12/05/2021 - 08:09

Cả tin, mất của 

Cuối tháng 4-2021, Tòa án Nhân dân TP Cần Thơ xét xử nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị lớn. Thủ đoạn các bị cáo không mới nhưng nhiều bị hại vẫn sập bẫy. Chính sự mất cảnh giác, chủ quan và thiếu hiểu biết về pháp luật khiến người trong cuộc ngậm trái đắng, mất tiền oan uổng.

Giả thẩm phán lừa đảo, Khưu Bình lãnh án 16 năm tù.

Khưu Bình (29 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều) không nghề nghiệp lại nghiện game. Năm 2019, chú của Bình là ông C có gởi đơn đến tòa án một quận trong thành phố để giải quyết vấn đề liên quan đất đai. Bình đưa ông C đến tòa và nhờ thẩm phán D hướng dẫn thủ tục. Sau đó thẩm phán D được giao thụ lý vụ việc. Biết điều này, Bình giả là thẩm phán D, nhiều lần gọi điện kêu ông C cho mượn tiền để tiếp khách, chữa bệnh cho vợ, lo chi phí đám tiệc… Ðiều đặc biệt là không bao giờ thẩm phán ra mặt mà luôn kêu Bình nhận tiền giúp hoặc chuyển khoản. Do hồ sơ thẩm phán D đang thụ lý và cũng mong muốn được giải quyết nhanh, nên ông C tin tưởng làm theo. Ðể ông C không nghi ngờ, Bình còn giả ông D ghi biên nhận mượn tiền và cam kết trả nợ. Với thủ đoạn này, từ tháng 3 đến tháng 12-2019, Bình lừa ông C trên 1,5 tỉ đồng. Ðợi lâu không thấy ông D trả tiền, ông C gọi đòi thì Bình hứa hẹn, rồi cho người giả làm chị vợ của thẩm phán khất nợ giùm. Sau đó, ông C dọa tố cáo thì lúc này Bình thừa nhận sự việc. Ông C cho thời hạn trả tiền nhưng Bình không trả, bỏ trốn nên ông C báo cơ quan chức năng. Ngày 5-11-2020, Bình bị bắt tạm giam.

Trong phiên tòa ngày 23-4, Bình trình bày: “Bị cáo biết làm vậy là sai nhưng thấy kiếm tiền dễ dàng quá nên thực hiện nhiều lần. Bị cáo xin lỗi đã lợi dụng lòng tin của chú, xin án nhẹ để sớm ra tù đi làm kiếm tiền trả nợ”. Về phía bị hại, tới khi sự việc vỡ lở mới thấy nhiều điểm nghi vấn, còn trước đó, thẩm phán giả kêu đưa tiền là đưa. Ông C đâu ngờ người cháu mình tin tưởng lại dựng lên màn kịch như vậy. Chỉ vì sự mất cảnh giác mà ông mất tiền oan uổng; còn Bình phải trả giá bằng bản án 16 năm tù.

Trước đây, Tạ Thu Thảo kinh doanh vàng bạc đá quý tại quận Cái Răng. Do nhiều lần mua kim cương nên vợ chồng ông N và Thảo trở thành bạn bè thân thiết. Năm 2018, Thảo thành lập công ty vàng bạc đá quý. Làm ăn thua lỗ, Thảo nảy sinh ý định chiếm đoạt tiền của vợ chồng ông N. Thảo đưa thông tin gian dối về việc mua bán kim cương lợi nhuận cao, kêu ông N góp vốn, chia lợi nhuận. Tin những lời đường mật, vợ chồng ông N nhiều lần đưa tiền. Việc làm ăn Thảo nói sao nghe vậy, mỗi khi ông N thắc mắc thì Thảo tìm cách hứa hẹn, lấp liếm. Với chiêu bài này, Thảo chiếm đoạt của bị hại gần 18 tỉ đồng. Tháng 8-2019, ông N tố giác hành vi của Thảo. Sau đó, Thảo bị bắt và bị khởi tố nhưng do bị bệnh nên được tại ngoại. Trong thời gian này, lợi dụng tình hình dịch bệnh, Thảo thành lập công ty với ngành nghề đăng ký kinh doanh trang thiết bị y tế và nhờ em họ là Tạ Hoàng Huyên (cùng ngụ quận Cái Răng) làm người đại diện. Thảo tiếp tục dùng thủ đoạn gian dối rao bán khẩu trang, găng tay y tế, nhiệt kế điện tử với giá rẻ, số lượng lớn. Nhiều người tin tưởng đặt cọc tiền mua và bị Thảo chiếm đoạt trên 10 tỉ đồng. Huyên giúp sức bằng cách ký kết hợp đồng, cung cấp tài khoản để bị hại chuyển tiền, dịch chuyển số tiền theo chỉ đạo của Thảo để chiếm đoạt…

Vụ án được xét xử vào cuối tháng 4. Các bị hại đều cho rằng thấy Thảo làm ăn lớn nên tin tưởng, đâu ngờ bị lừa. Trả giá cho hành vi phạm pháp, Thảo lãnh án tù chung thân, Huyên 12 năm tù cùng về tội lừa đảo. Về số tiền bồi thường trên 28 tỉ đồng, không biết khi nào các bị hại mới được đền bù vì Thảo gần như không còn khả năng thanh toán…

Những năm gần đây, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, tài sản bị chiếm đoạt lớn, có vụ hàng chục tỉ đồng. Ða số các vụ án liên quan giao dịch làm ăn như kêu gọi góp vốn, chơi hụi, mượn tiền đáo hạn trong thời gian ngắn trả lãi suất cao, thuê ô tô rồi đem bán, cầm cố; chạy trường, xin việc… Cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền thủ đoạn các đối tượng này để người dân cảnh giác, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp sập bẫy. Trong các mối quan hệ, người dân phải tìm hiểu kỹ càng, không nên quá cả tin, nghe lời đường mật, dụ dỗ của kẻ xấu mà dễ dãi đưa tiền, tài sản. Khi phát hiện nghi vấn, hãy mạnh dạn thông tin đến cơ quan chức năng giải quyết, góp phần giữ gìn an ninh trật tự.

Bài, ảnh: KIỀU CHINH

Chia sẻ bài viết