17/02/2023 - 20:00

Thủ tướng Phạm Minh Chính:

Các chủ thể cùng vào cuộc tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản 

 (TTXVN)- Sáng 17-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đồng chủ trì hội nghị.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: DƯƠNG GIANG - TTXVN​

Báo cáo của Bộ Xây dựng tại hội nghị cho biết, năm 2022, nguồn cung nhà ở khan hiếm, cơ cấu sản phẩm nhà ở nghiêng về phần khúc nhà ở trung - cao cấp, nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần từ 20% (năm 2019) xuống dưới 5% trong năm 2022, số lượng dự án triển khai rất hạn chế. Lượng giao dịch bất động sản năm 2022 tăng so với năm 2021, tuy nhiên vẫn giảm so với trước khi có dịch COVID-19. Giá bán được điều chỉnh về giá trị thực.

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến 31-12-2022 gần 800.000 tỉ đồng. Còn theo Bộ Tài chính, tính đến 28-10-2022 khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328,9 nghìn tỉ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý. Trong đó, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 28,87% trong tổng khối lượng phát hành.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, tính đến 25-12-2022, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 2 triệu tỉ đồng, trong đó của doanh nghiệp bất động sản là 419 nghìn tỉ đồng (chiếm 33,6%).

Thời gian qua, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng dẫn đến doanh nghiệp thiếu vốn phải giãn tiến độ, dừng triển khai thực hiện dự án.

Trên tinh thần “nói thẳng, nói thật, nói hết; khách quan, trung thực”, tại hội nghị, các đại biểu đánh giá thực trạng của thị trường bất động sản, những khó khăn, vướng mắc; đề xuất giải pháp đối với lĩnh vực bất động sản và các lĩnh vực liên quan để thúc đẩy thị trường bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh, bền vững...

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, trên thị trường bất động sản vừa qua có cơ cấu phân khúc không hợp lý, trong đó phân khúc nhà ở trung - cao cấp nhiều, song phân khúc dành cho người nghèo, người thu nhập thấp ít; giá cả bất động sản nhà ở cao; việc phản ứng chính sách và thị trường của các chủ thể có liên quan chưa kịp thời; pháp lý về thị trường bất động sản còn vướng mắc; tiếp cận nguồn vốn cho bất động sản khó khăn; công tác quy hoạch, điều chỉnh, cơ cấu dự án còn chậm; cán bộ một số nơi, một số lúc còn né tránh do sợ trách nhiệm; các doanh nghiệp bất động sản chưa linh hoạt, kịp thời xử lý những phát sinh nội tại...

Theo Thủ tướng, để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững thì các chủ thể liên quan từ Nhà nước, doanh nghiệp, khách hàng, người dân cần chung sức, đồng lòng giải quyết, trên tinh thần “đã nói phải làm; đã cam kết phải thực hiện; đã thực hiện phải có kết quả đo đếm được”; phải giải quyết cả những vấn đề trước mắt và lâu dài, song không chuyển trạng thái đột ngột; tuân thủ quy luật thị trường theo quy luật cung cầu, bình đẳng với các thị trường khác, nhất là về giá cả.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường quản lý nhà nước trong việc phát triển thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, phản ứng chính sách kịp thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý những vấn đề nổi lên. Ngành Tài chính, Ngân hàng phải khơi thông dòng vốn, giải quyết các vấn đề vướng mắc về tín dụng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn...

Riêng các doanh nghiệp bất động sản phải chủ động, giải quyết những vấn đề nội tại do chính doanh nghiệp để xảy ra; cơ cấu lại các dự án, điều chỉnh các phân khúc; điều chỉnh giá cả; thúc đẩy thanh khoản. “Kinh doanh thì có lúc có lãi, có lúc gặp khó khăn, không hoàn toàn thuận lợi. Do đó phải biết chấp nhận và điều chỉnh, khắc phục để khôi phục, phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển chung”, Thủ tướng lưu ý.

Ðối với các ngân hàng thương mại, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiết giảm các chi phí để tiết kiệm chi, tăng cường chuyển đổi số, giảm chi phí đầu vào, từ đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay; cơ cấu lại các nhóm nợ. “Nền kinh tế có phát triển, thị trường bất động sản có phát triển thì ngân hàng mới phát triển; lúc khó khăn, ngân hàng cũng phải có trách nhiệm. Ngân hàng Nhà nước phải quản lý lãi suất huy động, góp phần để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cho biết, sắp tới Chính phủ sẽ có Ðề án về phát triển nhà ở xã hội dành cho cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân; sau hội nghị này, Chính phủ sẽ có nghị quyết về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; yêu cầu các chủ thể triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo chức năng, nhiệm vụ, vài trò của mình.

PHẠM TIẾP

Chia sẻ bài viết