15/06/2020 - 06:22

Bộ sưu tập áo dài tôn vinh đờn ca tài tử 

Lễ hội Áo dài - tôn vinh di sản và danh thắng Việt Nam - được tổ chức tại sân khấu thực cảnh Ký ức Hội An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ý tưởng xuyên suốt của lễ hội là 17 di sản và danh thắng nước ta, từ Hoàng thành Thăng Long, Phố cổ Hội An, đến Cồng chiêng Tây Nguyên, Đờn ca tài tử Nam bộ... sẽ được quảng bá qua tà áo dài. Huệ Thi (TP Cần Thơ) là nhà thiết kế duy nhất ở ĐBSCL vinh dự tham gia sự kiện này với bộ sưu tập “Hương sắc miền Tây”.

Nhà thiết kế Huệ Thi và nhạc công Trương Tài Linh mặc thử áo dài “Hương sắc miền Tây”.

Lễ hội Áo dài do nhà thiết kế Minh Hạnh khởi xướng, được sự đồng tình và hỗ trợ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương. Mục đích của lễ hội bên cạnh tôn vinh giá trị áo dài Việt Nam còn là sự kiện lan tỏa, tiến tới đề nghị công nhận Văn hóa áo dài là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Trong 17 nhà thiết kế tham dự sự kiện diễn ra tại Hội An, Huệ Thi có lẽ nhà thiết kế tuổi nghề còn non trẻ và chưa qua trường lớp đào tạo. Chị vốn công tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, là nhà thơ, nhưng rồi vì mê áo dài mà chị rẽ sang lĩnh vực kinh doanh thời trang. Nhà thiết kế Minh Hạnh thấy ở chị tình yêu áo dài và sự táo bạo, cách tân trong thời trang nên đã mời Huệ Thi tham gia sự kiện này.

Bộ sưu tập “Hương sắc miền Tây” của Huệ Thi gồm 15 bộ áo dài, chia làm 3 giai đoạn ứng với sự phát triển của đờn ca tài tử: mới có mặt trên mảnh đất phương Nam, lan tỏa trong đời sống cộng đồng và giai đoạn hiện đại. Mỗi giai đoạn, Huệ Thi chọn thể hiện chất liệu, hoa văn và kiểu dáng áo dài cho phù hợp. Điểm độc đáo nhất ở bộ sưu tập này chính là việc Huệ Thi chọn lãnh mỹ A và khăn rằn làm chất liệu chủ đạo. Để tôn vinh đờn ca tài tử đúng như “đề bài” Ban Tổ chức giao, Huệ Thi đã khéo léo kết hợp đường nét hoa văn trên áo dài kết hợp cho người mẫu cầm nhạc cụ khi biểu diễn. Nhà thiết kế Huệ Thi cho biết: “Đờn ca tài tử là tiếng lòng, là niềm tự hào của người phương Nam. Lãnh mỹ A là loại lụa trứ danh của miền Tây. Còn khăn rằn thì quen thuộc, đi khắp thế giới, hễ thấy khăn rằn là nhận biết đó là người miền Tây. Tôi muốn kết hợp những đặc trưng văn hóa này để giới thiệu đến bạn bè trong nước và quốc tế”.

Theo dõi suốt quá trình Huệ Thi thiết kế bộ sưu tập này, anh Trương Tài Linh, một nhạc công tài tử, rất vui vì đờn ca tài tử được tôn vinh qua áo dài truyền thống. Theo anh, khoác lên người chiếc áo dài độc đáo này rồi gảy mấy cung đàn, thật tự tin và nhiều cảm xúc. Ở khía cạnh văn hóa, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng cho rằng: Đây là cách quảng bá di sản độc đáo, mới lạ và xứng đáng được ghi nhận. Nhà thiết kế Huệ Thi đã khéo léo kết hợp giới thiệu nhiều đặc trưng văn hóa của ĐBSCL thông qua thời trang. “Những lễ hội và cách thiết kế như thế này rất cần được phát huy, như một cách khẳng định chủ quyền văn hóa cho áo dài Việt Nam”, ông Nhâm Hùng nhấn mạnh.

Theo dự kiến của Ban Tổ chức, Lễ hội áo dài tôn vinh di sản và danh thắng Việt Nam sau khi tổ chức ở Hội An sẽ lần lượt diễn ra tại Hà Nội, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh và đến với TP Cần Thơ vào khoảng tháng 9 năm nay.

Bài, ảnh: Đăng Huỳnh

Chia sẻ bài viết