25/11/2017 - 10:27

Đồng chí Khổng Văn Tao, nguyên Trung đội trưởng Du kích xã An Bình, TP Cần Thơ (cũ):

Cả xóm theo cách mạng 

Chuyên làm nắp hầm bí mật

Năm 1954, khi Pháp trở lại đánh chiếm nước ta, tôi là một thanh niên chỉ quen việc ruộng đồng. Khi tôi giác ngộ cách mạng, hăng hái tham gia các hoạt động của xã nên đi vận động đấu tranh, biểu tình thì được bà con ủng hộ. Hầu hết bà con trong xóm (xã An Bình, TP Cần Thơ cũ- PV) đều tham gia hoạt động, đỉnh điểm là phong trào Đồng Khởi năm 1960. Sau năm đó, tôi vào đội du kích xã, được trang bị một số vũ khí, cất giấu trong hầm bí mật tại nhà. Đến tối, giao cho anh em đi công tác, khi về thu lại, cất giấu. Năm 1962, trong một trận công đồn địch, tôi bị thương gần phổi, khá nặng.

Ở trong xóm, tôi là người làm nắp hầm bí mật, nên nhà nào có hầm tôi đều biết. Hòa bình, các anh ở bảo tàng đã vô đem nắp hầm về lưu giữ. Thời điểm đó, để vào xóm này, chỉ có con đường duy nhất, nên thấy địch từ xa, ta đã báo động để anh em rút vào hầm bí mật. Tuy nhiên, vào một ngày tháng 3 năm 1963, khi tôi đang ở trong nhà thì bất ngờ bị địch ập vào bắt, không kịp trốn, do có chỉ điểm. Chúng đưa tôi về Khám Lớn giam giữ. Vợ tôi lúc đó làm công tác giao liên xã, tìm mọi cách để lo cho tôi nhưng phải mất 1 năm tôi mới được thả ra.

Năm 1964, sau khi trở về địa phương, tôi được bổ nhiệm làm Trung đội phó Du kích xã An Bình (cũ) và tiếp tục đào hầm bí mật nuôi chứa các cán bộ biệt động. Năm đó, lúc tôi đi vắng, địch vào nhà khi 6-7 đồng chí đang ở dưới hầm bí mật. Địch dùng mũi chỉa dài xôm khắp nhà để tìm hầm bí mật. Chúng xôm trúng mép tai đồng chí Nguyễn Việt Dũng - Thành đội trưởng Cần Thơ. Ngay lập tức, đồng chí nắm vuốt mũi chỉa để không bị dính máu, đảm bảo an toàn. Sau nầy, tôi lấp cái hầm đó và đào hầm khác ngoài vườn.

Chuẩn bị vũ khí cho Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968

Đến năm 1967, tôi được lệnh vận chuyển vũ khí về cất giấu chuẩn bị cho Tổng tiến công. Chúng tôi huy động 40-50 người trong xóm, đêm đến đi qua Rau Răm, Lộ Vòng Cung tới Bà Hiệp, rồi vận chuyển vũ khí về tới nhà khoảng gần nửa  đêm. Việc vận chuyển khoảng 2 đêm thì hoàn tất và số vũ khí được rải đều ra ở nhiều nhà để cất giấu.

Đến Tết Mậu Thân, số vũ khí được lấy ra cho các lực lượng của ta tấn công vào nội thành Cần Thơ. Khi quân chủ lực nổ súng đánh chiếm các mục tiêu, du kích địa phương hỗ trợ. Nhớ thời điểm đó, tôi trồng 2 cây sa-pô trước nhà với mong ước hòa bình sẽ được lập lại. Qua đến tháng 3-1968, bị chiêu hồi chỉ điểm, tôi lại bị bắt nhốt ở Khám Lớn. Lần này, địch tra tấn dã man, đến nỗi vợ tôi ra thăm mà nhìn không ra. Ở trong khám lúc ấy, anh em chỉ lấy nước muối thoa cho đỡ bị sưng, cực kỳ gian khổ. Trong phòng giam với diện tích 6 miếng gạch tàu mà chúng nhốt tới 5 người, nóng bức, mồ hôi làm bệnh ngoài da phát sinh rất kinh khủng. Lúc tôi bị bắt, vợ tôi ở nhà đã dời hầm bí mật đi chỗ khác, nhằm đảm bảo an toàn. Vợ tôi chạy vạy khắp nơi để lo tiền cho tôi được thả ra vào năm 1970.

Sau khi ra tù, tôi bị bệnh nhiều, phải nghỉ hoạt động. Lúc đó, tôi mang cấp hàm Thiếu úy, giữ chức vụ Trung đội trưởng du kích xã. Sau nầy khỏe hơn, tôi trở lại với nghề nông.

Trong chiến tranh ác liệt, nhiều người dân An Bình và vùng ven Lộ Vòng Cung không sợ nguy hiểm, tù đày, hết lòng bảo vệ, nuôi chứa, tiếp tế cho cách mạng. Tôi rất tự hào khi sống trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng nầy.

NGUYỄN MINH (ghi)

Chia sẻ bài viết