03/03/2008 - 09:32

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư:

Các công trình nghiên cứu lịch sử Đảng góp phần xây dựng, củng cố niềm tin, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân

Ngày 2-3, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW về công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Tô Huy Rứa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: Công tác biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam có bước phát triển mới cả về quy mô và chất lượng, thực hiện tốt vai trò tổng kết thực tiễn, lý luận, góp phần vào phát triển Cương lĩnh, đường lối đổi mới của Đảng. Đồng chí đề nghị Hội nghị đánh giá nghiêm túc chất lượng biên soạn lịch sử toàn Đảng và lịch sử Đảng bộ địa phương, ban ngành; các cơ quan chuyên môn và các cán bộ làm công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng cần trao đổi kinh nghiệm, đổi mới mạnh mẽ phương pháp làm việc nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác biên soạn. Ngành khoa học lịch sử Đảng phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn nữa công việc tổng kết những vấn đề lịch sử Đảng trong cách mạng giải phóng dân tộc, cách mạng xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là tổng kết thấu đáo những vấn đề của 20 năm đổi mới.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhiệt liệt biểu dương và ghi nhận những nỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng. Đồng chí khẳng định: Công tác lịch sử Đảng đã góp phần làm sáng tỏ hơn sự ra đời, phát triển của Đảng, làm cho lịch sử Đảng thấm sâu hơn vào tâm trí mỗi cán bộ, đảng viên và đông đảo quần chúng, góp phần đấu tranh có hiệu quả chống lại các luận điệu sai trái và âm mưu của các thế lực thù địch xuyên tạc lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc, phủ nhận sự thật lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đồng chí Trương Tấn Sang cũng nêu một số hạn chế trong quá trình thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW cần tập trung giải quyết, đó là tuy đã có một số lượng lớn các công trình lịch sử Đảng được biên soạn và xuất bản nhưng chất lượng của không ít công trình còn thấp; công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng chưa được coi trọng đúng mức, chưa trở thành hoạt động thường xuyên, thống nhất trong cả hệ thống chính trị; việc bảo quản, khai thác tư liệu chưa được chú trọng đúng mức...

Trong bối cảnh mới của đất nước và quốc tế, từ những yêu cầu ngày càng to lớn và cấp thiết của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới, đồng chí Trương Tấn Sang đề nghị các địa phương và ban, ngành, đoàn thể Trung ương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, đảng đoàn, ban cán sự Đảng với công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống cách mạng. “Phải coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác chính trị-tư tưởng của các cấp ủy Đảng, của tổ chức Đảng”- đồng chí Trương Tấn Sang nhấn mạnh. Các cơ quan lưu trữ ở Trung ương và địa phương xây dựng quy chế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, khai thác hợp lý các nguồn tư liệu tại các kho lưu trữ, phục vụ trực tiếp công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng. Cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, rộng khắp và phù hợp với từng đối tượng để phát huy tác dụng của các công trình nghiên cứu lịch sử Đảng, góp phần vào xây dựng, củng cố niềm tin, lý tưởng cách mạng cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là cho thế hệ trẻ.

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW nêu rõ: Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư, nhận thức về vai trò, vị trí của công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục Lịch sử Đảng đã được nâng lên một cách rõ rệt, thu hút được sự tham gia của nhiều nhà khoa học lịch sử, cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ chủ chốt, các nhân chứng lịch sử và những đóng góp tâm huyết của nhân dân. Các nghiên cứu đã làm sáng rõ sự thống nhất cơ bản về đường lối cách mạng Việt Nam trong tư tưởng Hồ Chí Minh với quan điểm của các lãnh tụ của Đảng trong thời kỳ đầu thành lập Đảng; làm sáng rõ hơn hệ thống tổ chức Đảng trong thời kỳ Đảng hoạt động bí mật. Nhiều công trình có nội dung phong phú, chất lượng khoa học cao, bảo đảm tính chính trị, tính khoa học và kết cấu hợp lý, có sức hấp dẫn, góp phần giáo dục truyền thống vẻ vang và những phẩm chất cao quý của Đảng, góp phần tổng kết lý luận và hoạch định đường lối, chính sách của Đảng trong thời kỳ đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là bộ Văn kiện Đảng toàn tập được biên soạn công phu, không chỉ là bộ sách quý về nhiều mặt mà còn là pho sử sống động về Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Thực hiện Chỉ thị, đã có trên 420 công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của các Ban, ngành ở cấp tỉnh, thành phố, gần 530 công trình lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của các ban, ngành, quận, huyện, thị xã và hơn 1.500 cuốn lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống của các xã, phường, thị trấn được biên soạn và xuất bản...

Nhân dịp này, gần 100 cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư đã được Học viện Chính trị-Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tặng bằng khen và Kỷ niệm chương “ Vì sự nghiệp lịch sử Đảng”.

BÍCH THỦY (TTXVN)

Chia sẻ bài viết