18/07/2019 - 14:02

Cải thiện chất lượng, giá trị sản phẩm thủy sản 

Ngành thủy sản nước ta đang đứng trước nhiều thách thức về môi trường, dịch bệnh, suy thoái giống, yêu cầu kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu… Do đó việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong quản lý sản xuất, chế biến, quản trị chuỗi ngành hàng đóng vai trò rất quan trọng. Ðây cũng là định hướng chiến lược trong tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo bền vững và theo kịp xu hướng phát triển của thế giới.

Các máy móc, thiết bị tiên tiến ứng dụng trong ngành thủy sản trưng bày tại Diễn đàn.

► Yêu cầu từ thực tiễn

Theo các chuyên gia, những thách thức ngành thủy sản đã và đang gặp phải làm phát sinh nhu cầu thay đổi kỹ thuật canh tác, cải tiến công nghệ, đặc biệt là ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để hiện đại hóa việc nuôi trồng, chế biến sản phẩm thủy sản. Ông Vũ Đức Trí, Giám Đốc Quản lý doanh nghiệp Tập đoàn Việt-Úc, chia sẻ: “Ngành cá tra đang gặp khó khăn do sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu, rào cản kỹ thuật, giá thành sản xuất cao, những quy định nghiêm ngặt từ thị trường xuất khẩu… Do vậy, chỉ có ứng dụng công nghệ vào sản xuất thì mới có thể tháo gỡ các nút thắt nêu trên và đưa ngành sản xuất cá tra phát triển bền vững”.

Theo các chuyên gia đầu ngành, công nghệ tự động hóa được áp dụng khá rộng rãi trong khâu chế biến từ phân loại, hấp, đóng gói, dây chuyền sản xuất,… Tuy nhiên, trong khâu nuôi trồng mức độ ứng dụng công nghệ còn rất hạn chế, đặc biệt với quy mô sản xuất nhỏ của ngành tôm. Vì vậy, theo ông Ngô Tiến Chương, đại diện Tổ chức GIZ, doanh nghiệp, người nuôi phải ứng dụng công nghệ vào khâu sản xuất, nuôi trồng để đạt được lợi thế cạnh tranh. Công nghệ có thể sử dụng theo nhiều cách nhằm giảm chi phí từ đó tăng thêm giá trị; nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới và ứng dụng internet để khách hàng có quyền truy cập 24/7 để tìm hiểu thông tin doanh nghiệp. Tại nhiều thị trường lớn và tiềm năng của nước ta như: EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc đều có những yêu cầu rất chặt chẽ về kiểm soát chất lượng và về truy xuất nguồn gốc. Từ năm 2010, EU đã áp dụng quy định mới, bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào thị trường này phải công bố đầy đủ các thông tin về xuất xứ nguồn gốc nguyên liệu…

Xuất phát từ thực tế trên, tại Diễn đàn Khoa học công nghệ Ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào ngành thủy sản vừa diễn ra mới đây, nhiều giải pháp, công nghệ tiên tiến ứng dụng trong nuôi trồng thủy sản được trình bày, giới thiệu. Đơn cử như: Hệ thống giám sát chất lượng nguồn nước online; Hệ thống quản trị và truy xuất điện tử từ ao nuôi đến nhà máy chế biến thủy sản; Ứng dụng IoT trong nuôi tuần hoàn tôm thẻ chân trắng; Hệ thống giám sát chất lượng nước trực tuyến ao nuôi trồng thủy sản nhằm tiết kiệm năng lượng; Bể ương nuôi thông minh và năng lượng xanh… Các thành tựu khoa học công nghệ nói trên đều hướng đến phát triển ngành thủy sản hiệu quả, bền vững thông qua các tính năng ưu việt: tăng cường tính chính xác của dữ liệu; đảm bảo tính đồng bộ, kịp thời; quản lý tập trung trên quy mô lớn; giảm thiểu thời gian và chi phí truy xuất nguồn gốc; khai thác tốt dữ liệu sản xuất để tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp…

► Chuyển giao, ứng dụng

Song song với quá trình nghiên cứu, chế tạo, hoạt động chuyển giao, ứng dụng thành tựu, công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản cũng được nhà sản xuất, doanh nghiệp đẩy mạnh. Ông Trịnh Đặng Khánh Toàn, Tổng Giám đốc điều hành T.C Group, cho biết: T.C group đã dành  hơn 2 năm lên ý tưởng thiết kế, thử nghiệm, chế tạo thành công “hệ thống giám sát chất lượng nguồn nước online” với thương hiệu T.C Chek. Hệ thống này giúp người nuôi có được công cụ giám sát, đo lường trực tiếp và cảnh báo, báo động nhanh chóng, kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý để môi trường nuôi trồng thủy sản về mức độ an toàn trong thời gian nhanh nhất. T.C Chek hứa hẹn giúp người nuôi trồng thủy sản có thể ứng phó kịp thời với các biến động môi trường nước; cắt giảm chi phí nhân công, tiết kiệm điện năng, giải phóng sức lao động và tránh cung cấp dư thừa thức ăn giúp việc canh tác trở nên nhẹ nhàng, an toàn và tiết kiệm chi chí cho chủ đầu tư.

Ông Vũ Đức Trí, Giám Đốc Quản lý doanh nghiệp Tập đoàn Việt-Úc, cho biết: Tập đoàn Việt-Úc đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao vào quy trình chọn lọc đàn cá tra bố mẹ như: công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và vi điện tử… giúp chọn lựa được những cá thể mang vật liệu di truyền ưu tú, vượt trội nhất trong đàn để chọn lọc cá bố mẹ tốt nhất cho những thế hệ tiếp theo. Với hệ thống chíp điện tử được gắn trên đàn cá tra bố mẹ đã giúp các cán bộ Tập đoàn theo dõi sự sinh trưởng, phát triển cũng như dịch bệnh của nguồn cá tra bố mẹ giống. Công nghệ di truyền phân tử cho phép các kỹ sư so sánh sự đa dạng di truyền giữa các giống nhằm nâng cao hiệu quả lựa chọn giống cá tra bố mẹ so với các kỹ thuật truyền thống. Công nghệ này cũng cho phép phân tích về sự đồng huyết, cận huyết, nguồn gốc, sự tăng trưởng và phát triển của cá.

Các chuyên gia cho rằng, ứng dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào nông nghiệp sẽ thay đổi phương thức quản lý trang trại, doanh nghiệp, hộ gia đình. Từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ đến tiêu dùng đều có thể ứng dụng kỹ thuật số nhằm giảm thiểu công lao động trực tiếp, tiết kiệm vật tư đầu vào, hạ giá thành sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, theo ông Ngô Tiến Chương, đại diện Tổ chức GIZ, việc ứng dụng và đổi mới công nghệ cần xem xét cẩn trọng các vấn đề về tính phù hợp (chuyển đổi từ hệ thống “đóng” sang hệ thống “mở”-thay đổi từ tư duy đến hành động, khả năng phù hợp với năng lực phát triển, thị trường Công nghệ và chuyển giao công nghệ); năng lực vận hành (năng lực hạ tầng, doanh nghiệp, người sản xuất và trình độ vận hành); Hiệu quả về chi phí và lợi ích (giá tăng giá trị sản phẩm, năng lực cạnh tranh, lợi ích về môi trường và xã hội)…

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết