21/01/2020 - 16:08

Biển đảo tôi yêu
Bài cuối: Màu xanh trên biển đảo 

   Khó khăn vẫn còn nhưng miền biển đảo Tây Nam đang từng ngày phát triển. Những đổi thay tích cực về cuộc sống của người dân, từ thu nhập đến điều kiện chăm sóc y tế, giáo dục ở đảo xa, hứa hẹn về một tương lai tươi sáng của biển đảo Tây Nam.

Giờ lên lớp của cô trò lớp 1 của Trường Tiểu học và THCS Thổ Châu. 

Đón chúng tôi bằng nụ cười rất tươi, chị Hồ Thị Giao Ha, Phó Chủ tịch UBND xã Thổ Châu, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Hiện nay, xã có 570 hộ với hơn 2.000 dân. Xã có trường mẫu giáo, tiểu học và THCS với 320 học sinh theo học. Chỉ có học sinh cấp 3 phải vào Phú Quốc học tập. Nhiều năm nay, tỷ lệ huy động trẻ đủ tuổi ra lớp đạt 98%. Đầu năm 2020, xã còn 6 hộ nghèo, giảm 5 hộ so với đầu năm 2019”. Chị Giao Ha quê gốc ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, gia đình chị là một trong những hộ dân đầu tiên của xã đảo Thổ Châu. Chị tham gia công tác đoàn thể, chính quyền ở xã đã hơn 18 năm, cùng nhiều bạn bè, đồng nghiệp chứng kiến sự chuyển mình của xã đảo. Chị cho biết: “Năm 1992, chỉ có 17 hộ dân đầu tiên ra đảo, khởi đầu gầy dựng cuộc sống trong muôn vàn khó khăn. Đến nay, chính những hộ này đã và đang chứng kiến sự thay da đổi thịt trên xã đảo". Điển hình như, trước 2015, người dân còn xài điện tư nhân với chi phí 30.000 đồng/kwh thì giờ đã có điện nhà nước. Trước đây, người dân vận chuyển, mua bán hàng hóa hầu hết đều bằng tàu đò, những lúc bão, cả tuần dân không có rau ăn. Giờ thì việc mua bán, trao đổi hàng hóa trên đảo nhộn nhịp hơn rất nhiều. Hằng năm, xã phối hợp các đoàn ra thăm và lực lượng Cảnh sát biển tổ chức Chương trình Đồng hành cùng ngư dân bám biển với các hoạt động: tập huấn sơ cứu trên biển, hỗ trợ thuốc men, áo phao. Ngoài ra, địa phương triển khai tốt nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội và Quỹ hỗ trợ nông dân để hỗ trợ ngư dân trang bị ngư cụ, duy trì, phát triển ngành nghề, góp phần giữ biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Người dân chăn nuôi heo trên xã đảo Thổ Châu. 

Một trong những nhân tố quan trọng, góp phần thúc đẩy xã đảo phát triển, đó chính là những hộ dân tận tâm, hết mình gắn bó với đảo. Ghé nhà chú Lê Minh Tuấn vào buổi trưa đứng bóng, lúc này vợ chồng chú mới chăm sóc chuồng trại xong, chuẩn bị nghỉ ngơi. Ra định cư từ năm 1992, đến giờ cô chú là một trong những hộ dân chăn nuôi với quy mô lớn nhất trên đảo. Hiện cô chú có chuồng nuôi khoảng 70 con heo, trên 100 con gà, vịt. Chú Tuấn giới thiệu, 5 cháu nội, ngoại của chú đều là những cư dân sinh ra trên đảo, sẽ tiếp nối các thế hệ đi trước, góp sức xây dựng và phát triển xã đảo ngày một giàu đẹp. Chị Giao Ha phấn khởi cho biết, đảo sẽ hướng tới mũi nhọn phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá và du lịch. Xã đảo hiện quản lý 8 hòn đảo lớn nhỏ. Trong đó, Hòn Cau, Hòn Nhạn, Hòn Từ, Hòn Xanh, hoàn toàn có thể kêu gọi đầu tư, phát triển dịch vụ du lịch.

Một góc biển đảo Nam Du.

   Đoạn cuối chuyến hải trình đến với biển đảo Tây Nam, chúng tôi ghé qua quần đảo Nam Du, một trong những quần đảo phát triển du lịch hiệu quả nhất trong vùng. Anh Lê Quốc Lịnh, Phó Chủ tịch UBND xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Quần đảo Nam Du có tất cả 21 hòn, với 2 xã: Nam Du và An Sơn. Kinh tế mũi nhọn của xã là du lịch với các dịch vụ tham quan khám phá, giải trí: lặn, câu cá, lặn ngắm san hô, tham quan quanh đảo… Ngoài ra, còn có nghề đánh bắt và nuôi trồng các loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao: cá bóp, cá mú, cá chim, tôm hùm,…".

Chiến sĩ Đồn Biên phòng Tiên Hải, ở đảo Hòn Đốc đem rau xuống chợ bán. 

Thu nhập bình quân đầu người đã đạt 75 triệu đồng/năm, xã An Sơn không còn hộ nghèo và cận nghèo. Trạm Y tế đạt chuẩn quốc gia, với 3 bác sĩ, 6 y sĩ, 1 hộ sinh và các trang thiết bị phục vụ khám, chữa bệnh ban đầu và phòng chống dịch bệnh. Trụ sở Đảng ủy, UBND xã mới được xây dựng. Hiện tại, xã đã đạt 17/19 tiêu chí Nông thôn mới. Dự kiến, phấn đấu đến cuối năm 2020 xã sẽ đạt chuẩn Nông thôn mới. Anh Lịnh cho biết, trước đây, An Sơn rất nghèo, điện chưa có, nước ngọt thiếu thốn, đánh bắt, khai thác thủy hải sản thô sơ. Hiện tại, xã có nhà máy phát điện ở trạm Củ Chon, hoạt động 24/24 giờ từ năm 2003 đến nay, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của người dân trên đảo. Nước ngọt thì đã có giếng khoan, kèm theo bể chứa nước Củ Chon, còn hồ nước bãi Cây Mến, đang được xây dựng, dự kiến năm 2020 đưa vào sử dụng. Khi đó, lượng nước ngọt sẽ đủ cung cấp cho Nam Du và các xã ven biển đất liền thuộc tỉnh Kiên Giang, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Học sinh của Trường Tiểu học và THCS Tiên Hải trong một buổi rèn luyện với khăn quàng đỏ. Ảnh: Mỹ Tú

    Trên đường đi từ bến tàu lên Trạm ra đa 625 trên đảo Hòn Đốc, xã đảo Tiên Hải, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang, chúng tôi có dịp ngắm nhìn các em học sinh Trường Tiểu học và THCS Tiên Hải náo nức chơi đùa trong sân trường rợp bóng cây. Thầy Quang Thanh Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Tiên Hải, cho biết: “Trường hiện có  điểm trường trên địa bàn xã ở các đảo Hòn Tre, Hòn Đước và Hòn Giang. Trường được các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện, tỉnh hết sức quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất giảng dạy và học tập khá đầy đủ. Ba cấp học từ mầm non, tiểu học đến THCS có tất cả 285 học sinh, với 15 lớp. Hiện nay, trường đang được xây thêm 8 phòng học kiên cố và đầu tư làm sân cỏ nhân tạo cho các em có thể tham gia nhiều môn thể dục thể thao”. 

Cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể, nỗ lực vượt khó, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của quân dân biển đảo, góp phần không nhỏ cho Tổ quốc ta ngày thêm giàu, mạnh, yên bình.

Bài; ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết