08/01/2012 - 10:55

Cà Mau: Cho phép hơn 1.200 hộ nghèo hành nghề gác kèo ong ở vùng rừng tràm U Minh Hạ

Có hơn 1.200 hộ nghèo ở vùng rừng tràm U Minh Hạ tỉnh Cà Mau được phép hành nghề gác kèo ong để cải thiện điều kiện kinh tế gia đình. Đây là lần đầu tiên nghề gác kèo ong lấy mật được hợp thức hóa sau hơn 20 năm tạm dừng do đề phòng cháy rừng tràm trong mùa khô.

Những người được chọn hành nghề này phải là hộ nghèo, gắn bó với rừng lâu năm. Đặc biệt phải có kinh nghiệm gác kèo ong, làm ra sản phẩm mật ong cung ứng cho thị trường với sản phẩm chất lượng đúng với thương hiệu của nó mới vừa được cơ quan chức năng công nhận. Mặt khác, người gác kèo ong phải tuân thủ các quy định như gác kèo đúng vị trí cho phép, thực hiện các nguyên tắc bảo vệ rừng, trong đó có chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy rừng.

Rừng tràm U Minh Hạ tỉnh Cà Mau là “mỏ ong mật” với sản lượng hàng chục tấn/năm. Trước đây mật ong có tự nhiên, từ nhụy hoa tràm, ong hút nhụy làm tổ rồi cho mật. Sau đó, nhiều nông dân bản địa có sáng kiến gác kèo bằng cách dùng một cây dài khoảng 2 mét cột lơ lửng giữa hai cây tràm cạnh nhau, kế đến thoa mật ong trên thân cây, làm mồi nhử ong tới xây tổ. Từ đó nghề gác kèo ong ra đời và phát triển mạnh. Nhiều Tập đoàn gác kèo ong được thành lập gọi là tập đoàn Phong Ngạn , lúc cao điểm có tới hơn 10.000 hộ dân tham gia. Nhiều hộ gác năm bảy chục kèo nên cho thu nhập rất cao, vì mật ong nguyên chất bán rất được giá. Tuy nhiên, do đây là tổ chức tự phát nên quá trình sản xuất phát sinh ra nhiều vấn đề rắc rối, như để tàn thuốc gây cháy rừng, người đi gác kèo ong tổ chức săn bắt động vật hoang dã quí hiếm, chặt cây rừng... nên Tập đoàn Phong Ngạn tạm thời ngưng hoạt động từ năm 1990 .

TRẦN THÀNH NÊN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết