14/01/2021 - 08:58

Biến vỏ tôm, cua thành nhựa sinh học 

Từ các loại phế thải thủy sản tưởng chừng như bỏ đi, nhóm sinh viên Trường Đại học (ĐH) Trà Vinh đã biến chúng thành những sản phẩm sinh học mang tính ứng dụng cao, góp phần bảo vệ môi trường.

Nhóm của Nguyễn Phương Khánh đang nghiên cứu tái chế phế thải thủy sản thành nhựa sinh học. Ảnh: H.N

Tận dụng phế thải

Bạn Nguyễn Phương Khánh, sinh viên Lớp ÐH Hóa học ứng dụng khóa 2016, kể quê bạn ở xã Long Vĩnh (huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) - vùng nuôi trồng thủy sản chủ yếu của tỉnh Trà Vinh, đặc biệt là nuôi tôm. “Gia đình tôi cũng có 6ha nuôi tôm. Trong quá trình nuôi, rất nhiều vỏ tôm được người dân vớt từ đáy ao lên bờ không có giải pháp xử lý, gây ô nhiễm môi trường, nên tôi có ý tưởng tận dụng vỏ tôm, cua này để tạo ra sản phẩm nhựa sinh học, trước mắt góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường” - Phương Khánh kể.

Theo Phương Khánh, ÐBSCL nói chung và tỉnh Trà Vinh nói riêng có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản. Hằng năm, lượng lớn vỏ tôm, cua từ chăn nuôi thải ra rất nhiều, chưa được tận dụng, gây ảnh hưởng lớn đến môi trường. Từ mong muốn góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, năm 2018, Phương Khánh cùng với Huỳnh Hoàng Khang, sinh viên lớp ÐH Quản trị Kinh doanh khóa 2018 và Chung Mỹ Phúc, sinh viên lớp ÐH Ngôn ngữ Anh khóa 2017, bắt đầu thành lập nhóm nghiên cứu để tận dụng vỏ tôm, cua làm dự án “Sản phẩm nhựa sinh học tái chế từ phế thải thủy sản”.

Sau khi triển khai thực hiện, đến tháng 6-2020, nhóm của Khánh mới hoàn thiện quy trình và có được những sản phẩm bằng nhựa sinh học như ly, đĩa, bát, đũa, muỗng được tái chế từ vỏ tôm, cua, ghẹ... “Mục đích chính của dự án này là sản xuất các vật dụng bằng nhựa sinh học như: ly, đĩa, bát, đũa, muỗng… từ phế thải thủy sản như: vỏ tôm, vỏ cua, vỏ ghẹ… Các sản phẩm này góp phần thay thế dần các sản phẩm nhựa hóa học khó phân hủy, gia tăng giá trị ngành sản xuất và nuôi trồng thủy sản, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân” - Phương Khánh cho biết thêm.

Bảo vệ môi trường

Theo Hoàng Khang, thành viên nhóm nghiên cứu, để chế tạo sản phẩm, các thành viên của nhóm phải thu gom nguyên liệu từ ao nuôi tôm của bà con nông dân rồi sơ chế bằng cách rửa và sấy hoặc phơi khô. Sau đó, dùng máy nghiền, rồi loại bỏ các chất khoáng, protein; cuối cùng là phối trộn để tạo thành nhựa sinh học. Trong sản phẩm hoàn chỉnh, vỏ tôm chiếm 65%, còn lại là các chất khác (nhựa, bột màu, dầu hóa dẻo...), không có mùi hôi. Một số sản phẩm nhựa sinh học mà nhóm nghiên cứu hướng đến để sản xuất là ly, cốc, đĩa, muỗng, đũa, ống hút… Khoảng 100g nguyên liệu (vỏ tôm và các chất phụ gia khác) sẽ sản xuất được 10 ly hoặc khay nhựa, có giá thành khoảng 10.000 đồng. Ðặc biệt, nhóm hướng đến các sản phẩm có giá trị cao như đế giày, đồ dùng trẻ em và thiết bị y tế. Do sản phẩm nhựa có nguồn gốc tự nhiên nên thân thiện môi trường, đảm bảo an toàn sức khỏe con người và góp phần giải quyết vấn đề rác thải tại địa phương.

Sản phẩm cốc nước được làm từ vỏ tôm. Ảnh: H.N

Theo Tỉnh đoàn Trà Vinh, năm 2020, có 5 ý tưởng, dự án khởi nghiệp về lĩnh vực môi trường được Tỉnh đoàn hỗ trợ và kết nối để hiện thực hóa. Trong đó có sản phẩm nhựa sinh học tái chế từ phế thải thủy sản. Sau khi các dự án khởi nghiệp tham gia đoạt giải cao trong các cuộc thi và có tính khả thi, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tiến hành giới thiệu, kết nối các sản phẩm, ý tưởng dự án khởi nghiệp, đặc biệt là về lĩnh vực môi trường, tham gia các liên hoan, triển lãm, hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh. Tham gia các hoạt động, các sản phẩm được đông đảo nhà đầu tư, doanh nghiệp biết đến và chọn để đầu tư. Từ đó, mở rộng thị trường tiêu thụ cũng như thu hút vốn đầu tư, giúp các dự án ngày càng phát triển.

Anh Nguyễn Văn Vũ An, Phó Bí thư Ðoàn trường ÐH Trà Vinh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, cho rằng: Sản phẩm nhựa sinh học tái chế từ phế thải thủy sản là sản phẩm thân thiện môi trường, không gây độc hại cho các loài động vật, bảo vệ sức khỏe con người, an toàn cho người sử dụng nên việc sản xuất và thương mại hóa sản phẩm là hoàn toàn khả thi. Qua đó, góp phần giải quyết gánh nặng rác thải cho môi trường.

Vừa qua, dự án “Sản phẩm nhựa sinh học tái chế từ phế thải thủy sản” của nhóm tác giả Nguyễn Phương Khánh, Chung Mỹ Phúc và Huỳnh Hoàng Khang là 1 trong 2 dự án sinh viên Trường ĐH Trà Vinh lọt vào top 15 vòng thuyết trình cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2020 tại Cần Thơ. Dự án cũng đạt giải Nhì cuộc thi Hult Prize khu vực Đông Nam Á được tổ chức tại Trường ĐH Trà Vinh. Đây là cuộc thi khởi nghiệp danh giá nhất thế giới, còn được gọi là “Giải Nobel dành cho sinh viên”, là giải thưởng thường niên được tổ chức cho sinh viên toàn thế giới.

BÌNH NGUYÊN - HOÀNG NAM

Chia sẻ bài viết