15/08/2009 - 08:49

Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội:

Các bộ trưởng trả lời chất vấn

Sáng 14-8, tiếp tục phiên họp thứ 22 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII tiến hành chất vấn Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng báo cáo về tình hình trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5. Tại phiên họp buổi sáng, 9 đại biểu đã chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến hoạt động tổ chức trạm thu phí giao thông; tình trạng ách tắc giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội; việc chậm trễ tiến độ trong xây dựng các công trình hạ tầng giao thông...

Ghi nhận ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) về việc đảm bảo an toàn giao thông cho người tham gia giao thông trong khi xây dựng các tuyến đường, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết: trong các dự án xây dựng đường giao thông đều có điều khoản về đảm bảo hoạt động giao thông bình thường cho người dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn thường xảy ra việc phối hợp thiếu đồng bộ giữa các ngành điện, cấp thoát nước, viễn thông… dẫn đến chậm tiến độ, đào đường nhiều lần gây bức xúc cho người dân. Đoạn đường 32 đang xây dựng là thuộc quyền quản lý trực tiếp của UBND thành phố Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải đã và đang phối hợp với địa phương để tìm biện pháp thúc đẩy tiến độ công trình.

Về phần chất vấn của đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên), Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thừa nhận, vấn đề duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình xây dựng giao thông trong Dự án giao thông nông thôn 2 đã không được quan tâm đúng mức. Đây cũng là tình trạng chung của hệ thống giao thông trên cả nước. Một số tuyến đường giao thông sau khi đầu tư xây dựng được giao cho địa phương quản lý đã không được duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp kịp thời nên bị xuống cấp, hư hỏng. Bộ Giao thông vận tải đang nghiên cứu giải quyết vấn đề này. Trước mắt, Bộ đề nghị chính quyền các địa phương cần dành một phần ngân sách phù hợp để duy tu, bảo dưỡng đường giao thông trên địa bàn.

Liên quan đến tình trạng ùn tắc giao thông, giải quyết các giao cắt với đường sắt, đường quốc lộ với đường nội đô tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nêu rõ: Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 16 nhằm giảm và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông tại hai thành phố này. Bộ đã có nhiều chương trình phối hợp công tác với UBND hai thành phố để triển khai thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo phân cấp, UBND thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội sẽ trực tiếp quản lý và là chủ đầu tư các công trình giao thông trên địa bàn. Bộ Giao thông vận tải đóng vai trò quản lý nhà nước phối hợp cùng UBND hai thành phố làm tốt các giải pháp chống và giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã trả lời chất vấn về hai nhóm nội dung: Trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ trong việc quản lý mạng internet, trò chơi game online, các chương trình của các Đài Truyền hình trên cả ba mặt cấp phép, đăng ký hoạt động, nội dung; xử lý vi phạm và việc cấp tần số vô tuyến điện, vấn đề thu, quản lý nguồn thu ngân sách trong lĩnh vực này.

Về việc quản lý các trò chơi game online, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp cho biết: Liên Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công an đã ban hành Thông tư 60/2006/TTLT-BVHTT-BCVT-BCA (Thông tư 60) ngày 1-6-2006 về quản lý trò chơi trực tuyến, trong đó quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi trực tuyến, đại lý internet, người chơi và trách nhiệm của các Bộ, ngành có chức năng quản lý hữu quan. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra trò chơi game online và đang dự thảo Thông tư mới để thay thế Thông tư 60. Bộ trưởng cho rằng, trò chơi game online cũng có hai mặt tốt và xấu, cái chính là cần phân bổ và quản lý chặt chẽ thời gian chơi. Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn các địa phương tăng cường quản lý, kiểm soát các trung tâm cung cấp trò chơi game online; ngăn chặn bằng biện pháp kỹ thuật cùng với việc nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội. Bộ trưởng cũng nhận trách nhiệm từ góc độ cơ quan quản lý chưa làm tốt việc này và sẽ quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Về trách nhiệm phối hợp quản lý trò chơi game online, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du Lịch Hoàng Tuấn Anh cho biết: Việc quản lý trò chơi game online là do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch chỉ quản lý hệ thống các trò chơi không kết nối internet. Bộ đã kiểm tra và thấy rằng việc thực hiện tương đối tốt. Hiện trong Hội đồng thẩm định trò chơi game online chưa có đại diện của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tham gia. Bộ trưởng kiến nghị về việc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch được tham gia phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý lĩnh vực này. Trong thời gian tới các Bộ sẽ đánh giá lại Thông tư 60 để xây dựng Thông tư mới. Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh cho rằng ba bộ đã có sự phối hợp tốt trong việc thực hiện Thông tư 60, tuy nhiên việc trao đổi mới chỉ ở quá trình thực hiện chứ chưa có sơ kết rút kinh nghiệm đầy đủ.

Về quản lý Nhà nước về thông tin trên mạng internet, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp đánh giá: Việc quản lý cũng khó khăn bởi máy chủ đặt ở nước ngoài và ai ai cũng có thể sử dụng internet để đưa ra những thông tin không đúng. Việc quản lý thông tin trên mạng internet đã được quy định trong các văn bản pháp luật như: Luật Báo chí, Luật Công nghệ thông tin và sắp tới là hai luật Viễn thông và Tần số Vô tuyến điện chuẩn bị trình Quốc hội cùng nhiều Thông tư khác. Tuy nhiên các Thông tư đều mới ra đời, đang trong quá trình triển khai thực hiện nên chưa tổng kết được. Vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, giữa nhà trường và gia đình, đồng thời tăng cường các bài viết phản bác các luận điệu không đúng, vu khống, xuyên tạc chống phá nhà nước.

Trả lời câu hỏi về tình trạng lãng phí hạ tầng thông tin và truyền thông, các đơn vị phát sóng đều xây dựng cơ sở hạ tầng riêng, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nhận trách nhiệm và cho rằng đây là vấn đề do lịch sử để lại, khi viễn thông phát triển nhanh thì các doanh nghiệp chủ động triển khai công việc của mình, cơ quan quản lý nhà nước chưa nắm kịp thời nên quản lý chưa tốt. Khả năng dùng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp là rất ít, Bộ cũng nhận thấy tồn tại này. Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các địa phương quy hoạch lại, trong thời gian tới sẽ xử lý quyết liệt vấn đề này.

Chiều 14-8, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 22, tập trung cho ý kiến vào dự thảo Luật Bưu chính.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận một số vấn đề còn chưa thống nhất trong dự luật như: chỉnh sửa một số khái niệm; các quy định liên quan đến dịch vụ bưu chính công ích; quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính... Nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo luận không rõ ràng, dễ dẫn đến sự hiểu lầm về tính độc quyền doanh nghiệp, quy định nhiều ưu đãi cho Tổng công ty Bưu chính Việt Nam v.v...

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giải trình của Ban soạn thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: việc xây dựng Luật Bưu chính cần đáp ứng yêu cầu là những quy định pháp lý trong luật được dùng chung cho tất cả các tổ chức loại hình kinh tế, không riêng gì Tổng công ty Bưu chính Việt Nam. Phạm vi điều chỉnh của Luật cần được xem xét sửa đổi để phù hợp với nhiều loại hình, nhiều tổ chức, đơn vị kinh doanh bưu chính. Các điều khoản của Luật cần thể hiện những tổ chức hoạt động bưu chính là tổ chức dịch vụ có thu, có tính cạnh tranh, tuân thủ luật Doanh nghiệp. Thiết lập một chương riêng các hoạt động bưu chính đặc thù được nhà nước giao nhiệm vụ phục vụ nhu cầu xã hội như dịch vụ bưu chính công ích, trong đó thể hiện rõ các nguyên tắc, nội dung của hoạt động dịch vụ bưu chính đặc thù. Đơn vị, tổ chức nào được Chính phủ giao nhiệm vụ thực hiện dịch vụ bưu chính công ích sẽ nhận được các ưu đãi, hỗ trợ tương ứng. Ban soạn thảo Dự luật Bưu chính cần tiếp thu ý kiến đóng góp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xem xét, nghiên cứu sâu hơn về các điều luật quy định về chính sách nhà nước, trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động bưu chính; rà soát chỉnh sửa cho phù hợp thực tế đối với các điều khoản quy định các hành vi bị cấm, không được bồi thường trong hoạt động bưu chính... Các quy định trong luật liên quan đến Tổng công ty Bưu chính Việt Nam cần được xây dựng thể hiện đây là đơn vị nhà nước hoạt động trong lĩnh vực bưu chính, tuân thủ luật Doanh nghiệp.

PHÚC HẰNG - XUÂN KHU (TTXVN)

PHÚC HẰNG - XUÂN KHU (TTXVN)

Chia sẻ bài viết