Truyện ngắn VŨ NGỌC GIAO
Thật ra nó tên Đen, mới sinh ra nó đã đen như cục than hầm, mẹ nó lấy tên Đen đặt luôn. Mẹ nó bán bò kho ở đầu hẻm, sáng nó giúp mẹ kê bàn ghế ra vỉa hè, khách đến ăn chừng chín giờ là hết, nó dọn vào. Mẹ ngồi bán, còn nó chạy như con thoi. Khách thường ngồi nhà gọi, mưa gió gì nó cũng mang tới nơi. Nó hiền lành, chịu khó nên ai cũng thương. Khách thấy nó toàn gọi “Ê! Bò kho!”, lâu dần thành tên nó lúc nào chẳng hay. Ba thằng Bò Kho chết trong một lần đi châm cá, lúc nó mới sáu tuổi.
Với thằng Bò Kho thì việc khó nhất trên đời là học. Không phải nó không muốn học, mà là chữ nhất định không chịu vào đầu. Tối nào nó cũng lấy tập sách ra ngồi ê a, xong đứng lên là “chữ rớt xuống” đó là nói theo cách mẹ nó. Học chữ thì khó khăn vậy chứ nó lanh lợi, thấy ai làm gì, nhìn qua một lần nó bắt chước được ngay.
Chị Tâm, mẹ thằng Bò Kho, đã ngoài bốn mươi, hơi đẫy đà nhưng gương mặt đẹp và đằm thắm, tóc chị dài bới cao phô cái cổ trắng ngần. Nhiều bác tới ăn kiếm cớ ngồi luôn tới trưa. Nhìn qua là Bò Kho biết bác nào đang để ý mẹ. Nó biết người ta thấy mẹ đẹp, lại không chồng nên lân la. Nhiều bác kiếm cớ đến ăn là để ngắm mẹ. Nó biết tỏng, nhưng tâm lý lắm, thấy các bác đến nó luôn kéo ghế mời ngồi rồi bỏ đi.
Dạo này một ông cụ làm nghề nhặt ve chai thường đến đầu hẻm, ông ngồi bên vỉa hè soạn mớ ve chai vừa nhặt được rồi tiện thể nghỉ ngơi. Trông ông khắc khổ, đi lại khó khăn vì một bên chân bị thương, vết thương có lẽ lâu ngày không vệ sinh nên lở loét, thối inh lên. Lần nào ngồi nghỉ ông cũng loay hoay giở cái vết thương ra ngắm nghía, ruồi nhặng đánh hơi vo ve xung quanh, ai đi qua cũng quay mặt, đi cho nhanh. Mấy quán ăn bên vỉa hè thấy ông, ban đầu thì thương, cho tiền ông rồi “đuổi khéo”. Sau cứ hễ thấy ông xuất hiện, họ xua đuổi ông đến tội. Bò Kho chứng kiến hết, nó thương ông lắm. Mỗi khi thấy bóng ông tập tễnh từ xa, nó lại xin mẹ dĩa bò kho mang đến cho ông.
Bữa nọ mang đồ ăn cho khách về, nó nhìn thấy ông đang lết trên đường, đôi vai thõng xuống, cái chân bị thương kéo rê trên mặt đường nóng rẫy. Nó dừng xe lại, đỡ ông lên. Lập cập một hồi ông cũng ngồi lên được phía sau. Bò Kho gò lưng đạp, cái thân hình gầy nhẵng trông vậy mà khỏe, nó chở ông về đến nhà. Nhà ông là một phòng trọ được ngăn lại, rộng chừng mười mét vuông, một chiếc giường ọp ẹp kê sát tường.
Từ ngày đó, ông tỏ ra thân thiết với Bò Kho hơn, lần nào thấy nó ông cũng móm mém cười. Tiền tiêu vặt mẹ cho, nó cất để dành, gặp ông là nó dấm dúi cho ông. Những lúc như thế, ông ngước nhìn nó rưng rưng. Mẹ Bò Kho bực bội ra mặt, khách đến ăn vừa ngồi xuống đã chực đứng lên đi vì mùi hôi xông ra từ vết thương ở chân ông. Lần nào mẹ nó cũng vội vàng móc tiền ra cho ông, giọng cấm cảu “Ông ngồi đây con mất khách hết!”. Vậy là ông lại đứng lên tập tễnh đi. Bò Kho chỉ biết đứng lặng nhìn.
Bẵng đi hơn nửa tháng không thấy ông, mọi người đầu hẻm thở phào nhẹ nhõm. Hôm đó dọn hàng cho mẹ xong, Bò Kho vội vã đạp xe đến nhà ông. Nó luồn lách một hồi, qua những con hẻm ngoằn ngoèo lông chông đá, lổn nhổn những ổ gà, cuối cùng cũng đến được căn nhà trọ. Bò Kho đứng bên ngoài nhìn vào thấy ông đang ngồi dưới sàn nhà ăn cơm, vừa ăn ông vừa lúi húi đếm những đồng tiền lẻ vừa kiếm được.
- Ông ơi!
Nó gọi mà mừng vì thấy ông vẫn khỏe mạnh. Ông ngẩng lên, nhìn thấy nó, thoáng ngạc nhiên nhưng mừng nhiều hơn. Ông cười, lộ hàm răng đã rụng hơn một nửa.
- Vô đây con! - Ông ra dắt nó vào nhà.
- Lâu quá không thấy ông, con tưởng ông đau.
- Ừ, ông đi hướng kia, người ta ít đuổi ông hơn - Ông nói, gương mặt cúi xuống buồn rầu.
Bò Kho ngồi chơi với ông, nó nhìn quanh căn phòng ẩm thấp rồi lại nhìn ông, ngậm ngùi thương. Một lát Bò Kho đứng lên về, ra đến cửa nó quay lại dúi vào tay ông hai chục ngàn mẹ cho sáng nay.
- Ông cất đi, để mua cơm - Bò Kho lí nhí.
- Ông… ông có rồi, đừng cho ông nữa... - Ông cụ nhìn nó, mắt ngân ngấn nước.
Không đợi ông nói hết câu Bò Kho đã lên xe phóng đi. Ra đến đường cái nắng chang chang, nó sực nhớ cái nón vải còn để quên ở nhà ông, nó quay lại. Lần này nó vào đến cửa ông vẫn không hay. Một mùi hôi thối quen thuộc xông lên, ông đang loay hoay băng bó cái chân đau. Nó rưng rưng nhìn cái chân ông thương cảm. Bỗng mắt nó dừng lại lâu hơn ở bắp chân ông, cái bắp chân lành lặn không có dấu hiệu của lở loét. Nó trố mắt nhìn, dưới sàn nhà la liệt bông băng và xác những con cá nhỏ còn vương vãi, bốc mùi tanh. Ông lấy cá cho vào dải băng, quấn quanh chân, xong thả cái ống quần rách tướp xuống. Nó đứng sững nhìn cảnh tượng đang diễn ra trước mắt, gương mặt nó dại đi. Ông đứng lên đi ra, nhìn thấy nó, ông giật mình lắp bắp:
- Ông… ông…
Nhưng không kịp nữa rồi, Bò Kho gục xuống bậu cửa, lịm đi mặc cho ông gọi tên nó. Lúc lâu nó ngẩng lên nhưng không nhìn ông, bật khóc nức nở. Bò Kho khóc như mưa như gió, khóc còn hơn cái ngày nhìn thấy người ta khiêng xác cha nó về trong đêm.
Ông đứng như trời trồng. Ông thảng thốt nhận ra tình yêu thương trong trẻo nó dành cho ông đã bị ông giẫm lên. Liệu rồi mai này nó có còn lòng thương những người nghèo khổ nữa không? Đầu ông gục xuống, nước mắt giàn giụa.
- Tha lỗi... cho ông… Bò Kho!
Đôi vai Bò Kho vẫn rung lên. Ông lại gần chìa tay về phía nó. Chỉ một bước nữa thôi nhưng ông không dám chạm vào nó. Bỗng Bò Kho đứng lên lao ra ngoài, nước mắt vẫn tèm lem. Ông thẫn thờ nhìn theo vóc dáng nhỏ bé của nó loạng choạng như chú chim trúng đạn. Ông mếu máo bật khóc.
* * *
Cả tuần liền Bò Kho sốt. Chị Tâm lo lắng bỏ luôn hàng quán, ở nhà chăm con. Nhìn con rũ ra, trán chườm khăn lạnh phải thay liên tục, đôi mắt sưng đỏ, chị gặng hỏi gì con cũng không nói, chỉ an ủi chị:
- Con sẽ mau khỏi thôi, mẹ đừng lo - Nói rồi Bò Kho quay mặt vào tường thiếp đi, không kịp ăn bát cháo chị vừa nấu xong.
Hôm sau Bò Kho đỡ sốt, nó đã chịu ngồi dậy ăn. Chị Tâm âu yếm nhìn con, đứa con ai gặp một lần cũng khen ngoan.
Có tiếng dép loẹt quẹt ngoài cửa, chị Tâm nhìn ra, là ông cụ nhặt ve chai hôm nào.
- Tôi… tôi đến thăm cháu - Giọng ông run run.
Ông vào, đến bên giường Bò Kho đang nằm thiêm thiếp, ông cúi xuống nắm bàn tay nó bóp nhẹ. Bò Kho mở mắt, ngạc nhiên nhìn ông.
- Ông xin lỗi con, đến đây ông mới biết con đau!
Ông nhìn vào đôi mắt trong veo của nó. Bò Kho nằm yên nhìn lên trần nhà, nó để yên bàn tay trong tay ông ấm nóng. Chị Tâm không hiểu chuyện gì nhưng cũng để cho ông cháu tự nhiên.
- Ông sai rồi… tha lỗi cho ông… ông không làm thế nữa!
Nước mắt ông lại ứa ra trên đôi gò má đen sạm. Bò Kho ngồi dậy, đưa tay quệt nước mắt cho ông, không dưng nước mắt nó cũng ứa ra. Đến lượt ông lại quệt nước mắt cho nó. Hai ông cháu nhìn nhau hồi lâu rồi cùng nhoẻn miệng cười. Bò Kho cười khoe hàm răng đều tăm tắp, ông cười khoe hàm răng rụng hơn một nửa.
- Từ mai ông có việc làm rồi, ông không làm cái nghề đó nữa! - Ông khoe. Ánh sáng từ đôi mắt và miệng cười cười khiến gương mặt đen sạm của ông bừng sáng, trẻ thơ.
Bò Kho tỉnh táo hẳn, nó dắt ông ra công viên gần nhà, chỉ cho ông cái tổ chim đang lúc lỉu trên cành phượng vĩ. Ông ngước lên nhưng có thấy được gì đâu vì cao quá, nhưng cũng gật gật cho Bò Kho vui:
- Ừ, ông thấy rồi… thấy rồi…!
Công viên nhuộm một màu vàng rượi của nắng cuối thu. Dưới vòm cây vẫn còn râm ran tiếng ve dù mùa hè đã qua. Thỉnh thoảng ông quay sang Bò Kho, đôi mắt trong veo của nó đang bận nhìn tổ chim trên cành phượng vĩ. Bò Kho có biết, mai ông sẽ tạm biệt nó, về quê. Ông sẽ mua một đàn vịt con, ngày ngày ông sẽ dắt chúng đi ăn ở cái ao đầu làng, chẳng mấy chốc đàn vịt con sẽ lớn...
Những tia nắng còn sót lại của buổi chiều lọt qua kẽ lá, nghịch ngợm nhảy nhót quanh hai ông cháu, Bò Kho mơ màng nhìn những bông nắng, nó quay sang ông thỏ thẻ:
- Ông ơi! Hôm nào mình về quê ông chơi đi!