30/04/2019 - 07:31

Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019

Bí quyết ôn, thi tốt 

Học sinh lớp 12, Trường THPT Thới Lai trong giờ học. ảnh: B.NG

Làm thế nào để ôn tập và làm bài thi đạt hiệu quả trong Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sắp tới? Vấn đề được nhiều học sinh lớp 12 quan tâm trên được các thầy cô nhiều kinh nghiệm ôn thi ở các trường THPT ở TP Cần Thơ chia sẻ.

♦ Thầy Ðoàn Khoa Thọ, Tổ trưởng Tổ Toán, Trường THPT Châu Văn Liêm:

Không nên ôn dàn trải, tránh lạm dụng máy tính

- Đề thi minh họa môn Toán năm 2019 có nội dung trải đều chương trình kiến thức lớp 12; có tính phân hóa rõ ràng với khoảng 60% câu hỏi dùng để xét tốt nghiệp THPT, 40% còn lại là kiến thức nâng cao để xét tuyển đại học.

Để ôn thi đạt hiệu quả, học sinh nên chia 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, học sinh cần ôn, hệ thống hóa chương trình kiến thức cơ bản lớp 12 (7 chủ đề); từng chủ đề có nét chính, cụ thể ra sao và giải bài tập mức độ vừa phải. Các em cần ghi lại cách giải bài thi ngắn gọn. Giai đoạn 2 (từ đầu tháng 6), học sinh giải đề thi thử. Khi giải đề thi, các em chú ý phân bổ thời gian hợp lý trong 90 phút; câu hỏi nào khó cần tham khảo bạn bè, hỏi thầy cô và vận dụng nhiều nguồn tài nguyên, tham khảo nhiều cách giải bài tập. Học sinh không cần giải quá nhiều đề thi, mà phải giải đề chất lượng, nghiêm túc và có rút kinh nghiệm. Học sinh có kỹ năng làm bài tốt, dễ dàng đạt được 7 điểm, vì đa phần những câu này thường gặp trong chương trình bài học, kiểm tra ở lớp.

Học sinh lưu ý không nên học tràn lan, mà nên tập trung chương trình lớp 12; tránh lạm dụng máy tính, phải biết dùng đúng chỗ, vì đề thi cho suy luận nhiều. Học sinh không nên bỏ thời gian "chết", làm từ dễ đến khó; khoanh tròn các câu để lại làm sau để tránh bị sót.

♦ Cô Vương Trúc Ty, Tổ trưởng Tổ Tiếng Anh, Trường THPT Châu Văn Liêm:

Ðọc kỹ đề, chú ý cụm từ, từ vựng trong ngữ cảnh

- Theo cấu trúc đề thi môn Tiếng Anh minh họa có khoảng 70% chương trình lớp 12; còn lại nằm ở chương trình lớp 10 và 11. Đây là môn học về ngôn ngữ và đặc thù của môn này đòi hỏi học sinh phải có nền căn bản vững chắc của những lớp dưới về từ vựng, ngữ pháp mới có điểm cao. Để đạt điểm từ 5 đến 7, học sinh phải học tất cả 20 chủ đề ngữ pháp quan trọng và 13 thì trong chương trình lớp 12. Các dạng câu hỏi xoay quanh các nội dung quen thuộc như: ngữ âm; tìm lỗi sai; hoàn thành câu… Đối với phần nâng cao để xét tuyển đại học, khó nhất là bài đọc hiểu. Ở phần này, đòi hỏi học sinh ngoài việc hiểu đoạn văn đề bài, còn biết suy luận; nghĩa là từ đoạn văn này, các em suy luận điều gì, thái độ, tình cảm của tác giả. Học sinh cần lưu ý, học từ vựng trong ngữ cảnh, trong cụm từ, không nên học từng từ.

Để ôn thi hiệu quả, học sinh nên chia 2 giai đoạn: Giai đoạn tổng quát (3 tuần) ôn lại ngữ pháp của 3 năm học THPT; giai đoạn sau thì dành khoảng gần 4 tuần học và giải 15 đề thi. Thường thì giáo viên yêu cầu học sinh nắm kiến thức, giải được bài tập, nên các em phải giải đề hoặc đọc bài đọc trước ở nhà. Khi đến lớp, giáo viên sẽ hỏi lại tại sao chọn câu đó, điều này giúp kiểm tra đáp án đúng, học sinh nhớ bài lâu hơn.     

Khi thi, học sinh bình tĩnh nhận và đọc lướt qua toàn bộ đề thi, làm câu hỏi dễ trước và không lúng túng trước câu hỏi khó. Đọc kỹ đề thi sẽ giúp các em tìm được những từ khóa để giải đề. Bài thi dài (phần đọc hiểu) thường sẽ không quá khó, các em cần bình tĩnh xử lý. Khi làm từ vựng, chú ý cụm từ, từ vựng trong ngữ cảnh; cố gắng khoanh tất cả câu hỏi còn lại nếu không kịp giờ thi. Đề thi có 50% nội dung sát chương trình học, 50% chương trình nâng cao. Các em nên rèn luyện thêm kỹ năng đọc, vì phần này chiếm gần như 36% của bài thi (3,6 điểm trong bài thi), do vậy em dành thời gian đọc ít nhất từ 1-2 bài/ngày để nâng dần kỹ năng đọc.

♦ Cô Phan Thị Thủy, Tổ trưởng Tổ Ðịa lý, Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Ðiền):

Học sinh cần nắm chắc kiến thức, những kỹ năng cơ bản

- Đề thi minh họa môn Địa lý năm 2019 bám sát chương trình lớp 12 (chiếm 90%), chỉ 10% nội dung lớp 11 với cấu trúc khoảng 60% để xét tốt nghiệp, 40% xét tuyển đại học. Đề thi cho thấy sự dàn trải kiến thức của lớp 12, nên học sinh không dễ dàng học tủ. So với năm 2018, đề thi năm 2019 sẽ dễ lấy điểm hơn nếu học sinh thuộc - hiểu bài, nắm được những kỹ năng cơ bản như: phân tích số liệu, nhận dạng biểu đồ và sử dụng Atlat. Riêng phần Atlat (chiếm từ 2-3 điểm), nội dung thường ra dưới dạng nhận biết, thông hiểu, đòi hỏi học sinh nắm được kỹ năng đọc Atlat và tính toán dựa trên Atlat. Phần bảng số liệu, biểu đồ đòi hỏi học sinh không chỉ có kiến thức mà còn phải có kỹ năng nhận diện câu hỏi, nhận diện các loại biểu đồ. Đây là phần kiến thức nhẹ nhàng, khá dễ có điểm. Học sinh cần phải nắm thật chắc kiến thức, tránh sự sai sót, nhầm lẫn khi làm bài. Bài thi có phần vận dụng thực tế xoay quanh các vấn đề thời sự của xã hội, như: Bảo vệ môi trường, tình trạng xâm nhập mặn, thiên tai,… Để đạt điểm cao, học sinh cần cập nhật thêm những vấn đề thời sự trong xã hội, nêu nguyên nhân, thực trạng, giải pháp.

Học sinh lưu ý, bài thi tổ hợp (Lịch sử - Địa lý- Giáo dục công dân) có thời gian chuyển tiếp ở mỗi môn thi. Khi đó, các em nên thư giãn thoải mái để có thể làm bài tốt ở môn tiếp theo. Trong quá trình làm bài, học sinh cần đọc kỹ đề thi, vì trong môn Địa lý thường có một số câu dạng phủ định; phân bổ thời gian hợp lý, chọn câu hỏi dễ nhất làm trước, không nên theo thứ tự. Học sinh mang đầy đủ dụng cụ vào phòng thi.

B.KIÊN (Lược ghi)

Chia sẻ bài viết