19/06/2019 - 19:13

Bộ nhớ liên tục - cuộc cách mạng trong điện toán doanh nghiệp 

Lấp đầy khoảng trống giữa các bộ nhớ lưu trữ DRAM và SSD, bộ nhớ liên tục có khả năng biến đổi điện toán doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trữ và phục hồi dữ liệu.

Bộ nhớ liên tục là gì?

Bộ nhớ liên tục, còn được gọi là bộ nhớ lớp lưu trữ (SCM) là bộ nhớ có tốc độ nhanh và có thể truy cập trực tiếp như DRAM, SSD, nhưng có thể giữ lại dữ liệu lưu trữ ngay cả khi nguồn điện bị mất đột ngột do chủ ý hoặc vô tình.

Hiệu suất và độ tin cậy của bộ nhớ liên tục

Bộ nhớ liên tục cũng có thể được sử dụng để thay thế DRAM trong một số trường hợp cần tốc độ đáng kể. Với vai trò này, bộ nhớ liên tục có thể mang lại lợi ích hoạt động quan trọng, chẳng hạn như khởi động lại máy chủ cơ sở dữ liệu nhanh như chớp trong quá trình bảo trì, các tình huống khởi động lại máy khẩn cấp do mất điện và trục trặc không lường trước được.

Nhiều loại ứng dụng và cơ sở dữ liệu vận hành chiến lược khác nhau, đặc biệt là các loại yêu cầu độ trễ thấp, độ bền cao và tính nhất quán dữ liệu mạnh, có thể được hưởng lợi từ bộ nhớ liên tục. Công nghệ này cũng có khả năng tăng tốc lưu trữ máy ảo (VM) và cung cấp hiệu suất cao hơn cho các ứng dụng đám mây phân tán.

Với bộ nhớ liên tục, các trung tâm dữ liệu sẽ có điều kiện tốt nhất để đạt được hiệu suất nhanh hơn và độ trễ thấp hơn mà không bị gián đoạn truy xuất. Greg Schulz, nhà phân tích tư vấn cao cấp của Công ty Tư vấn lưu trữ độc lập StorageIO, cho biết: “Nó nhanh hơn so với lưu trữ kiểu flash NAND trạng thái rắn thông thường, nhưng bạn cũng nhận được lợi ích là nó vẫn tồn tại. Đó là điều tốt nhất mà chúng ta cần”.

Bộ nhớ liên tục cung cấp cho người dùng một khả năng lưu trữ đáng tin cậy và nhanh chóng hơn. Trong một thế giới công nghệ thông tin lý tưởng, tất cả dữ liệu liên quan đến một ứng dụng nằm trong bộ nhớ, để đạt được hiệu suất tối đa. Điều này thực tế không đạt được do các bộ nhớ hiện tại bị hạn chế và các bộ nhớ bị mất dữ liệu khi máy tính bị mất điện, trong khi với bộ nhớ SCM, dữ liệu vẫn tồn tại.

Chuẩn bị cơ sở hạ tầng lưu trữ cho bộ nhớ liên tục

Trước khi bước vào trang bị bộ nhớ liên tục phục vụ hạ tầng công nghệ thông tin của mình, các doanh nghiệp và tổ chức cần xác định vị trí chính xác của bất kỳ tắc nghẽn dữ liệu nào hiện có tại trung tâm dữ liệu của mình. Nhiệm vụ này phụ thuộc vào ứng dụng chính của đơn vị. Nếu có sự suy giảm hiệu suất đáng kể do sự chậm trễ liên quan đến quyền truy cập vào dữ liệu được lưu trữ trong bộ lưu trữ SSD hoặc HDD, thì một lớp bộ nhớ liên tục sẽ cải thiện hiệu suất. Tuy nhiên, một số ứng dụng có thể sẽ không được hưởng lợi từ bộ nhớ liên tục, chẳng hạn như các ứng dụng bị ràng buộc tính toán trong đó hiệu năng của CPU là nút cổ chai. Vì vậy, các nhà phát triển cần đánh giá các phần cơ bản của kiến ​​trúc lưu trữ và ứng dụng chính của mình. Điều quan trọng là các kỹ sư phải biết cách lập trình với bộ nhớ liên tục. Ví dụ làm thế nào để đảm bảo dữ liệu ghi được chuyển sang thiết bị bộ nhớ liên tục khi cần thiết, thay vì chỉ nằm trong bộ nhớ đệm CPU.

Ngoài ra, các phiên bản cũ hơn của hệ điều hành cũng có thể cần được cập nhật để phù hợp với công nghệ mới. Hiện nay các phiên bản hệ điều hành mới nhất đều hỗ trợ bộ nhớ liên tục.

Nhiều ứng dụng doanh nghiệp quan trọng, đặc biệt là cơ sở dữ liệu, đang trở nên cấp thiết trong ứng dụng bộ nhớ liên tục. Các nền tảng quản lý cơ sở dữ liệu trang bị bộ nhớ liên tục để xử lý dữ liệu, thực hiện giao dịch, phân tích nâng cao, giúp cung cấp thông tin chi tiết theo thời gian thực.

Về mặt thời gian, các doanh nghiệp và tổ chức công nghệ thông tin nên bắt đầu lập kế hoạch bộ nhớ liên tục cho đơn vị mình. Trước tiên là cần trao đổi với các nhà cung cấp dịch vụ để hiểu rõ công nghệ và các dịch vụ cung cấp, kế đến là lập kế hoạch với các yêu cầu hỗ trợ kỹ thuật, bao gồm các chế độ lưu trữ và quản lý bộ nhớ.

Nếu công nghệ bộ nhớ mới sớm được ứng dụng rộng rãi, chúng ta có thể thấy đây là sự khởi đầu của một kỷ nguyên mới cho doanh nghiệp và các trung tâm dữ liệu, hứa hẹn một sự thay đổi lớn trong thời gian tới.

Hoàng Thy (Theo Network World)

Chia sẻ bài viết