03/07/2019 - 08:47

Bóng bàn ĐBSCL
Nhìn từ giải bóng bàn quốc tế Vĩnh Long  

Giải Bóng bàn quốc tế Vĩnh Long lần thứ IV-2019 Cúp phân bón miền Nam vừa khép lại vào cuối tuần qua, đánh dấu bước phát triển liên tục không chỉ của giải đấu này, mà còn với bộ môn bóng bàn của tỉnh Vĩnh Long vốn giàu truyền thống.

Các tay vợt thi đấu tại Giải bóng bàn quốc tế Vĩnh Long 2019. Ảnh: DƯƠNG THU

Các tay vợt thi đấu tại Giải bóng bàn quốc tế Vĩnh Long 2019. Ảnh: DƯƠNG THU

Ông Nguyễn Thanh An - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Đây là năm thứ tư giải đấu mang tầm quy mô quốc tế, còn trên thực tế đã qua 11 năm tổ chức từ giải bóng bàn Vĩnh Long mở rộng, với các đội bóng bàn hàng đầu cả nước tham dự, cùng một số đội khách mời đến từ Campuchia. Cả nước hiện chỉ có 2 giải bóng bàn quốc tế là Cây vợt vàng ở TP Hồ Chí Minh và giải đấu ở Vĩnh Long. Tuy chưa trở thành giải đấu chính thức trong hệ thống thi đấu bóng bàn quốc gia, nhưng Vĩnh Long nỗ lực duy trì để qua đó tạo sân chơi góp phần thúc đẩy bóng bàn khu vực ĐBSCL và cả nước.

Với việc vận động xã hội hóa thành công (nhà tài trợ chính là Công ty CP Phân bón miền Nam), giải bóng bàn quốc tế tỉnh Vĩnh Long từng bước mở rộng quy mô. Chất lượng chuyên môn cũng được đánh giá cao, hấp dẫn, thu hút được số lượng lớn khán giả đến xem tại Nhà thi đấu Trường Đại học Xây dựng miền Tây. Giải đấu này có sự phân chia nội dung thi đấu giúp VĐV đỉnh cao và VĐV phong trào có thể tham dự. Ở đẳng cấp quốc tế, có 4 nội dung: đồng đội nam, đồng đội nữ, đơn nam và đơn nữ; và 2 nội dung dành cho phong trào là đồng đội hạng C-D-E diễn đàn bóng bàn và đôi nam hạng 1D-1E.

Điều này giúp rất đông VĐV ở khu vực ĐBSCL có cơ hội tham dự. Bởi đơn giản rằng rất ít những đơn vị trong nước có đội bóng bàn đủ khả năng tranh giải cấp quốc tế, còn đa phần VĐV bóng bàn ở khu vực ĐBSCL chỉ có thể thi đấu giải phong trào. Thực tế, để có thể cạnh tranh với các VĐV của đội tuyển Quảng Tây (Trung Quốc), tuyển trẻ Thái Lan, trẻ Singapore, Indonesia, Malaysia tại giải bóng bàn quốc tế Vĩnh Long năm nay, trong nước chỉ có các đội chuyên nghiệp đến từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Dương và Đà Nẵng, gần như không có đội đại diện nào của khu vực ĐBSCL tham gia ở nội dung nam và chỉ có đội Vĩnh Long và Long An tranh tài nội dung nữ. Với các tay vợt ĐBSCL, giải đấu là cơ hội học hỏi thêm kinh nghiệm thi đấu quốc tế. Ông Nguyễn Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Các VĐV ở các hạng đấu khác của khu vực ĐBSCL có được cơ hội thi đấu và học hỏi nhiều hơn từ các trận đấu quốc tế. Ví như, bóng bàn Vĩnh Long giờ chỉ tập trung vào các nội dung nữ, chứ các nội dung của nam khó cạnh tranh.

Với bóng bàn khu vực ĐBSCL hiện nay, gần như các địa phương không còn duy trì cấp độ đội tuyển nam, dù một vài đơn vị vẫn tập hợp đội tuyển khi tham dự các giải đấu. Hàng trăm thậm chí hàng ngàn người chơi bóng bàn, nhưng chỉ vài chục người có thể luyện chuyên nghiệp và số vươn lên đỉnh cao chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có thể thấy điều đó qua sự thống trị lâu dài của các tay vợt như Đinh Quang Linh (nam) hay Mai Hoàng Mỹ Trang (nữ) trong làng bóng bàn Việt Nam thời gian qua.

Về tiềm năng phát triển bóng bàn của Vĩnh Long, ông Nguyễn Thanh An cho rằng từng là địa phương mạnh với những tay vợt xuất sắc như Nguyễn Minh Hiền vô địch quốc gia năm 1986, Trần Xuân Thiện đoạt HCV giải Các cây vợt xuất sắc toàn quốc năm 1993, nhưng đến nay Vĩnh Long chưa có tay vợt nam triển vọng thay thế. Bóng bàn Vĩnh Long đang cố gắng trở lại và bắt đầu từ các nội dung của nữ. Còn với khu vực ĐBSCL, ông An cho rằng không phải các địa phương không có tài năng, nhưng để vượt lên cạnh tranh với các đơn vị mạnh trong nước và quốc tế, đòi hỏi phải có nguồn đầu tư lớn, cũng như sự hỗ trợ của những chuyên gia.

NGUYỄN MINH

Chia sẻ bài viết