* Sửa đổi Luật Giáo dục nhằm nâng cao chất lượng và hiệu lực quản lý giáo dục
Sáng 23-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2009; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách nhà nước năm 2010.
Các đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Chu Sơn Hà (Hà Nội) tán thành với nhận định của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách: năm 2009 là năm chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, lũ lụt xảy ra trên nhiều vùng, miền của cả nước; cùng với tác động của suy thoái kinh tế thế giới, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, giá dầu thô diễn biến bất thường. Sau liên tiếp 7 tháng kinh tế bị suy giảm, đến tháng 2-2009, nền kinh tế Việt Nam đã chạm đáy và có xu thế phục hồi, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước, dự kiến cả năm có thể đạt ở mức trên 5%. Vốn đầu tư toàn xã hội đạt 42,6% GDP4; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 7%; tổng thu NSNN ước đạt 100,2% dự toán (vượt 750 tỉ đồng); chi NSNN ước tăng 8,5% so với dự toán.
Đạt được kết quả trên là sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, song phải kể đến sự thực thi chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ khá linh hoạt của Chính phủ đã được Quốc hội thông qua nhằm chống suy giảm, phục hồi sự tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Chính sách tài chính - tiền tệ năm 2009 đã tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và thực hiện dự toán thu, chi ngân sách. Mặc dù trong điều kiện kinh tế còn khó khăn nhưng số thu NSNN vẫn đạt và vượt dự toán. Việc thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế tuy có làm giảm số thu ngân sách của nhiều địa phương, nhưng Chính phủ đã tích cực chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều biện pháp, kiên quyết và đôn đốc thực hiện nhiệm vụ thu NSNN.
Về việc huy động, sử dụng vốn trái phiếu chính phủ năm 2010, Chính phủ đề nghị phát hành 56.000 tỉ đồng vốn TPCP và số vốn kế hoạch TPCP năm 2009 chuyển sang năm 2010 dự kiến khoảng 10.000 tỉ đồng (tổng số vốn TPCP năm 2010 dự kiến 66.000 tỉ đồng), có ý kiến đề nghị xem xét cân nhắc lại việc phát hành 56.000 tỉ đồng vốn TPCP trước khả năng huy động và hấp thụ vốn, khả năng giải ngân khó khăn như hiện nay, cũng như hiệu quả đầu tư còn hạn chế...
Về bội chi ngân sách, Chính phủ đề nghị mức bội chi NSNN bằng 6,5% GDP, nhiều ý kiến đề xuất việc giảm bội chi ngân sách cần phải có lộ trình cụ thể và khả thi. Nếu tiếp tục để bội chi NSNN ở mức cao sẽ tạo ra nguy cơ rủi ro an ninh tài chính quốc gia và gia tăng khả năng lạm phát cao quay trở lại.
Về dự toán ngân sách năm 2010, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đề nghị đối với chi thường xuyên cần chi tập trung, đúng người, đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng hơn chi cho con người, chi bảo đảm nguồn lực cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở các cơ quan, đơn vị và địa phương. Một số ý kiến đề nghị ưu tiên tăng chi cho quốc phòng, an ninh và thực hiện những nhiệm vụ cấp bách, quan trọng. Tán thành với quan điểm này, một số đề nghị việc chi ngân sách cho lĩnh vực quốc phòng an ninh cần đặt ra tương xứng; cần có cơ chế để huy động đông đảo nhân dân tham gia đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp vào lĩnh vực này. Ngoài ra đại biểu đề xuất tăng hỗ trợ đào tạo nghề và đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp.
* Chiều 23-10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT); Dự án Luật thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Tờ trình dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân đã đọc tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.
Theo đó, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục liên quan đến 22 điều trong tổng số 120 điều của Luật, bổ sung mới 01 mục vào Chương VII gồm 03 điều mới. Các nội dung sửa đổi, bổ sung cụ thể gồm: chương trình giáo dục; phổ cập giáo dục; về đầu tư trong lĩnh vực giáo dục; cán bộ quản lý giáo dục; sách giáo khoa; giáo trình giáo dục nghề nghiệp và giáo trình giáo dục đại học; thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ; cơ sở giáo dục đại học; các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân; thành lập nhà trường; thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trường đại học; thẩm quyền cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục; công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục; kiểm định chất lượng giáo dục; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (VHTNTN&NĐ) cho rằng, Luật Giáo dục hiện hành bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung để tăng cường hiệu lực thi hành và để phù hợp hơn với thực tiễn. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này tập trung vào những vấn đề thực sự bức xúc mà thực tiễn đòi hỏi, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức và hoạt động giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu lực quản lý giáo dục.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT và Luật thuế TNDN trình Quốc hội gồm 3 điều, sửa đổi bổ sung điều 8 của Luật thuế GTGT và điều 13, 14 Luật TNDN. Các đối tượng được áp dụng trong Dự thảo Luật là các doanh nghiệp có dự án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân KCN và người có thu nhập thấp.
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, đa số thành viên trong Ủy ban nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật thuế GTGT và Luật thuế TNDN để nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc của thực tiễn xã hội trong việc giải quyết vấn đề nhà ở cho sinh viên, công nhân, người thu nhập thấp và khuyến khích đầu tư phát triển nhà cũng như đầu tư mở rộng vào các lĩnh vực, địa bàn kinh tế- xã hội khó khăn.
Đa số thành viên Ủy ban Tài chính- Ngân sách đồng ý với việc sửa đổi áp dụng mức thuế suất GTGT đối với nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân tại các KCN và nhà ở có thu nhập thấp xuống 5% thay cho 10% như Luật hiện hành. Ủy ban cơ bản nhất trí với nội dung sửa đổi trong dự thảo Luật mở rộng quy định về ưu đãi cho các dự án xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên, công nhân KCN và người có thu nhập thấp mà không phụ thuộc vào địa bàn đầu tư và đề nghị của Chính phủ về mở rộng ưu đãi đối với dự án đầu tư mở rộng của doanh nghiệp.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Đình Đàn trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010.
Năm 2010, bên cạnh các nội dung giám sát tối cao thường kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét và đưa vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội hai nội dung: giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với các hệ giáo dục cao đẳng, đại học, sau đại học (tại kỳ họp thứ 7); giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 (tại kỳ họp thứ 8).
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, hai nội dung nêu trên cần được đưa vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2010 vì đó là những vấn đề nổi lên trong đời sống kinh tế- xã hội của đất nước, được cử tri quan tâm.
QUỲNH HOA-XUÂN KHU (TTXVN)