24/05/2022 - 11:42

Các nền tảng trực tuyến cạnh tranh đầu tư nội dung gốc 

BẢO LAM (Theo Hollywoodreporter)

Cuộc cạnh tranh giữa các nền tảng trực tuyến vẫn diễn ra khốc liệt dù thị trường này đang bão hòa. Một trong những chiến lược chính để giành thị phần của các đơn vị khai thác phát trực truyến là dốc hầu bao đầu tư cho nội dung gốc.

Ngày càng có nhiều nền tảng cạnh tranh trong thị trường phát trực tuyến.

Netflix dự báo mất 2 triệu thuê bao trả phí toàn cầu trong quý II năm nay. Nguyên do một phần là vì ảnh hưởng từ chiến sự Nga và Ukraine. Việc dừng hoạt động tại Nga khiến Netflix giảm hơn 700.000 người dùng. Mặt khác, việc người dùng chia sẻ mật khẩu các tài khoản đã tác động trực tiếp đến sự suy giảm các thuê bao trên Netflix. Thêm vào đó hàng loạt các dịch vụ trực tuyến ra đời với sức cạnh tranh ngày càng cao như: Disney, Warner Bros. Discovery, Paramount Global, NBCUniversal, Apple TV+… cho thấy thị trường này đang có sự chuyển dịch mạnh mẽ. Tina Mulqueen, Giám đốc điều hành tại Kindred PR & Founder of Et al. Media, cho biết: "Tôi cho rằng việc mượn các tác phẩm nổi tiếng sẽ không còn là phương án tốt trong bối cảnh thị trường phát trực tuyến cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Ðiểm mấu chốt tạo nên sự khác biệt giữa các hãng chính là chất lượng và tính hợp thời của các nội dung gốc".

Vì vậy, các hãng sẵn sàng chi nhiều tiền tập trung cho nội dung gốc. Spencer Neumann, Giám đốc tài chính Netflix thông tin rằng, Netflix  đang cân đối lại tài chính ở một số bộ phận, nhưng số tiền chi cho sản xuất nội dung trong năm nay vẫn lớn hơn so với các đối thủ. Vào năm 2021, Netflix đã chi 17 tỉ USD cho nội dung và năm 2022 con số này được cho là vượt xa, nhưng đơn vị không tiết lộ. Tuy nhiên, có thể thấy ở một số thị trường như Hàn Quốc, Pháp, Ðức Netflix đều có kinh phí đầu tư cho nội dung gốc cao gấp 2-3 lần so với năm 2021.

Việc đầu tư cho nội dung gốc cũng trở thành xu hướng của nhiều hãng đang muốn tấn công thị trường trực tuyến. Ngân hàng Morgan Stanley ước tính đầu tư của các hãng lớn như Disney, Comcast, Warner Bros. Discovery, Amazon, Netflix, Paramount, Fox, Apple, Lionsgate và AMC Networks có tổng mức khoảng 140 tỉ USD cho mảng giải trí và thể thao trong năm 2022. Cụ thể, Disney có kế hoạch chi 33 tỉ USD, tăng 8 tỉ USD so với năm trước. Christine McCarthy, Giám đốc tài chính Disney, cho biết: "Chi tiêu này chủ yếu là nội dung cho các nền tảng trực tiếp đến người tiêu dùng và các nền tảng khác của chúng tôi. Khoảng 11 tỉ USD trong số đó được chỉ định cho bản quyền thể thao". Còn NBCUniversal đã tăng gấp đôi chi tiêu cho nền tảng trực tuyến Peacock TV vào năm 2022,  khi phân bổ hơn 3 tỉ USD cho nội dung phát trực tuyến. Paramount+ cũng vừa bổ sung ngân sách phát trực tuyến toàn cầu. Theo đó, đơn vị này đang dự kiến mở rộng thị trường ở Anh, Hàn Quốc và Ấn Ðộ.

Bài toán chi tiêu cho nội dung gốc vẫn đang được hãng cân nhắc kỹ lưỡng, bởi nếu làm không tốt sẽ gây nên hậu quả khó lường. Như Warner Bros. Discovery đã buộc phải đóng nền tảng CNN+. CNN+ được rót kinh phí khoảng 350 triệu USD nhưng không mang đến nội dung hấp dẫn, kén người dùng, với chỉ có 100.000 người đăng ký. Việc đóng cửa CNN+ không chỉ gây thiệt hại hàng trăm triệu USD cho Warner Bros. Discovery mà còn cho thấy sự cạnh tranh quyết liệt ở thị trường phát trực tuyến. Peter Csathy, Chủ tịch Công ty Tư vấn CreaTV Media, nhận định rằng: "Nhiều nền tảng phát trực tuyến sẽ tiếp tục tăng chi tiêu cho nội dung, vì nhượng quyền thương mại các nội dung cũng trở thành ưu thế cạnh tranh".

Chia sẻ bài viết