23/08/2021 - 13:20

Biệt đội lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 

“Cô ngồi thẳng lưng, hít thở nhẹ, ngửa đầu ra sau, con lấy mẫu nhanh lắm” - em sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, thành viên đội lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở điểm lấy mẫu tại UBND phường An Hòa, quận Ninh Kiều, động viên một người dân lớn tuổi có biểu hiện căng thẳng khi đi lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng.

Hân cùng các bạn trong đội lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: NVCC

Hân cùng các bạn trong đội lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại huyện Vĩnh Thạnh. Ảnh: NVCC

Chị Nguyễn Thị Diễm Phượng ở trọ tại đường Võ Trường Toản, quận Ninh Kiều, kể: “Khu vực tôi ở thông báo lẫu mẫu xét nghiệm cộng đồng. Tối trước ngày lấy mẫu, hồi hộp không ngủ được. Tới nơi, tôi chỉ hơi nhột nhột. Mấy em làm nhẹ nhàng, sát khuẩn tay rất kỹ, nên mình cũng an tâm”. Cả 3 lần đi lấy mẫu, chị Phượng cùng người dân xóm trọ đều đi sớm, tuân thủ hướng dẫn của cán bộ tại điểm lấy mẫu. Chị Lê Thị Ánh, ở trọ gần chị Phượng cho biết: “Ban đầu sợ lắm. Nhưng nghĩ thương mấy em sinh viên nắng nóng mà mặc đồ bảo hộ kín mít, nhịn ăn, nhịn uống nên mình cố gắng”.

Hiểu được tâm lý căng thẳng, lo lắng của người dân nên các bạn sinh viên tham gia đội lấy mẫu vừa trấn an tinh thần, cũng vừa hết sức nhẹ nhàng. Em Nguyễn Thị Kim Hân, sinh viên Y khoa năm thứ 4, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, nói: “Sáng chúng em dậy sớm, tranh thủ vệ sinh cá nhân, ăn uống rồi xuống điểm lấy mẫu. Mặc đồ bảo hộ là xác định nhịn ăn, uống, đi vệ sinh. Cố gắng làm thật nhẹ nhàng, chính xác, cẩn thận, an toàn cho người dân. Nếu người dân lo lắng lây nhiễm khi lấy mẫu thì ôn tồn giải thích, vì họ biết lo cho sức khỏe của mình và cộng đồng nên em không thấy phiền”.

Trước nay chỉ biết học, không phải làm gì, mọi việc đã có cha mẹ lo, giờ đây Hân cùng 1.200 sinh viên của Trường Đại học Y Dược Cần Thơ đăng ký tình nguyện dấn thân phục vụ cộng đồng. Em cùng đội xuống tận thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh để lấy mẫu cho người dân. Đội của Hân có 4 người, mỗi ngày lấy mẫu cho  600-900 người dân. Mặc đồ bảo hộ liên tục 4 tiếng, rồi thay ra, ăn uống, nghỉ ngơi khoảng 2 tiếng rồi tiếp tục 4 tiếng. Dưới trời nắng nóng, mồ hôi ướt đẫm, khát nước. Trong ngày đầu, Hân và các bạn trong đội đuối sức, nhưng chỉ qua 1-2 ngày, đội dần quen và bắt nhịp rất nhanh. Niềm vui khi giúp bà con đã xóa nhòa mọi vất vả.

Từng đi tình nguyện ngay đợt đầu ở tâm dịch tỉnh Đồng Tháp, đợt này Nguyễn Nhật Tín, sinh viên ngành Y học dự phòng khóa 43, tham gia lấy mẫu xét nghiệm ở huyện Phong Điền lại có những trải nghiệm khác biệt. Đặc thù ở nông thôn, người dân đến rất sớm. Hơn 5 giờ sáng đã có người đến, Đội chưa kịp chuẩn bị, chờ lâu nên dân phiền hà. Tín kể: “Bọn em đi làm là xác định phục vụ cho cộng đồng nên cố gắng trao đổi với địa phương, với cô bác để hoàn thành tốt nhất việc lấy mẫu. Ngày làm, tối về họp với thầy cô, giặt giũ quần áo, soạn đồ cho ngày mai... có khi đến 12 giờ mới xong. Sáng mai phải dậy sớm. Cực nhưng rất vui vì được góp sức cho cộng đồng, được trải nghiệm và được làm việc với những người cùng chí hướng”.

Trải nghiệm những ngày tình nguyện, Nguyễn Nhật Tín sáng tác, hát bài “COVID 19 tuổi”. Bài hát với ca từ mộc mạc, với lăng kính của sinh viên tình nguyện chống dịch đã lay động người nghe: “Mọi nơi như đang yên ổn. Bất ngờ thì cô ghé ngang. Làm cho nôn nao cả xóm. Làm cho ai nấy hoang mang”. Trước bao lời khen chê về công tác chống dịch, Tín bật lên câu hát: “Việt Nam!!!.... ta tuy không lớn. Nhưng mà ta không bỏ ai. Chung tay góp sức để cứu lấy ngày mai. Nhận bao lời khen chê. Bao là hoài nghi. Nhưng ta vẫn làm tốt việc mình. Nhận bao lời khen chê. Bao là hoài nghi. Việt Nam ta vẫn chiến đấu...”.

Mặc dù đằng sau những chuyến đi lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng của những sinh viên tình nguyện là ánh mắt âu lo, nhưng đầy tự hào của các bậc làm cha mẹ. Tín kể: “Cha mẹ em cũng rất lo, nhưng thấy con muốn góp sức cho cộng đồng nên cha mẹ ủng hộ”.

Theo cô Ngô Phương Thảo, Trưởng Phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, trong chiến dịch lấy mẫu cộng đồng, nhà trường đưa 1.200 sinh viên hỗ trợ các quận, huyện. Địa phương bố trí ăn, ở cho các em. Trước đó, nhà trường tổ chức tập huấn rất nhiều lần cho các em. Trước khi ra quân, trường tiếp tục tập huấn nhắc lại lần nữa từng nội dung và xét nghiệm COVID-19 trước khi đi. Sau đó định kỳ 3 ngày xét nghiệm một lần. Các đội đi, nhà trường có cử cán bộ đi cùng để hỗ trợ các em.

Thành phố vừa kết thúc 9 ngày của chiến dịch xét nghiệm cộng đồng. Các em sinh viên vẫn tiếp tục ở lại chờ lấy mẫu cộng đồng đợt 4. Hân chia sẻ: “Những ngày này tuy vất vả, nhưng bọn em rất vui vì cống hiến sức trẻ cho cộng đồng. Đây là kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời sinh viên và sẽ là hành trang để chúng em trở thành thầy thuốc sau này”.

H.HOA

Chia sẻ bài viết