25/09/2023 - 09:10

Cải cách hành chính - Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ
Bài 3: Còn nhiều “điểm nghẽn”
 

Công tác cải cách hành chính (CCHC) ở TP Cần Thơ tuy có nhiều chuyển biến, song từng lúc, từng nơi, sự chuyển biến này chưa đồng đều. Từ năm 2020 đến nay, nhiều chỉ số liên quan đến CCHC đều “tụt hạng”. Những “điểm nghẽn” trong công tác CCHC đã và đang tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Ðoàn giám sát của Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ khảo sát việc giải quyết TTHC lĩnh vực liên quan đến đất đai tại Bộ phận Một cửa UBND phường Cái Khế, quận Ninh Kiều vào cuối tháng 8-2023. Ảnh: Q. THÁI

Thủ tục hành chính (TTHC) còn “nhiêu khê”

Tháng 8-2023, anh N.V.C ở phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, đến Bộ phận Một cửa UBND quận Bình Thủy làm thủ tục chuyển nhượng đất tại phường Long Tuyền, quận Bình Thủy. Do trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là số chứng minh nhân dân của anh nên anh C được hướng dẫn phải thực hiện thủ tục cập nhật số căn cước công dân vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để thực hiện hợp đồng chuyển nhượng.

Anh C thắc mắc: “Việc chuyển từ chứng minh nhân dân sang căn cước công dân là chủ trương của Nhà nước và trên căn cước công dân cũng có mã QR. Các cá nhân, tổ chức có thể dùng điện thoại thông minh quét mã QR để xem thông tin số chứng minh nhân dân cũ, họ tên của người được cấp. Vậy tại sao phải có thêm thủ tục chỉnh lý số chứng minh nhân dân?”.

Ông Trần Hoàng Vũ ngụ phường Thới An, quận Ô Môn, cũng gởi đơn phàn nàn vấn đề giải quyết TTHC về đất đai, tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Ô Môn. Việc làm ông Vũ bức xúc nhất là trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có nhiều thửa đất, nhưng khi làm thủ tục thừa kế, chuyển nhượng 1 thửa thì được yêu cầu phải đo đạc lại tất cả các thửa. Theo ông Vũ như vậy là không đúng quy định, gây tốn kém, mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, việc đo đạc không có giấy hẹn ngày trả kết quả, không biết thời gian sẽ đo đạc, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất…

Về phản ánh của ông Vũ, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Ô Môn đã chấn chỉnh và chỉ đạo đo đạc viên thực hiện đo đạc đối với thửa đất mà người sử dụng đất có yêu cầu, không bắt buộc thực hiện đo đạc tất cả các thửa đất được cấp chung 1 giấy chứng nhận (trừ trường hợp giấy chứng nhận hết chỗ xác nhận thì phải thực hiện cấp đổi theo quy định). Ðối với phản ánh về thủ tục đo đạc kéo dài, Văn phòng đăng ký đất đai đã xác minh cho thấy việc giải quyết hồ sơ đo đạc chưa đảm bảo thời gian quy định và chưa cập nhật lại ngày hẹn trả kết quả cho người dân. Văn phòng đã chấn chỉnh việc ra phiếu hẹn và cập nhật lại ngày trả kết quả, thời gian giải quyết đối với hồ sơ đo đạc tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai quận Ô Môn.

Theo kết quả chấm điểm Chỉ số CCHC năm 2022 của TP Cần Thơ, chỉ số thành phần tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết đúng hẹn ở 3 cấp như sau: cấp tỉnh đạt 99,91%, cấp huyện đạt 99,93% và cấp xã là 99,93%. Nghĩa là cả 3 cấp vẫn tồn tại tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ. Ðó cũng là một trong những nguyên mất điểm của Chỉ số CCHC. Còn theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DCCI) TP Cần Thơ năm 2022, trên 83,33% doanh nghiệp (DN) được hỏi, đánh giá chi phí không chính thức có giảm so với các năm trước. Tuy nhiên, có đến 70,1% DN đồng ý với ý kiến hiện tượng nhũng nhiễu là phổ biến - tỷ lệ ở mức trung bình cao. Trong đó, cao nhất là tại các đơn vị: Sở Tài nguyên và Môi trường (72,53%), Sở Giao thông vận tải (71,48%). Về tình trạng chi phí không chính thức, 57,53% DN được khảo sát đánh giá phải trả chi phí không chính thức nếu muốn công việc thuận lợi. Trong đó, cao nhất là Sở Kế hoạch và Ðầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường (58,88%).

Vì sao các chỉ số về CCHC liên tục “tụt hạng”?

Các Chỉ số CCHC (PARINDEX), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và SIPAS (Chỉ số sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước) của TP Cần Thơ từng là “điểm sáng” vì có thời gian lọt “top” đầu cả nước. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, nhiều chỉ số liên quan đến CCHC của TP Cần Thơ đều “tụt hạng”. Riêng năm 2022, Chỉ số PAPI xếp thứ 55/63 tỉnh, thành (giảm 13 bậc so với năm 2021), Chỉ số PCI xếp hạng 19/63 tỉnh, thành (giảm 7 bậc so với năm 2021). Các chỉ số còn lại tuy có tăng hạng nhưng thứ tự xếp hạng chưa đạt mục tiêu tốp 20 tỉnh, thành dẫn đầu cả nước như đã đề ra.

Theo ông Nguyễn Thanh Nhanh, Thư ký Hội đồng thẩm định CCHC thành phố, Trưởng Phòng CCHC - Văn thư, lưu trữ (Sở Nội vụ TP Cần Thơ), có nhiều nguyên nhân khiến người dân, DN chưa hài lòng. Ðơn cử như: Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của thành phố chưa cập nhật các TTHC kịp thời và chưa niêm yết công khai TTHC đúng quy định; các mẫu đơn, tờ khai cơ bản đã hết hiệu lực thi hành, ít nhiều gây khó khăn cho người dân, DN khi tra cứu tìm hiểu và thực hiện TTHC. Về cải cách chế độ công vụ, vẫn còn tình trạng cán bộ cấp sở, cấp huyện và cấp xã bị kỷ luật do vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến tuy có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa cao; một số nơi còn chậm triển khai thực hiện số hóa hồ sơ, giấy tờ TTHC.

Theo đánh giá của Chỉ số PAPI, chất lượng dịch vụ hành chính công liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người đi làm thủ tục ở phần lớn các tỉnh/thành phố có chung trải nghiệm chưa tốt. Ở TP Cần Thơ, năm 2022, nội dung thành phần này giảm 0,09 điểm so với năm 2021. Theo ông Ðỗ Thanh Thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, mặc dù Sở đã đề ra nhiều giải pháp khắc phục hồ sơ trễ hẹn và nâng cao mức độ hài lòng của người dân, DN nhưng quá trình giải quyết TTHC không tránh khỏi những hồ sơ, vụ việc phức tạp. Trong khi đó, thời gian giải quyết TTHC không tính đến những yếu tố phức tạp này, dẫn đến hồ sơ trễ hẹn, chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, DN.

Kết quả Chỉ số PCI năm 2022 của TP Cần Thơ tuy vẫn nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất (xếp thứ 19/63 tỉnh, thành), nhưng vẫn tụt 7 hạng so với năm 2021 và là mức giảm nhiều sau 6 năm liên tiếp ở vị trí thứ 11-12. Trong đó, có đến 6 chỉ số thành phần giảm điểm và đều là những chỉ số có trọng số cao trong kết quả PCI năm 2022. Ðây là nguyên nhân dẫn đến việc giảm điểm và thứ hạng của năm 2022.

Tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và CCHC, Ðề án 06 của Chính phủ vào cuối tháng 8-2023, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, thẳng thắn đánh giá, kết quả các chỉ số CCHC thiếu tính bền vững, chưa khắc phục kịp thời hạn chế trong công tác CCHC và chuyển đổi số. Chủ tịch UBND thành phố dẫn chứng thực tế chỉ hơn 5.000 lượt người đăng ký sử dụng phần mềm “CanTho Smart City” - một con số quá khiêm tốn. Năm 2021, thành phố đã hoàn thành việc đầu tư, nghiệm thu 6 cơ sở dữ liệu dùng chung (gồm: công dân; DN; cán bộ, công chức, viên chức; TTHC; danh mục dùng chung và hồ sơ) nhưng đến nay, phần lớn chưa đưa vào sử dụng được. Ðây chỉ là 2 điển hình về sự kém hiệu quả của các hạng mục đã được đầu tư. Người đứng đầu chính quyền thành phố cho rằng, phải tập trung giải quyết việc tạo lập, chuẩn hóa, kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu trong toàn hệ thống thông tin chính quyền số. Những hạn chế, yếu kém của chuyển đổi số nếu được khắc phục kịp thời, CCHC sẽ phát triển theo trên cơ sở hỗ trợ của dữ liệu về dân cư.

Bài cuối: Tạo đột phá từ cải cách hành chính

LAN PHƯƠNG - QUỐC THÁI

Chia sẻ bài viết