08/11/2009 - 08:40

KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XII

Các nhà máy điện phải đảm bảo an toàn và hiệu quả kinh tế xã hội

* Trình Quốc hội 3 Dự án Luật: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Trọng tài thương mại; Thi hành án hình sự

Sáng 7-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu và đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) bày tỏ ý kiến tán thành cao đối với chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu, nhằm đảm bảo nhu cầu năng lượng ngày càng bức thiết của xã hội. Việc xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu cũng là một cơ hội lớn cho sự phát triển của địa phương vốn là một tỉnh nghèo, đông bà con dân tộc. Vì vậy, theo đại biểu, trong quá trình lập dự án và xây dựng nhà máy, Chính phủ cần có những có những biện pháp tích cực hơn nữa để đảm bảo và nâng cao đời sống của nhân dân địa phương.

Cùng chung ý kiến với đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Nguyễn Đăng Kính (Hà Nội), Bùi Sĩ Lợi (Thanh Hóa) nhất trí với chủ trương xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu và quan tâm đến công tác di dời, tái định cư người dân khu vực xây dựng nhà máy. Theo các đại biểu, việc giải tỏa, di dân, tái định cư là vấn đề phức tạp, liên quan đến đời sống của hàng ngàn người dân, vì thế cần phải đảm bảo nguyên tắc chỗ ở mới của người dân phải tốt hơn chỗ ở cũ và chất lượng cuộc sống phải được nâng cao hơn một bước.

Đại biểu Trần Văn (Cà Mau), Bùi Sỹ Lợi (Hà Nội), Phạm Mạnh Hùng (Thái Nguyên) cho rằng, Chính phủ cần có báo cáo chi tiết, cụ thể hơn về vốn đầu tư xây dựng công trình và phương án huy động vốn trong dự án nhà máy thủy điện Lai Châu. Tỷ lệ chi phí lãi vay, lãi dự phòng trong tổng nguồn vốn đầu tư cần phải được nghiên cứu cân đối một cách hợp lý, khoa học, đảm bảo sự chủ động về vốn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có báo cáo về vấn đề hiệu quả đầu tư thông qua dự toán tổng vốn đầu tư trên một MW điện sản xuất, phương án hoàn vốn...

Đại biểu Trần Văn (Cà Mau) nhất trí với chủ trương phát triển điện hạt nhân, nhưng cho rằng, trước mắt Chính phủ nên xem xét lại mức độ đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân theo hướng đầu tư dần 1-2 tổ máy để tránh áp lực về nguồn vốn và tận dụng được sự phát triển của khoa học công nghệ thế giới. Phần thiếu hụt năng lượng có thể đáp ứng bằng các biện pháp tiết kiệm và giảm thiểu hao hụt trong quá trình sử dụng năng lượng; đầu tư phát triển các loại năng lượng tái tạo như năng lượng từ gió, mặt trời...

Phát biểu tại tổ Quảng Nam, Thanh Hóa, Thái Nguyên, ông Dương Quang Thành, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dự án xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu và phát triển điện hạt nhân được xây dựng từ yêu cầu cấp thiết của nhu cầu năng lượng đất nước. EVN sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu để việc phát triển nguồn năng lượng hạt nhân đảm bảo độ an toàn cao, theo đúng các quy định của pháp luật. Nếu chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân được thông qua, EVN sẽ thực hiện việc xây dựng nhà máy theo giải pháp “chìa khóa trao tay”, đảm bảo lựa chọn nhà thầu có kinh nghiệm từ các quốc gia có công nghệ gốc về điện hạt nhân.

* Chiều 7-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe trình 3 Dự án Luật: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Trọng tài thương mại; Thi hành án hình sự.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Luật và đánh giá sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một biện pháp hàng đầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Đây cũng là một trong những biện pháp quan trọng để bảo vệ môi trường và ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn ra và ảnh hưởng nghiêm trọng, lâu dài tới sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Qua thẩm tra, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về các nội dung: Phạm vi điều chỉnh của Luật, sự cần thiết bổ sung các quy định về an ninh năng lượng, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng như than đá, dầu mỏ, khí thiên nhiên; về phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong nông nghiệp, dịch vụ; Chính sách ưu đãi, biện pháp thúc đẩy hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (Điều 36).

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đánh giá Dự án Luật đã được Hội Luật gia Việt Nam chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết việc thi hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003; tổ chức nhiều cuộc hội thảo để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức kinh tế, các chuyên gia trong nước và nước ngoài vào Dự án Luật.

Về tiêu chuẩn của Trọng tài viên, Ủy ban Tư pháp nhất trí với loại ý kiến thứ hai đã được thể hiện trong Dự thảo Luật cho rằng thực chất trọng tài là tài phán tư, khi thẩm quyền của trọng tài viên được mở rộng thì yêu cầu về trình độ chuyên môn nghiệp vụ của trọng tài viên phải được đặc biệt quan tâm, nhất là xuất phát từ điều kiện kinh tế xã hội đặc thù của Việt Nam. Việc quy định tiêu chuẩn của trọng tài viên phù hợp với việc pháp luật Việt Nam quy định tiêu chuẩn của các chức danh tư pháp; đồng thời, góp phần bảo đảm và nâng cao chất lượng của đội ngũ trọng tài viên, qua đó nâng cao uy tín, vị thế của trọng tài trong việc giải quyết các vụ tranh chấp. Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp đề nghị tiêu chuẩn “có trình độ chuyên môn cao” và “có nhiều kinh nghiệm thực tiễn” được quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Dự thảo Luật cần được quy định cụ thể các tiêu chí xác định như thế nào là có trình độ chuyên môn cao và như thế nào là có nhiều kinh nghiệm thực tiễn để có căn cứ áp dụng. Đồng thời, tiêu chuẩn quy định tại điểm c khoản 1 Điều 17 Dự thảo Luật cần được quy định để áp dụng cho cả trọng tài viên ngoài danh sách (Trọng tài vụ việc). Ngoài ra, đề nghị bổ sung trường hợp người đang là trọng tài viên nhưng bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà chưa bị kết án thì không được làm trọng tài viên vào khoản 3 Điều 17 của Dự thảo Luật.

Cũng trong buổi chiều 7-11, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình của Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh về Dự án Luật Thi hành án hình sự.

Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự án Luật Thi hành án hình sự đề nghị phạm vi điều chỉnh của Luật cần xác định bao gồm hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý và cơ quan thi hành án hình sự; trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về các hình phạt chính và hình phạt bổ sung; thi hành án treo; quyền và nghĩa vụ của người phải chấp hành án; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức có liên quan đến thi hành án hình sự. Nhất trí với quy định của Dự thảo Luật giao Bộ Công an giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về thi hành án hình sự.

Ngoài các nội dung này, Ủy ban Tư pháp đã cho ý kiến cụ thể về: hình thức thi hành hình phạt tử hình; việc hiến xác, mô, bộ phận cơ thể người bị thi hành hình phạt tử hình; giải quyết cho nhận thi hài, hài cốt, tro cốt của người bị thi hành hình phạt tử hình; bảo đảm tính thống nhất của Dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; bản án, quyết định của Tòa án được thi hành; nguyên tắc thi hành án hình sự, thi hành biện pháp tư pháp và những hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự, thi hành biện pháp tư pháp; thủ tục gửi các quyết định của Tòa án cho Cơ quan thi hành án hình sự; huy động gia đình phạm nhân, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giáo dục cải tạo phạm nhân...

XUÂN KHU-QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết