26/01/2017 - 14:57

Biến nghị quyết của Đảng thành hiện thực

Với quyết tâm tạo ra sự chuyển biến ngay từ năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015 - 2020, sau đại hội, nhiều tổ chức cơ sở Ðảng trong thành phố đã nỗ lực biến nghị quyết (NQ) của Ðảng thành hiện thực. kết quả bước đầu ở một số tổ chức cơ sở đảng là những nét chấm phá trong bức tranh sinh động về sự chuyển mình vươn lên của thành phố trẻ.

Khơi dậy những tiềm năng

Với sự điềm tĩnh, am hiểu công việc mình đang làm, anh Nguyễn Văn Chung, Bí thư Đảng ủy phường Thới An (quận Ô Môn) mời tôi tham quan bất kỳ khu vực (KV) nào trong 18 KV của phường. Bởi theo anh, sau Đại hội Đảng bộ phường, NQ được cụ thể hóa chi tiết, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng chi bộ, đoàn thể nên các KV hoạt động khá "đều tay" và có thế mạnh riêng. Vì vậy, tất cả các phần việc đề ra năm 2016 được triển khai nhịp nhàng, với kết quả khá toàn diện. Trong đó, các chỉ tiêu thực hiện chủ đề năm 2016 do Đảng bộ phường đề ra như: xây dựng hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng sinh hoạt, hoạt động của chi bộ, các đoàn thể; phát triển vườn cây ăn trái chất lượng cao, xây dựng mỹ quan đô thị sáng - xanh - sạch... đều đạt mục tiêu đề ra.

Trở lại Thới An lần nầy, gặp gỡ nông dân ở nhiều KV, có thể cảm nhận sự phấn khởi, quyết tâm vươn lên làm giàu của bà con. Nói như ông Lê Văn Mau (Út Mau), Bí thư Chi bộ KV Thới Thạnh - người được xem là "truyền cảm hứng làm giàu" cho nhiều nông dân - thì với 2 công đất, chỉ cần chịu khó làm ăn, sau 3 năm, nông dân đã có trong tay số vốn vài trăm triệu đồng. Thoạt nghe có vẻ khó tin, nhưng có thể tìm thấy nhiều trường hợp như vậy ở Thới An. Chúng tôi cùng ông Út Mau và cán bộ khuyến nông phường tham quan vườn cam xoàn của anh Lê Văn Lợi ở KV Thới Thạnh. Vườn cam rộng 4 công, 1/3 diện tích với 122 gốc đang mang trái oằn cây, vàng rực cả một góc vườn. Sau đó được biết Lợi bán được 5 tấn trái, thu về hơn 150 triệu đồng. Năm trước, Lợi bán vụ cam đầu tiên được 3 tấn trái. Theo Lợi, năm 2017, khi cả vườn cam đều cho trái thì huê lợi sẽ tăng gấp 3 lần. Lợi là Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng cam xoàn, mới thành lập vào tháng 3 - 2016 nhưng đã thu hút 38 thành viên, với tổng diện tích 34,6 ha. Các thành viên chỉ cần có từ 2 công đất trở lên đều được vay vốn 50 triệu đồng/hộ, được trợ giá cây giống và dự lớp tập huấn kỹ thuật trong 3 tháng. Ông Út Mau là người dẫn dắt anh Lợi và nhiều nông dân trồng cam xoàn, cũng là người tích cực vận động để thành lập tổ hợp tác. Hơn 20 năm làm Bí thư chi bộ và có thời gian dài kiêm luôn trưởng KV, ông Út Mau luôn năng động tìm những mô hình sản xuất hiệu quả để hướng dẫn bà con cùng làm giàu. Ông tận tâm, tận lực giúp nhiều hộ thoát nghèo. Nhiều năm nay, ông làm ăn phát đạt với mô hình nuôi cá tra và 15 công vườn trồng cây ăn trái chất lượng cao. Vườn cam xoàn của ông năm nào cũng "thắng đậm". Vừa rồi, chỉ với 200 gốc cam để trái vụ nghịch, ông đã bán hơn 7 tấn trái.

Niềm vui của ông Lê Văn Mau, Bí thư Chi bộ khu vực Thới Thạnh (bên phải) và cán bộ khuyến nông phường trước vụ cam bội thu của thành viên Tổ hợp tác cam xoàn. Ảnh: KIM CHINH

Theo Bí thư Đảng ủy phường Nguyễn Văn Chung, cùng với KV Thới Thạnh, các chi bộ KV nằm ven sông Hậu đều tập trung lãnh đạo nhân dân cải tạo, phát triển vườn cây ăn trái chất lượng cao. Phường cũng đang vận động thành lập Tổ hợp tác trồng nhãn Ido... Với khí thế làm ăn như hiện nay thì mục tiêu đến năm 2020 xây dựng 728 ha vườn cây ăn trái có giá trị kinh tế cao của phường sẽ hoàn thành sớm hơn. Thới An nhiều năm có thế mạnh phát triển nghề nuôi cá tra và vườn cây ăn trái. Thế mạnh ấy tiếp tục được phát huy khi Đảng ủy phường đề ra Nghị quyết 04-NQ/ĐU về đẩy mạnh công tác giảm nghèo giai đoạn 2013-2015 với nhiều giải pháp hỗ trợ về vốn, cây giống, kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm và nhiều hoạt động an sinh xã hội... Phường đã triển khai nhân rộng 17 mô hình làm kinh tế hiệu quả giúp hàng trăm hộ thoát nghèo bền vững. Tham quan Hợp tác xã rau an toàn Hòa Phát (KV Thới Hòa), thêm vui vì mô hình nầy không chỉ giúp thoát nghèo mà thật sự mang lại cuộc sống sung túc cho nông dân. Theo nông dân Nguyễn Phi Long, với 6 công đất trồng rau muống quanh năm, sau khi trừ chi phí, ước tính tổng thu nhập của gia đình anh hơn 400 triệu đồng/năm...

Đến Thới An, có thể cảm nhận được tiềm năng đất đai, con người đã và đang được khơi dậy, phát huy đúng hướng. Nhìn lại kết quả hơn 1 năm đưa NQ của Đảng vào cuộc sống, Bí thư Nguyễn Văn Chung cho rằng với sự đồng lòng, quyết tâm của 332 đảng viên ở 29 chi bộ, cùng hơn 13.700 đoàn viên, hội viên các đoàn thể thì việc gì cũng thành công. Điều đó đã được khẳng định qua quá trình vận động xây dựng phường đạt danh hiệu Phường Văn hóa vào tháng 11-2014 và được phát huy trong những năm tiếp theo. Trong 5 năm (2010 - 2015), toàn phường có 90 cây cầu được xây mới, sửa chữa, hơn 123.500 mét đường được tráng bê tông, đổ đá bụi. Trong đó, nhà nước đầu tư hơn 15,2 tỉ đồng, nhân dân đóng góp gần 15 tỉ đồng và hơn 16 ngàn ngày công lao động, vượt hơn 617% kế hoạch đảng bộ phường đề ra. Năm 2016, phường tiếp tục vận động xã hội hóa hơn 2,6 tỉ đồng để xây dựng nhiều tuyến đường giao thông và chăm lo cho người nghèo.

Tết nầy, nhân dân phường Thới An càng vui hơn khi Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố chọn tổ chức Tết Quân - Dân tại phường, với nhiều công trình, hoạt động ý nghĩa như: xây 2 tuyến đường bê tông dài 7,4 km, bắc 3 cầu bê tông, xây tặng 50 căn nhà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hội viên có hoàn cảnh khó khăn…cùng nhiều hoạt động an sinh xã hội khác. Với sự tiếp sức đó, phường có thêm nền tảng vững chắc để hoàn thành các mục tiêu đề ra trong những năm tiếp theo...

KIM CHINH

Xóm nghèo thay áo mới

Nhắc tới Đường Xóm Lưới, Hẻm Kênh Đình (thuộc khu vực 1, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy), trước đây người ta nghĩ ngay đến khu dân cư lao động nghèo khó, đường sá ọp ẹp, điều kiện sinh hoạt, đi lại hết sức khó khăn, tình hình an ninh trật tự, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp…Bây giờ, những người xa quê trở về thăm Xóm Lưới không khỏi ngỡ ngàng, không còn nhận ra dấu tích của xóm nghèo, bởi diện mạo phố xá sạch đẹp, khang trang.

Theo Bí thư Chi bộ khu vực 1 Trần Tấn Thành, nói về những đổi mới của khu vực, phải bắt đầu từ chuyện phát triển hệ thống đường giao thông. Ông nhẩm tính: 5 năm qua, toàn khu vực có đến 19 tuyến hẻm được đầu tư xây dựng, nâng cấp, với tổng trị giá gần 9,7 tỉ đồng. Trong đó, Dự án Nâng cấp đô thị đầu tư xây dựng 9 tuyến hẻm, tổng trị giá gần 9,5 tỉ đồng; các hẻm còn lại do khu vực, các đoàn thể vận động nhân dân đóng góp… Có hệ thống đường sá sạch đẹp, Chi bộ cùng Ban nhân dân khu vực quyết tạo nên sự chuyển biến thật sự trong đời sống nhân dân. Đi đôi với vận động nhân dân sửa sang nhà cửa, tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp; tích cực phối hợp với các lực lượng để làm trong sạch địa bàn, chi bộ đã lãnh đạo thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế. Sau khi tiến hành rà soát, nắm hoàn cảnh các hộ nghèo, Chi bộ bàn bạc, phân công giúp đỡ cụ thể đối với từng hộ. Từ năm 2010 đến nay, khu vực đã giới thiệu, bảo lãnh các hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách trên 6 tỉ đồng, Ngân hàng Đông Á trên 3,5 tỉ đồng; giám sát xây dựng 25 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo… Với sự giúp đỡ về nhiều mặt, đến năm 2014, khu vực 1 chỉ còn 7 hộ nghèo. Tuy nhiên, đến năm 2015, khi chuyển sang xét hộ nghèo theo tiêu chí mới thì khu vực 1 còn đến 36 hộ. Bí thư Trần Tấn Thành cho biết: Đầu năm 2016, Chi bộ khu vực 1 xây dựng Nghị quyết chuyên đề "Nâng cao vai trò trách nhiệm của hệ thống chính trị trong khu vực". Từng đoàn thể, từng đảng viên xác định vai trò, nhiệm vụ cụ thể của mình đối với sự phát triển của địa phương. Tập thể chi bộ, Ban Nhân dân khu vực đã triển khai nhiều giải pháp giúp 16 hộ thoát nghèo trong năm 2016. "Năm 2017, Chi bộ đề ra nghị quyết phấn đấu giảm 30% hộ nghèo. Biết là khó nhưng với sự giúp sức của các cấp, các ngành, với kế hoạch giúp đỡ từng hộ cụ thể, chúng tôi tin sẽ thực hiện được" - Giọng Bí thư Trần Tấn Thành chắc nịch. Tận dụng lợi thế khu vực có điểm du lịch Đình Bình Thủy, các cán bộ khu vực cũng đang tích cực phối hợp với phường đã xây dựng 5 ki-ốt trưng bày, giới thiệu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ vừa tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, vừa tạo việc làm cho phụ nữ trong khu vực. Đây là việc làm cụ thể hóa Nghị quyết số 03-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch.

Trong câu chuyện, Bí thư Thành thường nhắc đến những cộng sự đắc lực của mình, đặc biệt là ông Huỳnh Văn Hải, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng khu vực. Ông Thành kể: "Anh Hải được ví như "quyển từ điển sống" của khu vực. Anh thuộc làu từng số nhà, nắm rõ từng đối tượng. Hầu hết công tác của địa phương, anh đều có mặt để theo dõi, kiểm tra, đôn đốc…". 13 năm làm Trưởng khu vực, ông Hải luôn tận tâm, tận lực vì việc chung. Bất kỳ giờ nào người dân cần là ông có mặt.

Theo đồng chí Cao Xuân Toàn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Bình Thủy, không riêng Chi bộ khu vực 1 mà hầu hết các chi bộ thuộc đảng bộ phường đều thể hiện rõ sự quyết tâm, năng động đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Ban Thường vụ Đảng ủy phường tập trung chỉ đạo các Chi, đảng bộ trực thuộc thực hiện 7 nội dung lớn gắn với thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Thành ủy Cần Thơ về xây dựng nếp sống văn hóa, trật tự kỷ cương đô thị trên địa bàn thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tạo ra chuyển biến rõ nét trên các mặt. Tùy đặc điểm, đặc thù, thế mạnh của từng khu vực mà có sự phân công, ưu tiên chỉ đạo phù hợp. Nổi bật như Chi bộ khu vực 3 tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng đường giao thông; Đảng bộ Bộ phận khu vực 5 tập trung nâng cấp các tuyến đường, hẻm theo tiêu chí "sáng- xanh- sạch- đẹp", xây dựng khu dân cư kiểu mẫu; Chi bộ khu vực 6, khu vực 7 vận động nhân dân phát triển các mô hình kinh tế, nông nghiệp đô thị. Đảng ủy phường lãnh đạo tập trung nâng chất mô hình "phường không có nhà xây dựng không phép, sai phép", nâng chất 7 khu vực văn hóa tiến tới xây dựng phường văn minh đô thị.

QUỲNH LAM

Góp sức xây đời no ấm

Từ sáng sớm, chị Võ Thị Kim Son, Bí thư Đảng ủy Trường Xuân A, huyện Thới Lai đã đến các ấp để gặp gỡ, động viên thanh niên nhập ngũ và tặng quà Tết cho gia đình chính sách, hộ nghèo. Công việc cuối năm tất bật nhưng chị điềm tĩnh giải quyết mọi việc đâu vào đấy.

Còn nhớ, sau Đại hội Đảng bộ xã Trường Xuân A nhiệm kỳ 2015 - 2020, xã vẫn còn 4 tiêu chí xây dựng nông thôn mới chưa đạt, gồm: trường học, cơ sở vật chất văn hóa, giao thông, nhà ở. Đây là những tiêu chí rất khó thực hiện vì cần nhiều vốn. Vậy mà đến tháng 4-2016, xã đã hoàn thành cả 4 tiêu chí trên và được UBND thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Theo một số đảng viên kể, với quyết tâm lãnh đạo hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới trong năm 2016, chị Võ Thị Kim Son đã tổ chức nhiều cuộc họp trong Đảng ủy và các ban, ngành, đoàn thể để tìm giải pháp thực hiện. Suốt mấy tháng liền, chị Son tất bật như con thoi, hết lên huyện đề nghị hỗ trợ vốn xây trường học, nhà văn hóa ấp và nhà Đại đoàn kết, lại chạy xuống các ấp cùng các cán bộ tuyên truyền, vận động nhân dân hiến đất làm đường, đóng góp tiền bắc cầu. Với nỗ lực ấy, xã đã xây dựng thêm 2 trường học đạt chuẩn; tráng bê tông 4,6 km đường rộng 4 mét, bắc 17 cây cầu; xây dựng 6 nhà văn hóa ấp; xây 36 nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo.

Đến một số ấp, tôi ghi nhận sự phấn khởi của nhân dân khi được thụ hưởng thành quả bước đầu của phong trào xây dựng nông thôn mới. Ông Ba Hài, ở ấp Trường Ninh 1, bày tỏ sự mãn nguyện khi đi trên tuyến đường bê tông rộng rãi, sạch đẹp; còn bà Võ Thị Tư, người cùng ấp, cứ luôn miệng cảm ơn các cán bộ xã, ấp đã giúp đỡ gia đình ông có căn nhà tường kín mưa, kín gió.

Xã Trường Xuân A đã đạt chuẩn nông thôn mới. Ảnh: ANH DŨNG

Một trong những cán bộ xã, ấp năng động, nhiệt tình mà bà con thường nhắc đến là anh Phan Đức Tâm - cán bộ khuyến nông xã. Anh Tâm đã tích cực tham mưu với Đảng ủy, UBND xã tăng cường chỉ đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa giống lúa đạt chất lượng xuất khẩu vào sản xuất; thường xuyên phối hợp với cán bộ ấp tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Với sự tận tình hướng dẫn, giúp đỡ của anh Tâm cùng nhiều cán bộ xã, ấp, năm 2016, diện tích lúa đạt chất lượng xuất khẩu của xã chiếm trên 80% tổng diện tích trồng lúa, tăng hơn 20% so với năm 2015 và nhiều mô hình sản xuất hiệu quả khác cũng nở rộ. Đang thu hoạch nấm rơm, anh Võ Văn Khởi, ở ấp Trung Hóa, phấn khởi cho biết: "Nhà chỉ có 2 công ruộng, trước đây làm lúa 3 vụ đời sống khó khăn. Hơn một năm nay, được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn, tôi chuyển sang làm 2 vụ lúa, 1 vụ nấm rơm. Thu nhập một vụ nấm rơm lời gấp cả chục lần trồng lúa". Anh Phan Đức Tâm cho biết thêm: "Thấy mô hình trồng nấm rơm rất hiệu quả nên tôi đề nghị Đảng ủy và UBND xã tổ chức tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ nhân dân thực hiện. Đến nay, trong xã có hơn 200 hộ đã chuyển đổi hơn 20 ha ruộng từ làm 3 vụ lúa sang trồng nấm rơm. Bình quân mỗi ha nấm rơm cho thu hoạch 15 tấn, trừ chi phí sản xuất bà con còn lời hơn 30 triệu đồng". Anh Tâm còn tham mưu với Đảng ủy, UBND xã chỉ đạo hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình nuôi heo sinh sản, nuôi lươn, nuôi ếch... Đến nay có hơn 120 hộ tham gia.

Tham quan mô hình cánh đồng lớn ở ấp Trường Ninh 2, tôi cảm nhận rõ niềm vui của nhiều nông dân khi đứng trước thảm lúa vàng trĩu hạt. Ông Trần Xuân Tuỳnh hào hứng kể: "Tham gia cánh đồng lớn, nông dân được doanh nghiệp hỗ trợ lúa giống, kỹ thuật sản xuất và thu mua lúa, lợi nhuận cao hơn 6 triệu đồng/ha so với sản xuất nhỏ lẻ". Việc xây dựng mô hình cánh đồng lớn 79 ha này là tâm huyết của nhiều cán bộ xã, ấp, trong đó công đầu là của ông Lê Trung Thành, Bí thư Chi bộ ấp. Khi có ý tưởng xây dựng cánh đồng lớn, ông Thành đã khảo sát thực tế, bàn bạc thống nhất trong chi bộ, sau đó phân công đảng viên đến từng hộ vận động nhân dân tham gia. Ông Thành cùng cán bộ xã tìm đến nhiều doanh nghiệp để mời gọi và được Công ty TNHH Hoàng Minh Nhật ký kết hỗ trợ sản xuất và bao tiêu lúa hàng hóa, từ đó người dân phấn khởi, an tâm sản xuất.

Sự tâm huyết, năng động của nhiều cán bộ xã, ấp đã góp phần đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Trường Xuân A nhanh chóng đi vào cuộc sống. Chỉ trong năm đầu tiên sau đại hội, thu nhập bình quân đầu người trong xã tăng từ 28 triệu đồng lên 33,4 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,47% xuống còn 3,17% và hứa hẹn phía trước những vụ mùa no ấm.

ANH DŨNG

Năng động giúp dân thoát nghèo

ới xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ tìm anh Danh Thành, Bí thư Đảng ủy xã, mới hay anh đến dự họp bình xét hộ thoát nghèo năm 2016 ở ấp Thới Phước. Gặp tôi, người Bí thư tác phong nhanh nhẹn, có nụ cười thân thiện, cho biết: "Mình dự họp để góp ý, giúp bà con bình xét thật chính xác, công bằng. Qua đó nắm tình hình, biết bà con cần gì để chỉ đạo hỗ trợ kịp thời…".

Đang giữ nhiệm vụ Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Cờ Đỏ, đầu năm 2016, anh Danh Thành được luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã Thới Xuân - địa phương có 30% đồng bào dân tộc Khmer. Khi bắt tay nghiên cứu tình hình để lãnh đạo đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 vào cuộc sống, điều khiến anh trăn trở hơn cả là xã còn tới 27,85% hộ nghèo. Và anh đặt nhiệm vụ giúp dân thoát nghèo, nâng cao đời sống lên hàng đầu.

Qua khảo sát thực tế, anh Thành nhận thấy nguyên nhân nghèo là do các hộ thiếu đất sản xuất và thiếu việc làm. Anh cùng Đảng ủy tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị phải quyết liệt thực hiện các giải pháp cụ thể, quan tâm hỗ trợ vốn, kỹ thuật giúp nhân dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Anh Nguyễn Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã, nói: "Với sự chỉ đạo quyết liệt của đồng chí Danh Thành và tập thể Đảng ủy xã, đến nay nhân dân trong xã đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế hiệu quả".

Anh Đức hướng dẫn tôi tham quan một số mô hình sản xuất hiệu quả, có những mô hình mới hình thành khoảng 1 năm nhưng kết quả bước đầu rất khả quan. Nổi bật, Hội Nông dân xã đã xây dựng 1 dự án nuôi bò và 1 dự án nuôi dê sinh sản đang triển khai với 77 hộ tham gia. Tại ấp Thới Trường 1 có nhiều hộ dân tộc Khmer tham gia dự án nuôi bò. Thấy chúng tôi ghé thăm, chị Thạch Thị Hậu, vừa bơi ghe đi cắt cỏ cho bò ăn, quần áo ướt sũng, cười vui: "Chúng tôi biết ơn anh Đức và các cán bộ xã, ấp nhiều lắm. Giờ chúng tôi có bò nuôi, không sợ nghèo nữa…". Nhiều năm gắn bó với công tác Hội và phong trào nông dân xã, anh Nguyễn Văn Đức hiểu rất rõ tình hình sản xuất, đời sống của nông dân các ấp. Đầu năm 2016, được Đảng ủy xã đồng ý, anh đã phối hợp với cán bộ ấp xây dựng dự án nuôi bò và dự án nuôi dê sinh sản. Sau đó, anh đã liên hệ với Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp vốn và đề nghị Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật giúp 37 hộ xây dựng mô hình nuôi bò sinh sản và 40 hộ nuôi dê sinh sản. Với sự nhiệt tình giúp đỡ của anh Đức, mô hình này đang phát triển tốt, hứa hẹn giúp hàng chục hộ thoát nghèo trong năm tới. "Năm qua, tôi còn xây dựng nhiều dự án nuôi heo sinh sản, nuôi cá và đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội cho nông dân vay thêm 7 tỉ đồng. Đến nay, trong xã đã có hơn 200 hộ nuôi heo sinh sản và hơn 20 hộ nuôi cá trong vèo... Sắp tới, tôi tiếp tục xây dựng thêm một số dự án nữa để giúp thêm nhiều hộ phát triển mô hình này" - Giọng anh Đức đầy tâm huyết.

Một số hộ ở ấp Thới Thuận phấn khởi cho biết, nhờ cán bộ, đảng viên trong ấp vận động, năm qua, họ đã chuyển đổi một số diện tích đất gò, đất manh mún trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Sáng kiến xây dựng mô hình này là của tập thể cán bộ ấp, đứng đầu là anh Phan Quốc Toàn, Bí thư Chi bộ ấp. Anh Toàn là Phó Bí thư Xã đoàn, được Đảng ủy phân công làm Bí thư Chi bộ ấp Thới Thuận vào đầu năm 2016. Thời gian công tác ở ấp chưa nhiều, nhưng anh sâu sát tình hình ấp, tích cực giúp bà con xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: trồng cây ăn trái, nuôi bò, nuôi heo sinh sản, nuôi cá trê vàng; đề nghị cấp trên hỗ trợ xây 2 nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo. Và còn nhiều cán bộ, đảng viên tâm huyết khác được người dân khen ngợi. Đó cũng là điều Bí thư Đảng ủy xã Danh Thành tâm đắc hơn hết thảy qua hơn 1 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020. Theo anh, cái được lớn nhất chính là đội ngũ cán bộ, đảng viên xã gương mẫu, nhiệt tình hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế. Qua đó, nhân dân nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng đã tự lực vươn lên làm ăn để thoát nghèo. Năm qua, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm từ hơn 27,85% xuống còn 17,49%…

ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết