03/05/2023 - 07:52

Cần các giải pháp đồng bộ trong quản lý rơm rạ 

Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG

Đốt rơm rạ trên đồng là một trong những nguyên nhân gia tăng khí thải nhà kính và gây lãng phí. Bởi rơm rạ nếu được quản lý và sử dụng đúng cách, mang lại lợi ích và giá trị to lớn. Song, do còn thiếu thông tin, kiến thức và gặp khó khăn nên nguồn phụ phẩm rơm rạ trong sản xuất lúa tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL vẫn chưa được thu gom, tận dụng thật tốt.

Hiện rơm được nhiều người dân trên địa bàn TP Cần Thơ sử dụng để trồng nấm rơm gia tăng thu nhập.

Còn đốt bỏ rơm rạ

Vùng ĐBSCL là nơi sản xuất lúa gạo trọng điểm của cả nước, lượng phụ phẩm rơm rạ được thải ra từ sản xuất lúa trong vùng là rất lớn. Với sản lượng lúa hằng năm đạt hơn 24 triệu tấn, ĐBSCL có lượng rơm rạ lên đến hàng chục triệu tấn. Để giúp nông dân trong thu gom và sử dụng rơm rạ, ngành chức năng đã tích cực hỗ trợ nông dân áp dụng các loại máy móc để có thể thu gom rơm một cách nhanh chóng, tiết kiệm nhân công và chi phí. Đồng thời, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng và phát triển các mô hình sử dụng rơm làm nấm rơm, ủ phân hữu cơ và phục vụ nuôi trâu bò hay thu gom rơm để bán cho những người có nhu cầu. Thông qua nhiều mô hình, giải pháp phát triển sinh kế hiệu quả từ rơm rạ, nông dân đã nâng cao được nhận thức và hành động trong việc khai thác, tận dụng nguồn phụ phẩm này để nâng cao thu nhập. Qua đó, dần hạn chế được việc đốt và vứt bỏ rơm rạ trên đồng, vừa lãng phí, vừa ảnh hưởng xấu đến môi trường.

Song, nhiều nơi nông dân vẫn còn đốt bỏ rơm trên đồng sau các mùa thu hoạch lúa. Nông dân còn thiếu thông tin và kiến thức trong việc ủ rơm rạ thành phân bón hữu cơ, cũng như không có nhu cầu và thiếu các điều kiện phương tiện, máy móc và nhân công để thu gom rơm phục vụ chăn nuôi và các hoạt động sản xuất khác. Nhiều nông dân cũng còn giữ tập quán canh tác theo truyền thống, quan niệm rằng đốt rơm rạ giúp tiêu diệt sâu bệnh trên đồng, dễ làm đất và để lại một lượng tro và muốn tiện lợi cho sản xuất. Bởi nếu không đốt rơm trên đồng, nông dân phải tốn thêm nhân công và chi phí để xử lý phần gốc rạ trên ruộng lúa. Hiện nông dân tại nhiều nơi cũng còn gặp khó khi muốn bán rơm bởi ít người người mua hoặc mua giá rẻ mà phải chờ đợi lâu, nông dân sợ trễ thời vụ của vụ lúa tiếp theo. Theo bà Trần Ngọc Mai, ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, nông dân còn đốt rơm do gieo sạ lúa tập trung đồng loạt, nguồn rơm khi vào các vụ thu hoạch lúa tại nhiều nơi rất dồi dào, thương lái rơm không thu mua kịp nên có giá rất rẻ, chỉ ở mức 200.000-400.000 đồng/ha, thậm chí không có người mua.

Cần giải pháp

Thực tế cho thấy, rơm rạ không chỉ có thể phục vụ làm phân bón hữu cơ mà còn dùng vào nhiều mục đích sản xuất khác nhau như: trồng nấm rơm, làm thức ăn chăn nuôi, phủ gốc cho cây trồng, lót các loại trái cây, làm vật liệu xây dựng, trang trí… hoặc nông dân đem bán cho những người có nhu cầu. Đốt rơm vừa làm mất phần lớn các chất dinh dưỡng cho cây trồng, vừa tạo khói bụi gây ô nhiễm, ảnh hưởng sức khỏe con người, đồng thời gia tăng phát thải khí nhà kính, tác động đến biến đổi khí hậu. Đốt rơm cũng  làm chết các sinh vật sống trong đất như nấm, vi khuẩn và động vật có lợi, từ đó ảnh hưởng đến đa dạng sinh học.

Để nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo và giảm phát thải, đòi hỏi chúng ta cần phải có các giải pháp đồng bộ trong quản lý và sử dụng rơm rạ nhằm xử lý triệt để vấn đề đốt rơm rạ trên đồng. Đây cũng là vấn đề được ngành Nông nghiệp tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL quan tâm đặt ra khi tham gia góp ý cho "Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL" đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xây dựng. Đề án hướng đến xây dựng vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tại ĐBSCL đến năm 2025 đạt hơn 500.000ha và đến 2030 đạt 1 triệu héc-ta. Lợi nhuận bình quân của người trồng lúa đạt trên 35% vào năm 2025 và trên 40% vào năm 2030. Đến năm 2025 và năm 2030, giảm lượng sử dụng giống xuống còn ở mức 80 kg/ha. Giảm lượng nước tưới đến năm 2025 và 2030 lần lượt là 30% và trên 30%; rơm rạ được thu gom khỏi đồng và tái sử dụng, chế biến đạt lần lượt là 70% và 90% diện tích. Giảm khí phát thải nhà kính trên 10% vào năm 2025 và trên 20% vào năm 2030… Ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang, cho rằng: "Để sản xuất lúa gạo giảm phát thải khí nhà kính, cần tránh việc đốt rơm trên đồng. Ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn nông dân trong quản lý, sử dụng rơm rạ, tìm kiếm đầu ra. Tăng cường liên kết, đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu gom rơm và phát triển chế biến sâu cho các sản phẩm rơm, giúp tạo thêm giá trị và thu nhập cho nông dân". Theo ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, hiện nay nhiều người dân còn đốt rơm trên đồng nhằm xử lý gốc rạ một cách nhanh chóng để đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa 3 vụ/năm. Vì vậy, các bộ ngành, địa phương và đơn vị, doanh nghiệp có liên quan cần kịp thời nghiên cứu, đưa vào các loại  máy móc và công nghệ giúp xử lý gốc rạ hoặc thu hồi gốc rạ một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học giúp xử lý, phân hủy rơm rạ nhanh chóng trên đồng, tạo thành phân bón hữu cơ phục vụ lại cho cây trồng.

Tới đây, các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và hành động của người dân, hướng đến chấm dứt việc đốt rơm rạ trên đồng. Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cùng các địa phương cần tính đến vấn đề thu hoạch rơm và có các quy định, định hướng và kế hoạch cho từng vụ sản xuất. Kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp về tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ về vốn, phương tiện máy móc, công nghệ… để nông dân quản lý và khai thác, sử dụng hiệu quả rơm rạ.

Chia sẻ bài viết