15/09/2009 - 09:12

TP Cần Thơ xử lý ca cúm A(H1N1) xuất hiện trong trường học

Cách ly ca bệnh, giám sát chặt chẽ

Thông tin về một học sinh của Trường Tiểu học Võ Trường Toản (phường An Hòa, quận Ninh Kiều) nhiễm cúm A(H1N1) làm nhiều phụ huynh hoang mang, thậm chí có phụ huynh đã cho con nghỉ học. Tình hình này đã đặt ra nhiều vấn đề: đóng hay không đóng cửa trường, làm sao để phòng bệnh tốt, để phụ huynh an tâm, vẫn đảm bảo công tác dạy, học... Sáng 14-9, ngành y tế Cần Thơ đã tổ chức cuộc họp giữa các cơ sở y tế, ngành giáo dục và Trường Tiểu học Võ Trường Toản về những vấn đề này.

* Phụ huynh hoang mang

Ngày 10-9-2009, nhiều học sinh của lớp 4A3, Trường Tiểu học Võ Trường Toản bị ho, sổ mũi. Giáo viên đứng lớp đã hỏi: “Em nào có sốt thì đưa tay lên”. Có đến 14 học sinh đồng loạt đưa tay. Ngay lập tức, 14 học sinh này đã được nhà trường cách ly, tiến hành đo thân nhiệt. Qua đó, học sinh N. P. M. T. được phát hiện sốt trên 380C. Nhà trường đã báo cho cơ sở y tế để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gởi về Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh. Ngày 12-9-2009, mẫu bệnh phẩm của em T. được xác định dương tính với cúm A(H1N1).

Đoàn thanh tra, kiểm tra công tác chống đại dịch cúm A(H1N1) trong trường học của Bộ Y tế đang kiểm tra kiến thức của học sinh Trường THCS Lê Bình (quận Cái Răng) trước ngày khai giảng năm học 2009 - 2010. Ảnh: B.NG 

Thông tin em T. nhiễm cúm A(H1N1) đã làm nhiều phụ huynh có con em đang học tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản hoang mang. Phụ huynh liên tục điện thoại đến trường, không ít phụ huynh đã yêu cầu nhà trường đóng cửa hoặc yêu cầu nhà trường cam kết học sinh đến lớp sẽ không bị nhiễm bệnh thì mới cho con em họ đi học... Sáng 14-9-2009, nhiều phụ huynh vẫn tiếp tục đến trường yêu cầu cho học sinh nghỉ học. Sáng 14-9, trong tổng số 1.322 học sinh của trường, có 370 em nghỉ học.

Anh Danh Văn Sanh, một trong những phụ huynh có con em đang học tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản, cũng mang tâm lý lo lắng như nhiều phụ huynh khác. Tuy nhiên, sáng 14-9, anh vẫn đưa con đến trường. Anh Sanh cho biết: “Ngày chủ nhật (13-9), nhà trường đã có thông báo tình hình bệnh, hướng dẫn cách phòng bệnh, yêu cầu mua khẩu trang cho cháu nên tôi đã bớt lo lắng. Đến trường, con tôi được đo nhiệt độ, theo dõi sức khỏe nên tôi yên tâm và quyết định không để con nghỉ học”.

* Cúm A(H1N1) “đe dọa” cộng đồng

Khai thác yếu tố dịch tễ, cán bộ ngành y tế chưa xác định được nguồn lây bệnh cho em T. Khoảng thời gian 7 ngày trước đó, T. vẫn đến lớp đều đặn, không có tiếp xúc với người nước ngoài, không đến các địa phương khác. Điều này cho thấy khả năng nguồn bệnh tồn tại ở địa phương, vẫn chưa được phát hiện và có thể lây lan thêm cho cộng đồng. Trong nhóm 14 học sinh lớp 4A3 có biểu hiện ho, ngoài học sinh T, còn có 2 học sinh có biểu hiện ho và có yếu tố dịch tễ đã được ngành y tế lấy mẫu bệnh phẩm để gửi xét nghiệm. Trong 2 ngày 13 và 14-9, trường có thêm 15 học sinh có biểu hiện sốt, ho; trong đó, có 5 học sinh của lớp 2A1 có thân nhiệt trên 380C, 10 học sinh còn lại thuộc lớp 3A2. Em T. đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi TP Cần Thơ. Tình trạng sức khỏe của em ổn định, hết sốt.

Báo cáo hằng ngày của Bộ Y tế cũng cho thấy, hiện tại, dịch cúm A(H1N1) đang diễn biến phức tạp, xảy ra nhiều ở các tỉnh, thành phía Nam. Bệnh đã “tấn công” đến vùng nông thôn. Cụ thể như trường hợp nhiễm bệnh, tử vong ở tỉnh Bến Tre. Theo Bác sĩ Đoàn Anh Luân, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y - Sở Y tế TP Cần Thơ, vi-rút cúm A(H1N1) có thể sống 24 giờ đến 48 giờ trên bề mặt các vật dụng (tủ, bàn, ghế, tay vịn cầu thang...), 4 ngày trong nước ở nhiệt độ 220C và đến 30 ngày trong nước ở nhiệt độ 00C. Vì vậy, nguy cơ bệnh lây lan, phát triển trong mùa đông sắp đến là khó tránh khỏi. Đây cũng là điều các chuyên gia y tế trong nước và trên thế giới đã cảnh báo.

* “Đóng hay không đóng cửa trường không quan trọng”

Ngay khi phát hiện ca bệnh ở Trường Tiểu học Võ Trường Toản, ngành y tế, ngành giáo dục đã phối hợp tuyên truyền cho phụ huynh học sinh cách phòng lây bệnh, tiến hành phun hóa chất, khử khuẩn tại trường học và hộ gia đình. Học sinh thuộc 2 lớp 4A3 và 2A1 đã được cho nghỉ học, cách ly và theo dõi sức khỏe tại nhà trong vòng 7 ngày. Đồng thời, nhà trường đã chuyển 25 lớp học bán trú thành học 2 buổi/ ngày, tổ chức 4 nhóm đo thân nhiệt học sinh trước khi vào trường, không tổ chức chào cờ hàng tuần. Trường cũng chỉ cho học sinh nghỉ giải lao tại chỗ để giảm nguy cơ lây bệnh.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều người lo lắng, đề nghị đóng cửa trường học. Ông Hồ Văn Ngộ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ, cho rằng: “Hiện tình hình dịch bệnh chưa biết đến lúc nào chấm dứt nên không thể đóng trường mỗi khi ca bệnh xuất hiện. Ngành giáo dục sẽ tuân thủ đúng theo hướng dẫn của ngành y tế. Điều quan trọng là hướng dẫn để phụ huynh hiểu rõ tình hình để hợp tác phòng chống bệnh một cách hiệu quả”.

Tiến sĩ Trần Sophia, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết: “Đóng hay không đóng cửa trường không quan trọng mà quan trọng là đảm bảo công tác giám sát, cách ly ca bệnh. Vì vậy, cần tuyên tuyền để phụ huynh học sinh hiểu rõ cách phòng bệnh cho con em, giảm bớt lo lắng”. Bác sĩ Lê Hùng Dũng, Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ, cũng khẳng định chưa đến lúc cần thiết để đóng cửa trường học. “Điều quan trọng là ngành tăng cường chỉ đạo, giám sát toàn diện, không lơ là trước dịch bệnh. Đồng thời, thông tin để phụ huynh học sinh hiểu rõ về bệnh, chủ động phòng bệnh, không hoang mang và hợp tác với ngành y tế, nhà trường, trong việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh”- bác sĩ Dũng nói. Theo bác sĩ Dũng, tại Trường Tiểu học Võ Trường Toản sẽ thành lập 1 tổ cán bộ gồm: Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, cán bộ trạm y tế, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, và Ban giám hiệu trường để cùng giám sát, xử lý mọi tình huống xảy ra. Các cơ sở y tế được phân công chuẩn bị đầy đủ phương tiện, hóa chất, thuốc, sẵn sàng cấp cứu điều trị bệnh. Trong giai đoạn này, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ có trách nhiệm tiếp nhận điều trị bệnh cho trẻ em nhiễm cúm A(H1N1), Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ có trách nhiệm cử 1 tổ cấp cứu hỗ trợ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ trong quá trình điều trị cho bệnh nhi. Bệnh viện Lao và Bệnh phổi TP Cần Thơ tiếp nhận điều trị cho người lớn.

Đề cập đến công tác chỉ đạo nhằm bảo đảm tốt phòng chống dịch bệnh vừa ổn định tâm lý cho phụ huynh và giáo viên trong quá trình dạy, học, ông Hồ Văn Ngộ cho biết: “Ngành giáo dục đã phối hợp với ngành y tế tuyên truyền trong phụ huynh về biện pháp phòng chống lây nhiễm bệnh. Ngành khuyến khích các giáo viên khi bắt đầu tiết dạy đầu tiên của buổi học, nên đặt câu hỏi “Có học sinh nào cảm thấy mệt mỏi, bị sốt, ho?” để sớm phát hiện những học sinh có hiểu hiện của bệnh. Song song đó, ngành tiếp tục phối hợp với ngành y tế để tăng cường tuyên truyền đến học sinh giáo viên, phụ huynh học sinh cách phòng lây nhiễm bệnh”.

BĂNG TÂM - B.NGỌC

Chia sẻ bài viết