23/10/2011 - 20:21

Biết mình cần gì, mời gọi đầu tư mới hiệu quả

Hằng năm, ĐBSCL đóng góp gần 20% vào GDP cả nước, nhưng nơi đây vẫn là vùng trũng trong thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài, dù ĐBSCL đang xuất siêu các sản phẩm nông sản (tôm, cá tra, gạo). Các sản phẩm của vùng đa số xuất khẩu dạng thô, nên giá trị gia tăng không cao và không hấp dẫn nhà đầu tư. Trong khi đó, việc quảng bá hình ảnh đầu tư cho vùng còn nhiều hạn chế, thiếu “nhạc trưởng” trong vai trò đầu tàu để khởi nguồn liên kết. Môi trường đầu tư của vùng được cải thiện so với trước, nhưng vẫn còn tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh của nhiều doanh nghiệp.

Tại hội nghị hợp tác kinh tế quốc tế vùng ĐBSCL vào chiều 20-10 trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC Cà Mau 2011) bàn về thực trạng hợp tác kinh tế quốc tế vùng đã thu hút hàng trăm đại biểu là đại diện lãnh đạo của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng và doanh nghiệp ĐBSCL, nhà đầu tư nước ngoài tham dự. Hội nghị nêu lên những yếu kém trong liên kết của cộng đồng doanh nghiệp, chưa có nhiều dự án mời gọi đầu tư lớn. Nhiều địa phương chưa xác định cụ thể lĩnh vực mình cần mời gọi đầu tư, nên công tác xúc tiến hiệu quả không cao. Theo ông Trịnh Minh Tú, Ủy ban quốc gia về Hợp tác Kinh tế quốc tế, các địa phương không nhất thiết phải xúc tiến đầu tư rầm rộ ra nước ngoài, mà có thể tìm hiểu thông tin qua các tham tán thương mại các nước tại Việt Nam, tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài, hoặc thông qua các website... Song, quan trọng là phải biết mình đang cần gì để mời gọi hiệu quả hơn.

Theo bà Nguyễn Phương Nga, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, là một trong 7 vùng kinh tế trọng điểm cả nước, nhưng những đóng góp của doanh nhân, kiều bào vào ĐBSCL vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Tính đến cuối năm 2010, nguồn vốn đầu tư của các kiều bào vào vùng chưa tới 1 tỉ USD, thấp so với lượng đầu tư cả nước. Các lĩnh vực kiều bào đầu tư chủ yếu là nông nghiệp, du lịch, chưa nhiều dự án công nghiệp và thương mại. Bà Nga cho rằng, các địa phương trong vùng chưa thực sự quan tâm mời gọi trí thức, kiều bào đầu tư vào vùng, chưa tận dụng được nguồn lực này để kết nối trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa của ĐBSCL ra nước ngoài. Trong khi kiều bào về nước đầu tư vẫn bị xem là nhà đầu tư nước ngoài, nên không được hưởng ưu đãi như nhà đầu tư trong nước. Năm 2010, chỉ có 40 trí thức kiều bào về ĐBSCL làm việc, trong khi đây là lực lượng có thể kết nối đưa hình ảnh của ĐBSCL ra thế giới rất hiệu quả.

Tại diễn đàn hợp tác kinh tế quốc tế, nhiều trí thức, doanh nghiệp kiều bào bày tỏ mong muốn được hợp tác đầu tư tại ĐBSCL, bởi ĐBSCL có số lượng Việt kiều sinh sống ở nước ngoài khá đông. Trung bình 1 năm, lượng tiền mà kiều bào nước ngoài gởi về Việt Nam hơn 8 tỉ USD, nhưng nguồn tiền này lại phân tán trong gia đình người thân của kiều bào, nên hiệu quả sử dụng nguồn vốn không cao, do dòng vốn “chảy” không đúng hướng đầu tư. ĐBSCL rất giàu tiềm năng để phát triển, nhưng nếu không thay đổi tư duy trong mời gọi đầu tư thì khó mà thuyết phục kiều bào, nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết