19/11/2008 - 20:24

Ngành công thương các thành phố lớn trực thuộc Trung ương

Cần chuẩn bị gì để vào "sân chơi" lớn ?

Theo lộ trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), từ ngày 1-1-2009 Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ. Áp lực cạnh tranh lại tiếp tục trở thành những thách thức không nhỏ đối với ngành công thương trong nước. Liệu Việt Nam có đủ sức đứng vững và phát triển trên “sân nhà” khi thị trường được mở với sự cạnh tranh khốc liệt? Tại Hội nghị ngành công thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) vừa diễn ra ở TP Cần Thơ, vấn đề này được nêu lên và là một trong những chủ đề chính của hội nghị. Báo Cần Thơ xin lược ghi một số ý kiến xoay quanh vấn đề này.

* ÔNG NGUYỄN VĂN LAI, GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG TP HỒ CHÍ MINH:

ƯU TIÊN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH; HỆ THỐNG PHÂN PHỐI, BÁN BUÔN, BÁN LẺ

TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và cả mức tiêu dùng bán lẻ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, ngoài khó khăn chung như tác động chính sách thắt chặt tiền tệ, giá cả tăng cao,... thành phố còn gặp phải sự thiếu hụt lao động, doanh nghiệp thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, hoạt động cung cấp thông tin, liên kết các doanh nghiệp của hội ngành nghề còn hạn chế; ngành công thương thành phố còn gặp phải các thách thức “tin đồn”, nạn găm hàng, tăng giá bất hợp lý, gian lận thương mại...

Để có thể khắc phục những khó khăn, thách thức, thúc đẩy phát triển, ngành công thương thành phố đã có nhiều giải pháp thiết thực. Một trong số đó chính là công tác lập quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch hệ thống hạ tầng khu – cụm công nghiệp; hệ thống phân phối, bán buôn, bán lẻ phải đi trước thông qua việc tổ chức lại hệ thống phân phối nhằm giảm bớt khâu trung gian. Trong công tác quản lý, ngành công thương thành phố luôn tăng cường tiếp xúc, trao đổi với doanh nghiệp, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp. Đồng thời phát huy vai trò của hiệp hội ngành nghề, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến... Ngoài việc tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa, chi phí sản xuất, chi phí lưu thông trên thị trường, ngành đã xây dựng chiến lược tạo nguồn hàng thiết yếu và quỹ tín dụng phục vụ cân đối cung cầu hàng hóa thiết yếu trên thị trường. Nhờ vậy, ngành công thương TP Hồ Chí Minh ít rơi vào thế bị động khi giá cả hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu có biến động mạnh về giá.

ÔNG ĐỖ QUANG THỊNH, GIÁM ĐỐC SỞ CÔNG THƯƠNG TP HẢI PHÒNG:

CẦN CÓ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP PHỤ TRỢ Ở TẦM VĨ MÔ

Vì mục tiêu tăng trưởng nhanh, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động, trong những năm qua, Hải Phòng đã khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp. Phần lớn các dự án đã đầu tư là các dự án sản xuất sản phẩm cuối nguồn, trình độ công nghệ trung bình, sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Ngay ngành công nghiệp đóng tàu, một thế mạnh của Hải Phòng nhưng tỷ lệ nội địa hóa chỉ khoảng 30%; giày – dép chỉ khoảng 20%... Vì vậy, tuy giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, nhưng giá trị gia tăng, hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, hao phí nhiều năng lượng, dẫn đến tình trạng mất cân đối sản xuất sản phẩm chính với các ngành sản xuất phụ trợ. Mặt khác, khi có biến động giá nguyên vật liệu nhập khẩu thì các doanh nghiệp thường rơi vào tình trạng mất ổn định trong sản xuất kinh doanh.

Nhận thức được vấn đề này, trong nhiều năm qua, thành phố đã kêu gọi đầu tư và có cơ chế khuyến khích, ưu đãi để phát triển công nghiệp phụ trợ. Nhưng số dự án sản xuất sản phẩm thượng nguồn, công nghiệp sản xuất sản phẩm phụ trợ đầu tư vào địa bàn không nhiều, mới chỉ có các dự án sản xuất phôi thép và một số dự án sản xuất động cơ, linh kiện, nội thất cho đóng tàu. Nhiều ngành sản xuất như da giày, dệt may, hóa chất, nhựa, sản xuất xe có động cơ... vẫn ở tình trạng tỷ lệ nội địa hóa thấp, rất ít sản phẩm phụ trợ sản xuất trong nước. Đây là một cản ngại rất lớn trước yêu cầu phát triển bền vững ngành công thương, cần tiếp tục bổ sung thêm các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp phụ trợ ở tầm vĩ mô.

ÔNG NGUYỄN THĂNG LONG, PHÓ CỤC TRƯỞNG CỤC CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG – BỘ CÔNG THƯƠNG:

LIÊN KẾT SONG PHƯƠNG, ĐA PHƯƠNG ĐỂ NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Ngành công thương các thành phố trực thuộc Trung ương cần chú ý phát triển song hành công nghiệp trung ương và công nghiệp địa phương trong quá trình phát triển. Điều này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở công thương các thành phố, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương trong công tác điều hành, quản lý. Các thành phố trực thuộc trung ương, được xem như là đầu tàu trong phát triển kinh tế, chính vì thế phải luôn luôn nhìn xa hơn, trông rộng hơn các địa phương khác trong việc quy hoạch, đầu tư phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tập trung phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, hiện đại.

Sau hơn 2 năm chính thức gia nhập WTO, Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới. Khả năng cạnh tranh yếu, nhiều bất cập trong công tác quản lý đòi hỏi hơn lúc nào hết, các tỉnh, thành phố trong cả nước phải hình thành các mối liên kết ngành, liên kết doanh nghiệp... Đặc biệt, đối với 5 thành phố trực thuộc trung ương, cần tiếp tục phát huy vai trò chủ lực trong việc thực hiện các liên kết, gắn kết song phương, đa phương để cùng phát triển, góp phần vào tăng trưởng kinh tế xã hội của cả nước. Chỉ có liên kết, thì mới phát huy được lợi thế cạnh tranh, phát huy sức mạnh nâng cao năng lực của địa phương, của từng ngành trên thị trường quốc tế.

ÔNG NGUYỄN THÀNH BIÊN, THỨ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG:

NÊN THỂ CHẾ HÓA CÔNG TÁC QUẢN LÝ ĐỂ HẠN CHẾ BẤT CẬP TRONG TÌNH HÌNH MỚI

Hiện nay, các thành phố trực thuộc Trung ương đều có nhiều tồn tại, bất cập ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nói chung và của ngành công thương nói riêng. Đó là: công tác quy hoạch nội bộ ngành công thương và quy hoạch các ngành khác còn nhiều yếu kém, chồng chéo không mang lại hiệu quả cao, thể hiện rõ nhất trong các quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch hệ thống cảng... Là các đầu tàu kinh tế nhưng khả năng cạnh tranh của các thành phố trực thuộc trung ương đang dần bị thu hẹp; khả năng phối hợp của các ngành, các địa phương còn hạn chế. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước, quản lý về mặt thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, chống buôn lậu, gian lận thương mại... từng lúc, từng nơi còn nhiều kẽ hở trong hoạt động phân phối hàng hóa, ổn định thị trường.

Từ ngày 1-1-2009, Việt Nam bắt buộc phải mở cửa thị trường bán lẻ. Điều này có nghĩa, hoạt động thương mại đang đặt ra nhiều thách thức, nhất là trong lĩnh vực phân phối. Vấn đề này đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp tinh vi trong quy hoạch, trong thể chế hóa công tác quản lý nhà nước... Các thành phố trực thuộc trung ương, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi để tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển kinh tế. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, dệt may, da- giày,... phát triển gắn với đảm bảo giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các thành phố cũng cần phối hợp làm tốt công tác xúc tiến đầu tư – thương mại – công nghiệp, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn này để phát huy hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh của các ngành hàng trong thời gian tới.

ĐÔNG TRIỀU (lược ghi)

Chia sẻ bài viết