23/06/2010 - 20:27

Mô hình “một cửa hiện đại” ở UBND quận Ô Môn

Bước đột phá trong cải cách hành chính

Sau thời gian khẩn trương chuẩn bị, mô hình “Một cửa ứng dụng công nghệ thông tin” (hay còn gọi là “Một cửa hiện đại” (MCHĐ)) vừa được UBND quận Ô Môn khai trương, chính thức đưa vào vận hành ngày 17-6-2010. Đây là đơn vị đầu tiên trong thành phố thực hiện thí điểm mô hình này. Bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin và thiết bị chuyên dụng vào quy trình tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) của tổ chức, công dân, mô hình này được xem là bước đột phá trong công tác cải cách hành chính theo chủ trương “Chính phủ điện tử” mà nền hành chính nước ta đang hướng tới.

* Công khai - hiện đại

Vận hành thử các thiết bị công nghệ thông tin phục vụ thực hiện mô hình “Một cửa hiện đại” ở quận Ô Môn. 

Mô hình MCHĐ đáp ứng hai tiêu chí quan trọng là công khai (công khai về thủ tục, thời gian, lệ phí và người thực hiện) và hiện đại (hiện đại về thiết bị công nghệ, con người, quy trình và phương pháp) trong quá trình giải quyết các TTHC của tổ chức, công dân. Để đưa vào vận hành mô hình này, quận Ô Môn phải trang bị hệ thống máy vi tính nối mạng, hệ thống xếp hàng tự động, ti vi kết nối với máy tính để thông báo quy trình giải quyết các thủ tục hồ sơ, các thông tin khác về CCHC và các chủ trương chính sách mới, hệ thống mã vạch thông báo tình trạng giải quyết hồ sơ của từng cá nhân, đơn vị, hệ thống màn hình cảm ứng giúp người dân tra cứu trình tự, các bước giải quyết thủ tục hành chính... Mấy ngày qua, mặc dù vẫn còn lạ lẫm với việc “nhấn”, “chạm” vào màn hình điện tử, nhưng những người dân đến liên hệ giải quyết TTHC ở Văn phòng UBND quận Ô Môn đều tỏ ra rất phấn khởi. Đến liên hệ làm thủ tục đề nghị giấy phép xây dựng nhà cho con trai, chú Trần Văn Hùng, ở phường Châu Văn Liêm, tỏ ra rất hài lòng, vì “chưa đọc xong bài báo đã nghe loa phát thanh gọi đến số thứ tự của mình”. Do chưa quen với việc sử dụng các thiết bị nên chú Hùng được cán bộ ở bàn hướng dẫn chỉ dẫn rất cặn kẽ: Trước tiên là đến máy số 1 ấn vào mục thủ tục cần làm và nhận số thứ tự do máy in ra, khi loa phát thanh gọi đến số thứ tự của mình thì đến bộ phận tiếp nhận hồ sơ xây dựng để nộp hồ sơ. Sau khi cán bộ kiểm tra hồ sơ, nếu đầy đủ các thủ tục cần thiết sẽ cấp một biên nhận hẹn ngày trả kết quả. Trên biên nhận có in mã vạch, chỉ cần đưa mã vạch vào chiếc máy đọc mã vạch đặt tại bộ phận “một cửa” thì có thể biết được hồ sơ của mình hiện đã được giải quyết đến đâu, do bộ phận nào thụ lý. Những người bận rộn thì có thể kiểm tra tiến độ giải quyết bằng cách nhắn tin số hồ sơ qua điện thoại di động để nhận thông tin phản hồi, gọi điện thoại đến hệ thống trả lời tự động của hệ thống hoặc truy cập vào địa chỉ wesite của đơn vị rồi nhập mã số hồ sơ; khỏi phải tới lui nhiều lần, tiết kiệm thời gian, tiền bạc... Cùng với việc công khai tiến độ giải quyết, quy trình xử lý TTHC cũng được công khai bằng máy và cả bằng văn bản niêm yết, nên người dân có thể đối chiếu để biết ngay hồ sơ của mình đang “quá hạn” ở bộ phận nào. Chú Trần Văn Hùng bày tỏ: “Không ngờ các thiết bị, phương tiện này giúp việc thực hiện TTHC thuận lợi và nhanh gọn như vậy. Tôi rất hài lòng và ủng hộ cách làm mới này, như thế mới đúng là nền hành chính phục vụ nhân dân”. Anh Trần Hữu Đức, ở khu vực 13, phường Châu Văn Liêm, đến xác nhận hồ sơ để vay vốn ngân hàng, rất hài lòng với việc trang bị hệ thống máy xếp hàng tự động. Vì theo anh Hùng, với thiết bị này, mọi người dân đều đảm bảo được đối xử công bằng như nhau, người đến trước thì được giải quyết trước, không có tình trạng “ưu tiên cho người quen” như trước đây.

Cùng với việc tạo sự thuận lợi và nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân, việc ứng dụng mô hình MCHĐ còn hỗ trợ rất nhiều cho lãnh đạo địa phương trong công tác quản lý đội ngũ cán bộ công chức thông qua một phần mềm chuyên dụng. Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, cho biết: “Việc ứng dụng phần mềm này giúp lãnh đạo quận và các phòng, ban nắm rõ đường đi của hồ sơ. Hồ sơ đó của ai? Ai phụ trách giải quyết? Nếu có vướng mắc thì lý do vì sao?.. Từ đó, chúng tôi có thể đánh giá chính xác về năng lực và hiệu quả làm việc của cán bộ công chức (CBCC). Tại bộ phận một cửa, chúng tôi còn trang bị hệ thống camera, qua đó kịp thời phát hiện những trường hợp CBCC có tác phong làm việc chưa nghiêm túc, thái độ cư xử với người dân chưa đúng mực để chấn chỉnh”.

* Những nỗ lực đáng ghi nhận

Việc triển khai thực hiện và đưa vào ứng dụng mô hình MCHĐ thể hiện sự nỗ lực đáng ghi nhận của các cán bộ lãnh đạo, CBCC UBND quận Ô Môn. Và càng ý nghĩa hơn khi đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ quận Ô Môn nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Ông Phùng Chí Công, Chánh văn phòng UBND quận Ô Môn, Trưởng Ban Điều hành Đề án “Một cửa ứng dụng công nghệ thông tin” tại UBND quận Ô Môn, kể: Ngay sau khi UBND thành phố đề ra chủ trương và chọn Ô Môn làm nơi thí điểm xây dựng mô hình, lãnh đạo quận đã tổ chức đoàn đến tham quan, học tập kinh nghiệm triển khai thực hiện mô hình tại UBND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và quận Tân Bình (TP Hồ Chí Minh) và huyện Thuận An (tỉnh Bình Dương). Qua các kinh nghiệm học được từ các đơn vị bạn, quận đã xây dựng Đề án thực hiện mô hình này tại địa phương, trong đó, quận mạnh dạn chọn 8 lĩnh vực đưa vào thực hiện trong Đề án là: chứng minh nhân dân, chứng thực - Hộ tịch, đất đai, môi trường, xây dựng, đăng ký kinh doanh, thuế, kho bạc và lao động, thương binh & Xã hội. Ngay khi Đề án được UBND thành phố phê duyệt và cho phép triển khai thực hiện vào cuối tháng 1-2010, quận bắt tay ngay vào việc xây dựng, sửa chữa nâng cấp phòng làm việc của bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả; mời một số đơn vị cung cấp phần mềm đến vận hành thử để so sánh, chọn phương pháp tối ưu nhất, đồng thời tìm đơn vị cung cấp các thiết bị phần cứng... Ông Phùng Chí Công cho biết: “Quá trình triển khai thực hiện đề án gặp nhiều khó khăn do có nhiều chương trình, loại thiết bị mới mà các cán bộ của quận và một số cán bộ do Sở Nội vụ, Sở Thông tin truyền thông cử đến hỗ trợ cũng chưa từng sử dụng. Chúng tôi phải mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu tìm hiểu về đặc tính kỹ thuật, về giá cả để chọn lựa thiết bị phù hợp nhất...”.

Song song với việc đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, các phương tiện, thiết bị để hoàn chỉnh hệ thống, quận khẩn trương lựa chọn, sắp xếp nhân sự, tổ chức tập huấn cho đội ngũ CBCC vận hành phần mềm... Bên cạnh tập huấn về nghiệp vụ, quận chú trọng giáo dục đội ngũ CBCC nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ; tác phong phục vụ hòa nhã, chân tình. Chị Lý Thị Cẩm Bào, Trưởng Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của UBND quận Ô Môn, cho biết: “Mặc dù được các phương tiện hỗ trợ rất nhiều về nghiệp vụ, nhưng các CBCC bộ phận “một cửa” luôn ý thức rằng yếu tố quan trọng nhất để thực hiện cải cách hành chính là con người. Vì thế, chúng tôi luôn nhắc nhở nhau giữ tinh thần và thái độ làm việc tận tâm, ân cần hòa nhã với nhân dân để phát huy tối đa hiệu quả của mô hình MCHĐ”.

Bên cạnh những thuận lợi và hiệu quả bước đầu, quá trình thực hiện mô hình MCHĐ ở bộ phận “một cửa” UBND quận Ô Môn cũng đặt ra nhiều vướng mắc cần tháo gỡ. Theo ông Phùng Chí Công, điều đáng lo nhất hiện nay là đơn vị chưa có bản quyền, mã nguồn của các chương trình, thiết bị sử dụng, trong khi đơn vị cung cấp thì ở xa, nếu phát sinh sự cố trong quá trình vận hành sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động của cả đơn vị cũng như việc giải quyết các TTHC của người dân. Trong khi đó, việc mua bản quyền để có thể sử dụng thuận tiện lại nằm ngoài tầm tay của quận. Ông Chí Công đề xuất: “Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động hành chính, đáp ứng nhanh nhu cầu giải quyết TTHC của nhân dân là một xu thế tất yếu. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã đề ra chủ trương nhân rộng mô hình này, vì thế, theo tôi, thành phố nên giao cho Sở Thông tin Truyền thông hoặc Trung tâm công nghệ phần mềm tiếp cận với các công ty cung cấp các chương trình, thiết bị để mua bản quyền sử dụng, từ đó triển khai cho các địa phương trong thời gian tới; đồng thời tạo điều kiện cho các đơn vị đã triển khai có thể kịp thời khắc phục các sự cố phát sinh”.

Với những hiệu quả, thuận lợi bước đầu, mô hình MCHĐ hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, nhất là cải cách TTHC, góp phần xây dựng một nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn .

Bài, ảnh: HOÀNG THANH

Chia sẻ bài viết