25/03/2020 - 09:33

Bước đột phá trong lộ trình số hóa  

Đại dịch COVID-19 đang đặt ra thách thức lớn cho nền kinh tế toàn cầu, khi nhiều hoạt động bị đình trệ, đứng trước nguy cơ suy thoái... Nhưng qua những khó khăn này, người Việt chúng ta đang chung tay để vượt qua, an tâm - tự tin chống dịch và kể cả tạo ra cơ hội mới, những cơ hội mà chỉ khi thách thức xảy ra mới xuất hiện.

Liệu đến một ngày nào đó, những trụ ATM sẽ “chung số phận” như những trụ điện thoại công cộng ra đời trước năm 2000, nay đã đi vào quên lãng?

Nhiều ngày qua, thông tin về tình hình dịch COVID-19 được Bộ Y tế cập nhật, khuyến cáo hằng ngày qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua tin nhắn SMS đến số điện thoại cá nhân để mọi người dân nắm bắt thông tin chính xác, không mất phương hướng… Rồi thông qua mạng xã hội, truyền thông về tình hình đầu ra nông sản bị ảnh hưởng dịch, cộng đồng mới chung tay giải cứu dưa hấu, thanh long của nông dân. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân còn nghĩ ra cách chế biến bánh mì thanh long vừa độc - lạ, để góp phần chung tay chia sẻ khó khăn cùng nhà vườn vượt qua khổ ải này. Các siêu thị, trung tâm thương mại thì nở rộ bán hàng trực tuyến, giao hàng tận nhà cho khách hàng… Tất cả sẽ dần hình thành thói quen mua sắm của mọi nhà, mọi người sau cuốc chiến chống dịch COVID-19.

 Đó là những việc làm cụ thể để “né” dịch, bởi dịch COVID-19 lây lan là do tiếp xúc. Trong cái “nguy” này phải chăng chúng ta nên tận dụng biến thành thời cơ để đẩy mạnh phát triển công nghệ số. Theo đó, sẽ thay đổi thói quen dùng tiền mặt; tạo ra các ứng dụng công nghệ số, đưa hàng loạt hoạt động sản xuất kinh doanh lên môi trường số… sẽ đạt cùng lúc 2 mục tiêu là: hạn chế tiếp xúc trực tiếp để chống dịch và đẩy mạnh phát triển công nghệ số.

Theo chia sẻ trên diễn đàn mới đây của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số là để thay đổi cách làm việc, tự động hóa, mọi thứ lên môi trường số. Đây là cơ hội, vì nếu cứ bình thường, Việt Nam sẽ chuyển đổi số rất chậm.

Đồng thời, theo ông để thúc đẩy chuyển đổi số, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét, quyết định nhanh một số chính sách còn đang cân nhắc như thanh toán không tiền mặt, tiền di động (mobile money), công nhận và cấp chứng chỉ học trực tuyến, thúc đẩy sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ, đầu tư cho Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng...

Cách nay vài ngày, Bộ Thông tin - Truyền thông cho biết Việt Nam sẽ có chương trình phổ cập điện thoại thông minh (smartphone) tới 100% dân số, thể hiện qua việc sản xuất những chiếc smartphone thương hiệu Việt với giá chỉ 45-50 USD.  Những chiếc smartphone này khi đến tay người dùng chỉ có giá 500.000 đồng, thông qua việc bù giá của nhà mạng và các nhà phát triển ứng dụng (app) được cài sẵn trên máy...

Chiến lược sản xuất hỗ trợ cho người chưa có điện thoại thông minh với giá dưới 500.000 đồng sẽ là bước đi căn bản cho lộ trình số hóa - chúng ta đang đi chậm hơn nhiều nước trên thế giới, nhưng phải chăng qua những thách thức của dịch COVID-19 nó sẽ phát triển chắc - an toàn và rút ngắn được thời gian, tạo ra bước đột phá, niềm tự hào của người dân Việt.

Đó là chuyện vĩ mô, còn ở tại TP Cần Thơ, theo Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã chủ động chuyển đổi sang hình thức đăng ký kinh doanh qua mạng thay vì trực tiếp đến nộp hồ sơ tại bộ phận một cửa. Số doanh nghiệp thực hiện đăng ký kinh doanh qua mạng từ đầu năm 2020 đến ngày 16-3-2020 có tới 1.115 hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng, chiếm đến 56,7% tổng số hồ sơ đăng ký. Trong khi đó, ở cùng kỳ năm 2019, hồ sơ đăng ký kinh doanh qua mạng chiếm tỷ lệ 46%, tương đương 912 hồ sơ các loại.

Trong cái “nguy” chúng ta đã có bước chuyển mình mạnh mẽ để biến thành cơ hội đẩy nhanh phát triển công nghệ số ra toàn dân. Tôi tin rằng, hướng đi này sẽ tạo thành bước đột phá trong lộ trình số hóa của Nhà nước ta trong thời gian sắp tới!

Bài, ảnh: AN KHÁNH

Chia sẻ bài viết