Nằm khiêm tốn trong dãy phố chợ trên đường Phạm Văn Ký ở phường 2, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, ngôi nhà số 43 là Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia. Đây là nơi hơn 90 năm trước, Chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở thị trấn Cà Mau ra đời.
Một số hiện vật được trưng bày tại di tích Hồng Anh Thư Quán.
Những năm 1920, những người Việt Nam yêu nước đứng trước khủng hoảng về đường lối cứu dân tộc thoát khỏi ách thống trị của thực dân. Giữa lúc nhân dân đang rên xiết lầm than trong đêm đen nô lệ thì ánh sáng con đường cánh mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và giai cấp vô sản Việt Nam rọi đến. Người đã tập hợp các thanh niên Việt Nam có chí hướng yêu nước để lập ra Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Người liên tiếp mở nhiều đợt huấn luyện, đào tạo cán bộ của hội và đưa về vận động phong trào trong nước.
Cuối năm 1927, đồng chí Ung Văn Khiêm trong kỳ bộ Nam kỳ cử đồng chí Đào Hưng Long đến thị trấn Cà Mau để tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin trong nhân dân lao động và thanh niên yêu nước có ý thức đấu tranh chống áp bức, bất công. Đến tháng 1-1928, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội thị trấn Cà Mau được thành lập. Ngay sau khi ra đời, Chi hội đã phân công một số đồng chí vận động các tầng lớp nhân dân chống thu tô, sưu, thuế… giành quyền lợi thiết thực cho người lao động.
Phục dựng cảnh sinh hoạt của Chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội thị trấn Cà Mau.
Để ngụy trang nơi hội họp, trao đổi ý kiến lãnh đạo và thông tin liên lạc, Chi hội mở hiệu bán sách lấy tên là “Hồng Anh Thư Quán” trên đường Gia Long (nay là đường Phạm Văn Ký). Hiệu sách gồm 2 tầng, tầng dưới là nơi trưng bày sách, báo tuyên truyền cách mạng; tầng trên là chỗ họp hội, phổ biến hành động đấu tranh. Đồng thời, Chi hội cũng mở quán bán cơm lấy tên là “Tâm Đồng”, tạo cơ sở giáo dục tinh thần đoàn kết yêu nước trong nhân dân lao động. Nhờ có “bức bình phong” Hồng Anh Thư Quán và Tâm Đồng, Chi hội đã đẩy mạnh tuyên truyền và lãnh đạo nhân dân đấu tranh đòi miễn thuế, chống cướp đất tăng tô… Tiêu biểu là cuộc đấu tranh của trên 100 gia đình ở Tân Thành chống bọn tay sai cướp đất do nhân dân khai phá, khiến bọn địa chủ phải chùn bước.
Hiệu sách Hồng Anh Thư Quán và quán cơm Tâm Đồng ngày càng có nhiều khách lui tới. Bọn thực dân và tay sai đánh hơi được nên ra lệnh đóng cửa hiệu sách, cấm người lui tới. Tuy nhiên bằng nhiều hình thức, những người có cảm tình với cách mạng vẫn đến liên hệ mua sách báo, nghe nói chuyện thời sự. Đến tháng 9-1929, Thống đốc Nam kỳ chỉ thị cho tỉnh Bạc Liêu tập trung lính mã tà phối hợp lính kín, mật thám tổ chức vây ráp truy lùng ráo riết. Bị địch truy nã, hầu hết các đồng chí trong Chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội trị trấn Cà Mau phải tạm lánh khỏi địa phương, không ai bị địch bắt nhưng Chi hội cũng ngừng hoạt động.
Tuy chỉ hoạt động một thời gian ngắn nhưng Chi hội đã làm tròn vai trò tuyên truyền đường lối cách mạng, tạo lòng tin trong quần chúng nhân dân, tạo tiền đề tốt cho sự ra đời của Chi bộ Đảng tỉnh Bạc Liêu, tiền thân của Đảng bộ Cà Mau. Hầu hết các hội viên và nhiều quần chúng cảm tình của Chi hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội thị trấn Cà Mau sau này đều trở thành các đồng chí đảng viên trung kiên.
Phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, đồng thời tạo nơi giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước của thế trẻ, tháng 8-1992, Hồng Anh Thư Quán được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Theo bà Bùi Thị Diệu Chuyên, cán bộ quản lý di tích, hiện tại, Hồng Anh Thư Quán có gần 100 hiện vật, 200 đầu sách quý và các mô hình được trưng bày. Nhằm phục vụ cho công tác tuyên truyền, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích, cũng như hướng đến những hoạt động cộng đồng, đây còn là nơi giao lưu, sinh hoạt của các CLB như: CLB Cổ vật, CLB Sách cũ, CLB Nghiên cứu lịch sử… Di tích cũng là nơi hội ngộ của những người có chung sở thích tìm hiểu văn hóa, lịch sử cũng như khai thác tiềm năng du lịch của vùng đất cực Nam Tổ quốc.
Bài, ảnh: MAI ANH