19/03/2019 - 07:01

Các trường đồng loạt tiêm vắc-xin Sởi-Rubella cho trẻ 

Từ ngày 18-3 đến 20-3-2019, TP Cần Thơ đồng loạt tiêm vắc-xin Sởi - Rubella cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi tại các trường mầm non, mẫu giáo công lập và tư thục trên địa bàn 5 quận, huyện là Ninh Kiều, Cái Răng, Ô Môn, Thới Lai và Cờ Đỏ.

Cô giáo động viên trẻ khi tiêm tại Trường Mầm non Thực Hành. Ảnh: H.HOA

Cô giáo động viên trẻ khi tiêm tại Trường Mầm non Thực Hành. Ảnh: H.HOA

 

Đảm bảo an toàn tuyệt đối

Sáng 18-3, Trường Mầm non Vành Khuyên (quận Ninh Kiều) phối hợp với ngành y tế tổ chức tiêm cho khoảng 200 trẻ. Các bàn tiêm được sắp xếp theo quy tắc một chiều: khu vực chờ tiêm, bàn đón tiếp, bàn khám sàng lọc, bàn tiêm và ghi chép, theo dõi sau tiêm... Trong lúc chờ, các cô cho trẻ uống trà đường trước khi tiêm. Theo cô Lý Hồng Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, từ cuối tuần trước, nhà trường đã hoàn tất công tác chuẩn bị. Cô giáo dặn phụ huynh cho cháu đi học sớm. Hôm tiêm ngừa, các cô đi làm sớm, nhà bếp cho các cháu ăn sớm, thức ăn dễ tiêu. Năm 2014, nhà trường cũng thực hiện chiến dịch tiêm rồi nên cũng có kinh nghiệm tổ chức, chăm lo cho các cháu.

Tại Trường Mầm non Thực Hành, nhà trường linh động bố trí tivi cho các cháu xem phim hoạt hình trong lúc chờ đợi. Sau khi tiêm, các cháu được thưởng kẹo. Cô Nguyễn Thị Thùy Trang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trước đó, khi đi dự tiêm thí điểm ở Trường Mầm non Tây Đô, tôi học hỏi quy trình bố trí. Đồng thời, khi tham gia họp rút kinh nghiệm, lãnh đạo thành phố lưu ý các cô cần phân tán sự chú ý của trẻ, tạo không khí vui tươi cho các cháu. Vì thế, trường bố trí tivi, đồ chơi, kẹo cho các cháu. Các cháu chờ tiêm, không nhìn thấy các bạn đang tiêm để tránh gây tâm lý hoang mang, lo sợ”.

Còn ở Trường Mầm non Tây Đô, cô Trương Thị Ngọc Liễu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Trước khi tổ chức tiêm hơn 1 tuần, nhà trường cũng tổ chức phát loa trước và sau giờ đưa, rước trẻ; dán tài liệu tuyên truyền ở bảng tuyên truyền của trường và các lớp; mời bác sĩ đến trường để trực tiếp nói chuyện và giải đáp tất cả các thắc mắc của phụ huynh. Qua buổi nói chuyện, giáo viên, lãnh đạo nhà trường hiểu thêm về tâm tư, tình cảm, băn khoăn của phụ huynh, từ đó, tìm ra giải pháp tốt nhất để tổ chức thành công chiến dịch tiêm vắc-xin Sởi-Rubella”.

Ở các trường, buổi sáng chỉ tiêm đến 10 giờ, buổi chiều chỉ tiêm đến 16 giờ (đề phòng trẻ bị hạ đường huyết, bụng đói do tiêm trễ). Theo lãnh đạo các trường, trẻ chưa tiêm tại trường do bị bệnh, đi vắng… nhà trường sẽ lập danh sách, nhắc phụ huynh đưa con đến tiêm vét tại các trạm y tế.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC), toàn thành phố, dự kiến có 42.160 trẻ thuộc diện tiêm. Trong đó trên 27.000 trẻ tiêm tại trường học, số còn lại là trẻ ở cộng đồng, chưa đi học, nhóm trẻ gia đình sẽ tiêm tại các trạm y tế. Sở Y tế, CDC phối hợp quận, huyện cử cán bộ giám sát trước, trong và sau khi tiêm chủng. Đồng thời cũng tổ chức các đoàn kiểm tra chéo đánh giá thực tế tình hình tiêm chủng ở các địa phương.

Theo dõi sát trẻ

Ngành y tế thành lập đội cấp cứu sẵn sàng chi viện cho tuyến trước tại các bệnh viện: Nhi đồng, Phụ sản, Quân dân y thành phố, Đa khoa quận Ô Môn và Trung tâm Y tế quận Cái Răng, huyện Thới Lai. Mỗi đơn vị tổ chức 2 đội cấp cứu. Tại trạm Y tế, tổ chức 1 đội cấp cứu. Mỗi đội cấp cứu phải có đủ y, bác sĩ, điều dưỡng, có đầy đủ cơ số thuốc và dụng cụ cần thiết. Ngoài ra, niêm yết số điện thoại cố định và điện thoại đi động của trạm y tế tại tất cả các điểm tiêm để phụ huynh liên lạc khi cần tư vấn, nhất là sau khi tiêm chủng.

Sau khi tiêm, trẻ được theo dõi tại Phòng theo dõi sau tiêm 30 phút có cô giáo và cán bộ y tế. Sau đó, trẻ trở về lớp và vẫn tiếp tục được theo dõi. Tại các điểm tiêm, khi rước trẻ, nhà trường phát cho phụ huynh giấy xác nhận tiêm chủng, mặt sau của giấy có thông tin dành cho các bậc phụ huynh theo dõi sau tiêm, như: Phụ huynh tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng về các dấu hiệu sau: toàn trạng, tinh thần, ăn, ngủ, thở, nhiệt độ, phát ban, phản ứng tại chỗ tiêm, gia đình tuyệt đối không đắp bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Nếu trẻ có biểu hiện sốt, cần cặp nhiệt độ và theo dõi sát, dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của cán bộ y tế. Thông thường sau tiêm có phản ứng nhẹ như sốt, nổi ban và sẽ tự khỏi sau vài ngày. Nếu sau tiêm chủng có các dấu hiệu như sốt cao (>38,5°C), khó thở, tím tái, phát ban…cần đưa ngay tới bệnh viện hoặc các cơ sở y tế. Nếu cha mẹ không yên tâm về sức khỏe của trẻ sau khi tiêm chủng có thể gọi ngay cho trạm y tế hoặc đưa trẻ đến gặp cán bộ y tế để được khám và tư vấn.

Trước thông tin có một số phụ huynh thông báo với nhà trường đã tiêm đủ hai mũi sởi (khi trẻ 9 tháng và 18 tháng tuổi) nên không cho con tiêm, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Trung Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ (tham gia hỗ trợ chiến dịch tiêm), cho biết: Do đây là đợt tiêm bổ sung, tăng cường miễn dịch phòng bệnh cho trẻ nên không kể tiền sử tiêm chủng, trẻ từ 1- 5 tuổi đều tiêm. Chỉ trừ những trẻ vừa được tiêm vắc-xin Sởi, Sởi - Rubella hoặc  Sởi - Quai bị - Rubella trước ngày tiêm chiến dịch trong vòng 1 tháng.

H.HOA

Chia sẻ bài viết