22/10/2010 - 21:28

Bộ mặt mới ở một xã vùng sâu

Nhà Văn hóa xã Trường Thành đang ở giai đoạn hoàn tất.

Đến xã Trường Thành, huyện Thới Lai trong những ngày này, ngoài công việc đồng áng, chính quyền và bà con cũng đang tất bật chỉnh trang lại cảnh quan môi trường, hoàn thiện các thiết chế văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự... Mỗi người một việc nhưng ai ai cũng mong muốn Trường Thành được công nhận danh hiệu “Xã Văn hóa” vào cuối năm 2010.

* Nét đẹp làng quê

Xã Trường Thành là một xã vùng sâu của huyện Thới Lai, có 10 ấp với diện tích tự nhiên gần 1.900ha. Bà con trong xã phần lớn làm ruộng, vườn, số ít buôn bán nhỏ, tiểu thủ công nghiệp. Những năm gần đây, nhất là từ khi xã phấn đấu xây dựng đơn vị văn hóa, diện mạo của xã vùng sâu này có nhiều đổi thay, đời sống người dân được nâng cao, làng xóm ngày càng sạch đẹp hơn.

Hôm chúng tôi đến, bà con ở rạch Lò Mo, ấp Trường Tây đang tất bật phát quang để kịp giao mặt bằng cho nhà thầu thi công con đường. Đây là con đường nối liền đến các ấp cuối cùng của xã. Tuyến đường Lò Mo có chiều ngang 2m, dài hơn 2.500m, được làm theo phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”: chính quyền góp 40%, người dân góp 60%. Tuyến đường này hoàn thành sẽ giúp việc đi lại của bà con trong xã dễ dàng. Đặc biệt, đây còn là con đường hoàn thiện hệ thống giao thông trong xã, dẫn vào Khu căn cứ huyện ủy Ô Môn nên càng có ý nghĩa hơn.

Trước đây, đường sá, cầu cống trong xã còn lầy lội, cỏ cây mọc um tùm. Vì là vùng sâu nên nhà cửa cũng còn thưa thớt. Nhưng năm nay, khắp xã là những con đường tráng nhựa, bê tông thẳng tắp, thoáng đãng sạch đẹp, ven đường trồng hàng rào cây xanh rất đẹp mắt. Những ngôi nhà tường khang trang mọc lên ngày càng nhiều, xe gắn máy dập dìu như đánh thức nhịp sống nơi làng quê. Xã Trường Thành có rất nhiều kinh rạch nhưng luôn trong xanh, không thấy rác thải...

Dọc hai bên trục lộ chính của ấp Trường Trung, xã Trường Thành là những vườn nhãn xanh tươi, hàng rào cây xanh. Được biết, con đường này được chọn xây dựng “Tuyến đường có cảnh quan đẹp” của ấp và cũng là tiêu biểu của xã.

Chợ Ba Mít - chợ trung tâm của xã Trường Thành – có rất đông người mua bán vào buổi sáng sớm. Sự náo nhiệt, sôi động, các dãy nhà, ki-ốt, hàng quán cũng mọc lên san sát nhau, tấp nập kẻ mua người bán nhưng đã thể hiện được nét văn minh tuy vẫn giữ được nét gần gũi của một chợ quê. Bà con tiểu thương trong chợ cho biết, tình hình trật tự ở chợ luôn được đảm bảo. Chợ Ba Mít đã được chính quyền đầu tư khá chu đáo về xây dựng hệ thống thoát nước, nơi tập trung rác thải, giữ được cảnh quan sạch đẹp, vệ sinh. Ban quản lý chợ đã sắp xếp nơi đậu xe, bến đậu xuồng ghe cho người đi chợ ngăn nắp. Xe ôm ở chợ có bến bãi riêng, không xảy ra tình trạng đậu đỗ lộn xộn, tranh khách.

Đối diện trụ sở UBND xã là Nhà Văn hóa xã Trường Thành sắp hoàn thành có diện tích khuôn viên gần 4.000m2 với đầy đủ các phòng chức năng kết hợp với sân khấu ngoài trời sẽ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể thao của nhân dân địa phương. 9/10 ấp trong xã cũng đã có Nhà thông tin, 10/10 ấp của xã đều được công nhận “Ấp văn hóa”. Các phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Gia đình hiếu học”, phong trào “Bảo vệ an ninh Tổ quốc”... luôn được duy trì và được bà con đồng tình hưởng ứng. Từ một xã khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, chỉ trong vài năm qua, chính quyền và nhân dân đã cùng nhau làm thay đổi bộ mặt của xã vùng sâu Trường Thành, tạo nên một diện mạo mới cho vùng quê.

* Nếp sống mới

Điều đáng ghi nhận ở xã Trường Thành bên cạnh nét hiền hòa, đằm thắm của một vùng quê, bà con ở đây sống với nhau bằng cái nghĩa, cái tình, sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn. Chuyện cho nhau mượn vốn làm ăn, cây con giống sản xuất là chuyện bình thường ở địa phương. Những trường hợp khó khăn, bệnh tật được xóm giềng quan tâm chia sẻ, giúp đỡ. Điển hình như trường hợp bà Hồ Thị Muối, ngụ ấp Trường Trung, gia đình nghèo, hai vợ chồng lại mắc bệnh nan y. Từ khi hai vợ chồng bị tai nạn giao thông, gia cảnh càng túng quẫn. Hội Phụ nữ xã đã trích quỹ tương trợ và vận động giúp gia đình bà Muối hơn 1,6 triệu đồng. Bà con lối xóm thì luôn lui tới thăm hỏi, giúp đỡ và động viên tinh thần vợ chồng bà Muối.

Xa trung tâm nên người dân Trường Thành ít có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ giải trí. Bà con đã thành lập CLB đờn ca tài tử để làm nơi vui chơi, giải trí sau những giây phút lao động vất vả bên mảnh vườn, thửa ruộng. Ông Lê Văn Phương, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Thới Lai, cho biết: “Xã Trường Thành có phong trào văn hóa văn nghệ rất mạnh qua hoạt động của các CLB. Những CLB này là nhân tố mới cho phong trào văn hóa văn nghệ của huyện Thới Lai”. Hiện 10/10 ấp của xã đều có CLB đờn ca tài tử, hoạt động đều đặn hằng tuần. Các CLB đều do người dân tự lập ra, hoạt động theo phương thức xã hội hóa. Những ngày cuối tuần, rảo quanh qua các ấp, đâu đâu cũng nghe những tiếng hát, tiếng đàn...

Xã đã lập ra 53 tổ nhân dân tự quản ở 10 ấp. Bà con đã phân công nhau thường xuyên tuần tra canh gác để giữ gìn an ninh trật tự. Trước kia, trong xã cũng lâm râm xuất hiện tệ nạn số đề, đá gà, ăn cắp vặt... Chính quyền và các đoàn thể cùng nhân dân đã uốn nắn, giáo dục các đối tượng. Kiểm tra sâu sát để giảm thiểu những tệ nạn. Địa bàn xã giáp ranh với xã Trường Long và xã Tân Thới của huyện Phong Điền, chính quyền các xã phối hợp chặt chẽ bảo vệ an ninh trật tự rất hiệu quả trên tinh thần cộng đồng, trách nhiệm. Nhờ vậy mà nhiều năm liền, Trường Thành đạt tiêu chuẩn “Xã 3 không”.

Các đoàn thể của xã Trường Thành đều lập ra quỹ vốn xoay vòng, thường xuyên tổ chức các lớp dạy nghề và triển khai nhiều hoạt động vì bà con nghèo. Bà con thì thành lập các Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để tương trợ nhau trong việc làm nông, vừa giúp tăng năng suất lại vun bồi thêm tình làng nghĩa xóm.

* Phấn đấu trở thành xã văn hóa

Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Trường Thành quyết tâm và nỗ lực rất lớn để cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Người dân đã hình thành ý thức xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa để xã được công nhận “Xã Văn hóa” vào cuối năm 2010. Chính quyền và nhân dân các ấp rất quan tâm đến việc giữ gìn và chăm sóc cảnh quan môi trường. Đặc thù của địa phương là vườn cây ăn trái nên cỏ mọc nhiều, bà con đã chủ động dọn dẹp thường xuyên. Chuyện chỉnh trang đường sá, dọn dẹp rác thải, làm lại hàng rào bị hư hỏng cũng là nếp sống hằng ngày của bà con. Ông Đỗ Hải, ngụ ấp Trường Thạnh A, bộc bạch: “Trường Thành được công nhận xã văn hóa là mong mỏi của tất cả chúng tôi. Việc làm cụ thể của từng gia đình như quét dọn, làm cỏ phần đất của mình, chăm sóc hàng rào cây xanh... tuy không tốn nhiều công sức và thời gian nhưng sẽ góp phần làm đẹp quê hương. Bà con mong xã đạt danh hiệu văn hóa vào cuối năm 2010 thì Tết này sẽ vui hơn gấp bội!”.

Hiện nay, Đảng ủy, UBND xã đã thành lập được 3 đội lao động chuyên đi làm vệ sinh cảnh quan môi trường luân phiên ở các ấp. Ông Trần Văn Na, cán bộ văn hóa của xã, nói: “Cứ hễ đội lao động làm tới đâu là bà con lại xách chổi, xách dao ra làm theo tới đó. Bà con còn tháp tùng theo đội đi làm dài theo xóm. Thuận lợi lớn nhất của chúng tôi trong xây dựng xã văn hóa là sự đồng tình ủng hộ rất cao của bà con”.

Ban chỉ đạo PTTDĐKXDĐSVH xã Trường Thành đang kết hợp với Ban vận động từng ấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn sâu rộng đến từng hộ dân các tiêu chuẩn xây dựng đời sống văn hóa mới, giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa” với nhiều buổi họp mặt, đối thoại ở các tổ nhân dân tự quản, chi bộ các ấp, đoàn, hội, CLB... song song với các nhóm tuyên truyền đến từng hộ dân vận động bà con để duy trì sinh khí phong trào.

***

Ông Lê Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Thành, tin tưởng: “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Trường Thành đang chạy nước rút, khắc phục những điểm yếu, để đạt chuẩn xã văn hóa vào cuối năm 2010. Đó không chỉ là hình thức mà sẽ là động lực thúc đẩy sự phát triển của Trường Thành”.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết