23/06/2010 - 21:52

"Bốn nhà" chung tay phát triển trái cây Việt Nam

Nhu cầu sử dụng trái cây nhiệt đới đang tăng mạnh tại thị trường nhiều nước trên thế giới. Đây là lợi thế cho trái cây Việt Nam phát triển, mở rộng thị trường. Thế nhưng, mặt hàng này vẫn lận đận ngay cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Điệp khúc được mùa mất giá vẫn diễn ra thường xuyên...

LẬN ĐẬN

Đi đầu trong liên kết “bốn nhà” thời gian qua không thể không kể đến HTX Hòa Lộc (huyện Cái Bè, Tiền Giang). Từ số vốn ban đầu chỉ khoảng 40 triệu đồng nay tăng lên khoảng 1 tỉ đồng lúc cao điểm; số xã viên tham gia HTX từ 36 người đã tăng lên 92 xã viên, cung cấp nguyên liệu 120 tấn xoài cát Hòa Lộc nay tăng lên 500-600 tấn/năm. Nhắc đến HTX này, người ta nhắc đến vai trò của HTX trong việc tập hợp nông dân và làm cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Nhà nước, tiến bộ kỹ thuật của nhà khoa học đến với nông dân. Hiện nay, xoài cát Hòa Lộc đã có mặt tại các thị trường khó tính, như châu Âu và Nhật Bản. Ông Nguyễn Thành Nhơn, Chủ nhiệm HTX Hòa Lộc, cho biết: “Liên kết với các viện trường tiếp nhận các kỹ thuật mới, đồng thời tận dụng kinh nghiệm nông dân trong phát triển sản xuất xoài cát đã mang lại hiệu quả thiết thực. HTX đã làm chủ vùng nguyên liệu tập trung với số lượng lớn cho hợp đồng, giá thành cạnh tranh, chất lượng đều. Nhà vườn trồng xoài cát nay đã am hiểu là lập quy trình sản xuất khép kín, ghi chép quá trình sản xuất, tăng giá trị thương phẩm và bảo vệ sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng. Đây là tín hiệu đáng mừng khi ý thức được cái thị trường cần và chịu từ bỏ thói quen sản xuất cũ để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường khó tính...”. Thế nhưng, khi thị trường phát triển, HTX lại đối mặt với những khó khăn, thách thức. “Việc quảng bá và ứng dụng các kỹ thuật trồng an toàn đã tạo được lòng tin cho khách hàng. Thị trường mở rộng đồng nghĩa với việc quản lý điều hành của HTX hiện nay sẽ không đáp ứng được trong thời gian tới, phạm vi sản xuất cần mở rộng... Trước đây, HTX chủ yếu sản xuất trái tươi qua sơ chế nay đối tác ở Nhật yêu cầu phải có sản phẩm đóng hộp. Với năng lực về kỹ thuật và tài chính của HTX hiện nay không thể đáp ứng được yêu cầu này. Nếu không thực hiện thì bỏ qua cơ hội làm ăn, phát triển sản xuất...”, ông Nhơn cho biết thêm...

Trái cây nhiệt đới ngày càng được ưa chuộng tại thị trường thế giới. Trong ảnh: Trái cây ĐBSCL trưng bày tại Festival Trái cây 2010. 

Trong khi đó, HTX vú sữa Lò Rèn (ở Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, Tiền Giang) lại đang gặp khó khăn về vốn. HTX đã ứng dụng quy trình sản xuất theo Global GAP và sẽ nâng lên tiêu chuẩn EREPGAP nhưng tài lực yếu nên khó cạnh tranh được với thương lái trong việc tập hợp nông dân và tổ chức thu mua nguyên liệu. Ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm HTX vú sữa Lò Rèn, cho biết: “Tại Vĩnh Kim hiện có khoảng 130 vựa thu mua trái cây với vốn từ 300 triệu đến 1,5 tỉ đồng/vựa. Nhà vựa không ràng buộc nguyên liệu với bất cứ tiêu chuẩn gì, lại có sự cơ động trong việc thu mua toàn bộ trái. Còn HTX lại đặt nặng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, phân loại trái... nên khả năng cạnh tranh kém, nhất là khi thị trường hút hàng. Do khó tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn vay ngân hàng, nhiều lúc HTX phải vay “nóng” để có vốn mua nguyên liệu cung ứng cho các hợp đồng xuất khẩu. Hiện nay, xuất khẩu trái tươi đã khó khăn thì làm sao đáp ứng được các yêu cầu cao hơn của thị trường. HTX đã nhiều lần từ chối các đơn đặt hàng lớn, bỏ lỡ nhiều cơ hội làm ăn...”.

Công ty chế biến rau quả xuất khẩu Hoàng Gia (huyện Bình Minh, Vĩnh Long) lại “kêu khó” khi không làm chủ được vùng nguyên liệu và chịu sức ép với sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp kinh doanh cùng mặt hàng. Giám đốc công ty này, bà Lưu Nguyễn Trà Giang, cho biết: “Có một số doanh nghiệp đưa giá cao để giành nguyên liệu của doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu. Có trường hợp một công ty lập email ở nhiều nơi để tung lên mạng các lời chê bai hàng hóa để hạ thấp uy tín của doanh nghiệp khác. Nhiều trường hợp tranh nhau mua bưởi Năm Roi khi thị trường Trung Quốc hút hàng rồi chào giá bằng giá bưởi Trung Quốc khoảng 600-800 USD/tấn thay vì 1.000-1.200 USD/tấn để tranh giành khách hàng. Tranh giành thị trường bằng mọi giá nhưng doanh nghiệp lại không có tính chuyên nghiệp trong xuất khẩu, không đảm bảo chất lượng... gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín trái cây Việt Nam. Có lần chào bưởi Năm Roi ở châu Âu, đối tác từ chối vì trước đó đã nhập hai container bưởi Năm Roi của một doanh nghiệp khác ở Việt Nam nhưng không sử dụng được...”.

HTX làm khá tốt vai trò liên kết trong sản xuất ra sản phẩm an toàn nhưng lại thiếu công nghệ, vốn để mở rộng quy mô sản xuất, chế biến sản phẩm từ trái cây. Theo ông Võ Hùng Dũng-Giám đốc VCCI tại ĐBSCL, ngành trái cây phát triển chậm trong thời gian qua không phải do thị trường mà do khả năng cung không đáp ứng cầu. Vì vậy, nhà vườn cần được chuyên môn hóa cao, xây dựng thương hiệu an toàn; không chạy theo thị trường giá thấp, nhất là đối với trái cây đặc sản. Liên kết “bốn nhà” đã được xác định là vấn đề sống còn của nhiều ngành hàng Việt Nam, trong đó có trái cây. Trước những yêu cầu khắt khe của thị trường, liên kết này trở nên bức bách hơn bao giờ hết.

“BỐN NHÀ” CHUNG TAY

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, diện tích trồng trái cây cả nước hiện khoảng 778.000 ha, sẽ tiếp tục tăng lên 1 triệu ha. Sản lượng trái cây năm 2009 là 7 triệu tấn, bình quân 80kg/người, riêng khu vực ĐBSCL bình quân đầu người khoảng 116kg/người/năm. Kinh tế phát triển, nhu cầu sử dụng trái cây càng cao, nhất là các loại trái cây nhiệt đới hiện đang được trồng nhiều tại Việt Nam. Theo Hiệp hội Trái cây Việt Nam, thị trường mở cửa, trái cây Việt Nam đi ra thế giới ít nhưng trái cây nước ngoài nhập vào lại nhiều. Chất lượng trái kém, quy mô sản xuất nhỏ... là những rào cản cho trái cây Việt Nam trên bước đường hội nhập. Ông Phạm Văn Tấn, Phân viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch-SIAEP, cho rằng, sản xuất manh múng, tự phát ít đầu tư, thiếu cơ giới hóa tạo giá thành cao, trái cây Việt Nam khó cạnh tranh với trái cây Thái Lan, Malaysia, Philippines và thua trên sân nhà. Mà nguyên nhân chính là do thiếu liên kết và tổ chức sản xuất trong chuỗi giá trị trái cây. Theo ông Tấn, giải pháp phát triển cho trái cây Việt Nam là phải: Chọn giống, nhân giống và quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái; ứng dụng các biện pháp canh tác tốt và an toàn; thực hiện các giải pháp thu hoạch và sau thu hoạch; xây dựng mối liên kết chặc chẽ giữa các đối tác trong chuỗi cung ứng trái cây và huấn luyện các đối tác trong chuỗi này; đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ trái cây. Từ những yêu cầu này cho thấy vai trò cần thiết của liên kết “bốn nhà” để tạo sự đồng bộ trong việc nâng cao chuỗi giá trị. Việt Nam đã có trái cây an toàn, chất lượng tốt và trái cây đặc sản nhưng lại thiếu thiết bị kỹ thuật trong việc bảo quản và chế biến đa dạng sản phẩm. Trong khi, nhiều doanh nghiệp chế biến rau củ có sẵn trang thiết bị nhưng lại sử dụng không hết công suất.

Nói về liên kết “bốn nhà, Tiến sĩ Võ Mai, Chủ tịch Hiệp hội Trái cây Việt Nam, cho biết: “Đã bao nhiêu lần hội họp về liên kết “bốn nhà” nhưng không làm được. Xong hội thảo, mạnh ai nấy đi. Theo tôi, việc liên kết này đòi hỏi Nhà nước phải đóng vai trò “nhạc trưởng” để có chính sách tốt. Ở Thái Lan, có Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã. Bộ này chi 50.000 baht hỗ trợ làm vốn đầu tiên cho HTX. Còn HTX ở Việt Nam rất khó làm ăn. Ở Việt Nam, Nhà nước nên chủ trì xây dựng một loạt mô hình liên kết sản xuất tại các địa phương. Ví dụ có thể lấy HTX Hòa Lộc làm trung tâm xây dựng chuỗi giá trị, lôi kéo các “đại gia” tham gia bán hàng; các viện, trường giúp nhà vườn sản xuất sản phẩm an toàn, giá thành hạ...”. Trong liên kết “bốn nhà”, có hai nhà quan trọng là nhà nông- sản xuất nguyên liệu và Nhà nước-ban hành chính sách. Nhà nông dần ý thức được vai trò của mình và có xu hướng sản xuất theo phương thức hiện đại, tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm để bán sản phẩm được giá cao. Tuy nhiên, việc tham gia còn yếu của Nhà nước trong thời gian qua phần nào làm chưa phát huy mối liên kết này.

Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam, Nhà nước cần đóng vai trò điều hành quan trọng và cùng với nhà khoa học hoạch định kế hoạch xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái, cây đặc sản... Bản thân “mỗi nhà” phải ý thức liên kết thì mới tính tới liên kết “bốn nhà”. Các doanh nghiệp cũng phải tự liên kết, không tranh giành buôn bán, vùng nguyên liệu... mà phải ngồi lại với nhau để bảo vệ quyền lợi của nhau và quyền lợi chung. Có như thế trái cây Việt Nam mới phát triển, mở rộng được thị trường.

Bài, ảnh: THÀNH NGUYỄN

Chia sẻ bài viết