xăng dầu Bảo Bảo, cho biết, hiện cũng có một số đơn vị cung ứng gởi báo giá và công ty cũng đang chọn lựa để phù hợp với mô hình doanh nghiệp và mức chi phí phù hợp. Doanh nghiệp cam kết thực hiện theo quy định, tuy nhiên cần phải có lộ trình, bởi nếu áp dụng ngay thời điểm này thì doanh nghiệp chưa thể làm được. Theo bà Trần Thị Lan Chi, để thực hiện được xuất HÐÐT từng lần bán tại các điểm bán lẻ xăng dầu công ty phải đầu tư, nâng cấp thiết bị sao cho đồng nhất, cộng thêm phải đào tạo nhân sự để thực hiện… điều này gây không ít khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp…

Ông Trần Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dầu khí Mê Kông, cho biết, hoạt động của doanh nghiệp đặt tại 13 tỉnh ÐBSCL, có 70 cửa hàng xăng dầu trực thuộc; riêng tại TP Cần Thơ công ty có 9 cửa hàng, tương đương 53 cột đo xăng dầu phải thực hiện kết nối xuất HÐÐT theo từng lần bán. Ðây là chủ trương chung của Chính phủ, công ty hoàn toàn ủng hộ và thực hiện theo đúng chỉ đạo. Công ty cũng đặt ra lộ trình thực hiện hoàn tất ngày 31-3-2024, do vậy mong được tạo thuận lợi và chấp thuận cho đơn vị kéo dài thời gian thực hiện đến cuối tháng 3-2024.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Thống kê từ Sở Công Thương, trên địa bàn TP Cần Thơ có 250 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, 310 cửa hàng xăng dầu, 5 thương nhân đầu mối, 22 thương nhân phân phối. Tính đến đầu tháng 1-2024, có 39/271 cửa hàng kinh doanh xăng dầu (chiếm tỷ lệ 14,39%); 167/1.026 cột bơm (chiếm tỷ lệ 16,28%) thực hiện quy định về phát hành HÐÐT theo từng lần bán hàng.

Theo Cục Thuế TP Cần Thơ, hiện đã triển khai đầy đủ các giải pháp theo kế hoạch đề ra. Các cơ sở kinh doanh xăng dầu đã nắm rõ các quy định về lập HÐÐT theo từng lần bán hàng, các lợi ích mang lại; 100% cơ sở kinh doanh xăng dầu đã tiếp cận với các tổ chức cung cấp giải pháp để lựa chọn giải pháp tối ưu, phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị để ký hợp đồng lắp đặt thiết bị, phần mềm. Hiện nay, các tổ chức cung cấp giải pháp đang tiến hành lắp đặt thiết bị và phần mềm cho các cơ sở kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh nhỏ, theo quy mô gia đình, khó khăn để thực hiện là kinh phí thực hiện quá lớn. Bên cạnh đó, nhân sự cũng là vấn đề khó khăn bởi người bán hàng đa số là người không có trình độ để sử dụng máy tính, chủ doanh nghiệp chỉ căn cứ số tiền thu được và thông tin ghi nhận từ nhân viên bán hàng khi hết ca để xuất hóa đơn... Từ các khó khăn, vướng mắc nêu trên, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu cho rằng cần quy định lộ trình thực hiện cụ thể theo từng giai đoạn vừa để các cửa hàng kinh doanh xăng dầu có bước chuẩn bị tốt nhất trong quá trình triển khai thực hiện, vừa để cơ quan thuế địa phương làm căn cứ tổ chức xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện nhằm đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ đã đề ra…

Ông Nguyễn Hùng Em, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Trưởng Ðoàn liên ngành cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin của doanh nghiệp, Ðoàn sẽ tổng hợp báo cáo lãnh đạo thành phố, Thường trực Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP Cần Thơ (BCÐ 389/TP) để có hướng hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp.

HÐÐT xuất theo từng lần với xăng dầu mang lại nhiều lợi ích như thay đổi về quản lý, quản trị, nâng cao thương hiệu, uy tín doanh nghiệp khi thực hiện minh bạch, chuyển đổi số. Ðối với người tiêu dùng, đây cũng là một quyền lợi khi được xác nhận chất lượng, số lượng hàng hóa được cung cấp. Ðối với quản lý nhà nước, sẽ góp phần giảm thiểu hành vi gian lận, góp phần thực hiện chuyển đổi số theo định hướng của Chính phủ. Việc thực hiện HÐÐT chắc chắn sẽ làm tăng chi phí, bao gồm chi phí đầu tư và chi phí thường xuyên. Theo các chuyên gia, bài toán ở đây là phân bổ chi phí đó như thế nào để đảm bảo doanh nghiệp vẫn có lợi nhuận, vẫn hoạt động được. Do vậy, rất cần thiết xây dựng một kế hoạch triển khai thực hiện bài bản ngay từ giai đoạn đầu, từ công tác chuẩn bị hạ tầng, đào tạo và tuyên truyền, đặc biệt là tuyên truyền nội bộ, tuyên truyền tới khách hàng. Ðồng thời doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm sát để đội ngũ nhân viên và khách hàng thực hiện đúng ngay từ những giai đoạn đầu.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết