08/12/2017 - 20:51

Liên kết, chia sẻ nguồn tin khoa học và công nghệ vùng ĐBSCL

Bước đi cần thiết trên tiến trình hội nhập 

Hiện nay, mỗi tỉnh, thành ĐBSCL đều có các đơn vị chuyên ngành, chuyên cung cấp, hỗ trợ thông tin Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, giữa các tỉnh, thành còn thiếu sự liên kết, chia sẻ nguồn tin để tránh trùng lắp, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động. Vừa qua, Trung tâm Thông tin KH&CN thuộc Sở KH&CN thành phố Cần Thơ đã có những bước khởi đầu để kết nối các tỉnh, thành trong khu vực; tiến tới việc liên kết, phát triển nguồn lực thông tin KH&CN một cách toàn diện, hiệu quả.

Nhiều nhưng hiệu quả chưa cao

Các đại biểu tham quan một gian hàng ứng dụng công nghệ thông tin tại “Festival quốc tế nông nghiệp vùng ĐBSCL năm 2017” tổ chức ở TP Cần Thơ. (Ảnh: Trung tâm Thông tin KH&CN TP Cần Thơ)

Theo thống kê của Trung tâm Thông tin KH&CN TP Cần Thơ, hiện ĐBSCL có 13 tổ chức trực thuộc các Sở KH&CN chuyên thực hiện chức năng đầu mối thông tin về KH&CN, gồm: 5 Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN, 2 Trung tâm Thông tin KH&CN, 2 Trung tâm Thông tin và ứng dụng tiến bộ KH&CN, 4 phòng quản lý chuyên ngành. Đây là các đơn vị chịu trách nhiệm xây dựng, phát triển, vận hành và khai thác hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu về KH&CN; tổ chức và phát triển nguồn thông tin trong lĩnh vực này nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương và các tỉnh ĐBSCL; số hóa các nguồn tin quan trọng của địa phương… Hiện toàn vùng có trên 1 triệu đầu sách, ấn phẩm, trên 2 triệu tài liệu điện tử toàn văn về các lĩnh vực KH&CN cùng nhiều trang tin điện tử, thư viện điện tử về KH&CN. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành còn có hệ thống các thư viện công cộng, thư viện thuộc các viện, trường với nguồn tin KH&CN khá đa dạng và phong phú.

Điều đáng tiếc là nguồn thông tin đồ sộ này chưa phát huy hết hiệu quả do việc tra cứu thông tin và sử dụng các tài liệu KH&CN vẫn còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Tiến sĩ Nguyễn Phương Toại, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, chia sẻ: “Nhiều khi tôi muốn tra cứu xem một đề tài khoa học về y tế mà trường dự định làm có trùng lắp với các trường, bệnh viện khác hay không, hoặc muốn tìm hiểu thêm thông tin KH&CN chuyên ngành y tế… thì khá khó khăn. Đó là vì các đơn vị chưa có sự liên kết, chia sẻ thông tin với nhau để dễ tìm kiếm, tra cứu. Mặt khác, có đơn vị đăng tải trên internet nhưng không thể tra cứu bằng các công cụ tìm kiếm (như google chẳng hạn) mà cần những đường dẫn hoặc những cơ sở dữ liệu cụ thể mới truy cập được”.

Một tồn tại khác là hằng năm, mỗi tỉnh, thành đều có danh mục những đề tài, dự án KH&CN cần thực hiện nhưng do chưa có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ trong trao đổi thông tin mà nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều đề tài nghiên cứu trùng lắp. Trong khi chỉ cần 1 địa phương thực hiện hiệu quả thì có thể chuyển giao cho các địa phương khác cùng làm, tránh lãng phí. Bà Trần Hoài Phương, Phó Giám đốc sở KH&CN TP Cần Thơ, cho biết: “Mỗi năm, Cần Thơ gửi danh mục đề tài, dự án KH&CN dự kiến thực hiện đến các tỉnh còn lại trong khu vực để nhờ kiểm tra, xác nhận xem có cái nào trùng lắp ý tưởng hoặc đã thực hiện chưa. Công đoạn này tốn nhiều thời gian, công sức trong khi chúng ta dễ dàng tra cứu nếu có sự liên kết, chia sẻ về nguồn tin KH&CN với nhau”.

Ngoài ra, còn nhiều vấn đề khác khiến hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn lực thông tin KH&CN chưa cao. Chẳng hạn như nguồn tin KH&CN của các địa phương thiếu sự đa dạng về loại và trùng lặp về nội dung; nội dung thông tin chưa được cập nhật thường xuyên và chưa được tổ chức theo hướng đáp ứng nhu cầu của người dùng và thị trường; nguồn kinh phí đầu tư phát triển nguồn tin còn thấp và rất khác nhau giữa các địa phương (dao động khoảng từ 0,03 tỉ đồng đến 1 tỉ đồng/năm); hạ tầng để chia sẻ thông tin chưa đủ mạnh và chuẩn hóa giữa các địa phương…

Thực trạng trên cho thấy, việc liên kết để phát triển và chia sẻ nguồn KH&CN phục vụ phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL là rất cần thiết, đặc biệt là trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi mà tất cả các lĩnh vực liên quan đến đời sống kinh tế- văn hóa- xã hội, nhất là thông tin cần phải được tập hợp, chuẩn hóa và chia sẻ một cách rộng rãi, kịp thời, nhằm tạo tiền đề và cơ sở cho sự phát triển nhanh và bền vững. Từ đó, việc liên kết vùng cũng sẽ tạo ra được một nguồn cơ sở dữ liệu phong phú về số lượng, đa dạng về chủng loại và có khả năng chia sẻ cao không giới hạn về không gian và thời gian. Ngoài ra, thông qua sự kết nối cung- cầu về thông tin sẽ dần chuẩn hóa nguồn tin KH&CN của các địa phương theo hướng thị trường, đáp ứng nhu cầu thực tế của người dùng.  

Những bước đi đầu tiên

Bên cạnh tính cấp bách và cần thiết thì việc xây dựng cơ sở dữ liệu về KH&CN vùng ĐBSCL còn là nội dung quan trọng trong Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế, xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. Do đó, cuối tháng 11 vừa qua, Trung tâm Thông tin KH&CN TP Cần Thơ đã tổ chức hội thảo “Liên kết và phát triển nguồn lực thông tin KH&CN vùng ĐBSCL” với sự tham dự của đông đảo đại biểu đến từ Cục Thông tin KH&CN Quốc gia - Bộ KH&CN, các tỉnh, thành ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh cùng các thư viện, các trường Đại học, Cao đẳng trên địa bàn TP Cần Thơ.

Việc liên kết và phát triển nguồn lực thông tin KH&CN vùng ĐBSCL được đại biểu các tỉnh, thành đồng tình, ủng hộ tại hội thảo  do Trung tâm Thông tin KH&CN TP Cần Thơ tổ chức vào cuối tháng 11 vừa qua. (Ảnh: Trung tâm Thông tin KH&CN TP Cần Thơ)

Tại hội thảo, Trung tâm Thông tin KH&CN TP Cần Thơ đề nghị đơn vị sẽ là đầu mối gắn kết các tỉnh, thành trong việc liên kết và phát triển nguồn lực thông tin KH&CN vùng ĐBSCL. Qua đó, giúp các đơn vị có được nguồn lực cơ sở dữ liệu không giới hạn không gian, thời gian, hoàn toàn miễn phí, chủ động trong khai thác, chia sẻ tài liệu. Các tỉnh, thành đều đồng tình ủng hộ và mong muốn Cần Thơ sẽ tích cực xúc tiến để việc liên kết, hợp tác sớm được triển khai thực hiện. Ông Vũ Anh Tuấn, Phó Cục Trưởng Cục Thông tin KH&CN Quốc gia, khẳng định: Trong giai đoạn 2018-2019, Cục sẽ đồng hành cùng với 13 tỉnh, thành ĐBSCL xây dựng hệ thống thông tin KH&CN mang tính chất đặc thù của vùng, góp phần đáp ứng nhu cầu xã hội và phục vụ công tác chuyên môn.

Có được sự đồng thuận của các tỉnh trong khu vực và các cơ sở pháp lý cần thiết, sau hội thảo, Trung tâm Thông tin KH&CN TP Cần Thơ đã bắt tay vào chuẩn bị kế hoạch triển khai cụ thể. Theo ông Vũ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin KH&CN TP Cần Thơ, Trung tâm sẽ hoàn chỉnh đề xuất và thuyết minh KH&CN dự án “Mạng thông tin KH&CN vùng ĐBSCL- E-Mekong” với quan điểm liên kết, hình thành cơ chế khai thác sử dụng, định dạng và nội dung nguồn tin, phương án triển khai… chi tiết, cụ thể để trình Sở KH&CN TP Cần Thơ xem xét thẩm định và bố trí nguồn kinh phí thực hiện. Bước tiếp theo là tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ của Bộ KH&CN để mở rộng quy mô dự án và nguồn cơ sở dữ liệu.

Ông Vũ Minh Hải nhấn mạnh: “Để thúc đẩy nhanh hoạt động liên kết, chia sẻ nguồn lực thông tin KH&CN vùng ĐBSCL, các địa phương phải cùng nhau xây dựng, hoàn thiện cơ chế liên kết nhằm phát huy sức mạnh bên trong, đồng thời tận dụng triệt để cơ hội từ bên ngoài vùng, trong xu thế hội nhập quốc tế. Đặc biệt, phải có sự hỗ trợ về chuyên môn, cũng như cơ chế chính sách từ các cơ quan Trung ương, Bộ, ngành chủ quản để làm cơ sở cho hoạt động liên kết, phát triển và chia sẻ nguồn tin KH&CN của toàn vùng”.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết