24/09/2021 - 08:41

Cà phê “trồng” trong phòng thí nghiệm 

Các nhà khoa học thế giới đã thành công trong việc tạo ra nhiều sản phẩm thịt “nuôi” trong phòng thí nghiệm, như thịt bò bít tết, bánh mì kẹp thịt và thịt gà. Mới đây, các chuyên gia Phần Lan thử nghiệm thành công phương pháp “trồng” cà phê từ các tế bào thực vật trong lò phản ứng sinh học.

Cà phê thành phẩm sau khi sấy khô của VTT.

Theo trang tin khoa học New Atlas, khoảng 10 triệu tấn cà phê được sản xuất trên toàn cầu mỗi năm và nhu cầu về nông sản này dự kiến chỉ có tăng lên trong vài thập kỷ tới. Việc đáp ứng nhu cầu đó đòi hỏi phải có thêm không gian để trồng cà phê. Tuy vậy, nghiên cứu cho thấy cây cà phê rất dễ bị ảnh hưởng trước tình trạng biến đổi khí hậu, khi nhiều phần đất phù hợp gieo trồng cây này dự đoán sẽ giảm đáng kể do Trái đất dần nóng lên. Không chỉ vậy, nhiệt độ tăng cao cũng khiến cây cà phê dễ bị sâu bệnh hơn.

Những lý do trên đã thôi thúc các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Phần Lan (VTT) phát triển một giải pháp thay thế cho cách sản xuất cà phê truyền thống. Kỹ thuật này phản ánh một hình thức khác của ngành “nông nghiệp tế bào”, nơi nông sản được tạo ra bằng cách sử dụng phương pháp nuôi cấy tế bào chứ không phải từ việc chăn nuôi động vật hoặc gieo trồng thực vật, do đó, tiêu hao một phần nhỏ năng lượng và nước, cũng như giảm khí thải carbon.

Ðể “trồng” cà phê trong phòng thí nghiệm, nhóm chuyên gia VTT sử dụng các tế bào thu từ một bộ phận của cây, chẳng hạn như lá. Sau đó, các tế bào cà phê được nuôi cấy và nhân lên trên một môi trường dinh dưỡng cụ thể. Kế đến, chúng được chuyển sang lò phản ứng sinh học để tạo thành sinh khối. Cuối cùng, số sinh khối đó được mang đi sấy khô, rồi rang thành một loại bột màu nâu sẫm giống như bã cà phê sản xuất theo kiểu truyền thống.

Theo nhóm nghiên cứu, mùi vị của cà phê “trồng” trong phòng thí nghiệm cũng giống như cà phê thông thường. Họ cũng có thể sản xuất nhiều loại cà phê bằng cách nuôi cấy các tế bào cà phê khác nhau, cũng như điều chỉnh quá trình rang sấy để thêm hoặc bớt một số thành phần nhất định trong cà phê - như caffeine hoặc hương vị.

Ngoài VTT, Compound Foods và Atomo - hai công ty mới khởi nghiệp khác ở Mỹ - cũng đang nghiên cứu sản xuất cà phê trong phòng thí nghiệm. Ðược biết, Compound Foods gần đây thông báo tài trợ 4,5 triệu USD để sản xuất cà phê không cần hạt bằng cách chiết xuất phân tử thông qua quá trình “sinh học tổng hợp”. Còn Atomo đã huy động được 11,6 triệu USD để tạo ra một hỗn hợp phân tử cà phê có vị ít đắng hơn cà phê thông thường. Quá trình này sử dụng số nước ít hơn 94% và tạo ra lượng khí carbon thấp hơn 93% so với sản xuất cà phê truyền thống.

AN NHIÊN (Theo Fast Company)

Chia sẻ bài viết