08/12/2011 - 21:02

NUÔI TÔM SÚ VÀ TÔM CÀNG XANH TRONG RUỘNG LÚA THEO TIÊU CHUẨN VietGAP

Bước đầu phát huy hiệu quả

Mô hình nuôi tôm sú và tôm càng xanh trong ruộng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP thử nghiệm tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) bước đầu đạt hiệu quả khá cao. (Ảnh: Trung tâm dịch vụ khoa học nông nghiệp, Khoa Nông nghiệp & Sinh học ứng dụng Đại học Cần Thơ cung cấp). 

Nuôi tôm sú và tôm càng xanh trong ruộng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP là mô hình khá mới đối với nhiều nông dân ĐBSCL. Tuy nhiên, qua thực nghiệm tại huyện Hồng Dân (tỉnh Bạc Liêu), mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả rất cao. Không những tăng thu nhập cho nông dân, mô hình còn góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường nước, được đông đảo bà con nông dân đón nhận.

Nuôi tôm sú và tôm càng xanh trong ruộng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP là một trong những đề tài thuộc dự án “Chuyển giao khoa học công nghệ phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững”. Đề tài do PGS-TS Dương Nhựt Long, Khoa Thủy Sản, Trường Đại học Cần Thơ chủ nhiệm, thực hiện trong thời gian 3 năm (từ năm 2010 đến năm 2013).

Hồng Dân là huyện thuần nông với diện tích tự nhiên 42.186ha, trong đó diện tích đất sản xuất 2 vụ lúa/năm ổn định là 8.907ha, diện tích đất sản xuất lúa - tôm 217.311ha; còn lại là diện tích đất nuôi trồng thủy sản, cây ăn trái, hoa màu. Vì vậy, tiềm năng và lợi thế trong việc sản xuất nông nghiệp và thủy sản của huyện rất lớn. Tuy nhiên, thời gian qua, Hồng Dân vẫn chưa khai thác hết tiềm năng cũng như thế mạnh này nên đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Ông Trần Văn Danh, Chủ tịch UBND huyện Hồng Dân, nói: “Để khơi dậy tiềm năng của huyện cũng như cải thiện đời sống của người dân, huyện đã đẩy mạnh việc ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học vào sản xuất nông nghiệp- thủy sản. Theo đó, huyện đã triển khai thực hiện và ứng dụng nhiều đề tài phù hợp với đặc điểm địa phương. Một trong những đề tài được lãnh đạo huyện, tỉnh và bà con quan tâm nhất là mô hình nuôi tôm sú và tôm càng xanh trong ruộng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP.

PGS-TS Dương Nhựt Long, Chủ nhiệm đề tài, cho biết: “Trước khi tiến hành thử nghiệm, chúng tôi tổ chức 10 buổi tập huấn kỹ thuật nuôi tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa cho 300 hộ nông dân và 5 lớp tập huấn kỹ thuật nuôi tôm sú luân canh trong ruộng lúa cho 150 nông dân... Mục đích của việc tập huấn giúp nông dân biết phân loại về hình thái, đặc điểm sinh thái, môi trường sống, đặc tính sinh trưởng, dinh dưỡng của tôm càng xanh, kỹ thuật nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa, một số bệnh thường gặp trên tôm càng xanh, tôm sú. Từ đó, người dân hiểu rõ hơn những kỹ thuật cơ bản của quy trình kỹ thuật để vận hành và quản lý mô hình tốt hơn. Bà con nông dân ở đây chịu khó học hỏi áp dụng nghiêm quy trình sản xuất từ khâu chọn giống, việc sử dụng thuốc thú y thủy sản, thức ăn đều có kiểm soát và ghi nhật ký... Vì thế, dù còn khá mới mẻ và gặp không ít khó khăn trong triển khai thực hiện nhưng bước đầu mô hình đã đạt được kết quả khá khả quan”. Ở 6 điểm nuôi mô hình tôm càng xanh xen canh trong ruộng lúa, được triển khai trên diện tích 14ha, qui mô 1ha/hộ thuộc các xã: Lộc Ninh, Ninh Hòa và Vĩnh Lộc, kết quả phân tích lợi nhuận cho thấy đa số các hộ nuôi đều có lời. Theo UBND huyện Hồng Dân, qua 2 năm thực hiện, mô hình góp phần tăng lợi nhuận cho nông hộ từ 8,6 -16,7 triệu đồng/ha. Từ mô hình này, huyện đã thay đổi được tập quán canh tác từ quảng canh sang bán thâm canh. Đến nay, mô hình đã nhân rộng trong toàn huyện được hơn 600ha. Sắp tới huyện sẽ tiếp tục tổ chức nhân rộng mô hình nhằm phát triển kinh tế địa phương, cải thiện đời sống bà con nông dân trong vùng.

Tại buổi sơ kết 2 năm thực hiện dự án “Chuyển giao khoa học công nghệ phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững” giữa Trường Đại học Cần Thơ và UBND huyện Hồng Dân vừa được tổ chức tại huyện Hồng Dân, PGS-TS Lê Quang Trí, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, chủ trì dự án, chia sẻ: “Nuôi tôm sú và tôm càng xanh trên ruộng lúa là một đề tài lớn, các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ cũng như địa phương rất chú trọng. Xây dựng thành công mô hình này không những đời sống người dân được nâng cao mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất tại địa phương, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, an toàn và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, mô hình này còn có hạn chế là những hộ có tiềm lực kinh tế mới có khả năng thực hiện. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cần hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện để các hộ dân triển khai mô hình; các huyện cần tổ chức nhiều chương trình tập huấn sâu rộng trong toàn vùng. Đặc biệt, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”, nếu mối liên kết này thiếu chặt chẽ, sản phẩm làm ra rất dễ đánh đồng với sản phẩm tôm nuôi theo quảng canh thông thường, không phát huy hết thế mạnh của mô hình”.

THU HOÀI

Mô hình nuôi tôm sú và tôm càng xanh trong ruộng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP thử nghiệm tại huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) bước đầu 

Chia sẻ bài viết