29/11/2010 - 20:33

Bí quyết có giấc ngủ ngon

Những cơn đau lúc mang bầu hay tình trạng bứt rứt trong người ở tuổi mãn kinh có thể khiến chị em trằn trọc cả đêm. Không chỉ vậy, nhiều vấn đề sức khỏe khác cũng có thể khiến chúng ta khó chợp mắt. Một số cách sau đây được cho có thể đẩy lùi những tác nhân đánh cắp giấc ngủ theo từng lứa tuổi.

Độ tuổi 20-40:

 

Bạn nên đi kiểm tra tuyến giáp. Theo Tiến sĩ Laura Corio ở Trung tâm Y tế Mt. Sinai (Mỹ), phụ nữ mới sinh thường cho rằng tình trạng uể oải và mất ngủ là do họ phải thức chăm con nhỏ. Tuy nhiên, “thủ phạm” gây mất ngủ và mệt mỏi có thể là do viêm tuyến giáp sau khi sanh. 5%-10% sản phụ mắc chứng bệnh này trong vòng 1 năm sau khi lâm bồn. Nếu bạn khó ngủ hoặc cực kỳ uể oải sau khi sinh hãy đến bác sĩ.

Vứt bỏ mọi phiền muộn. Tâm trạng buồn bã có thể trở nên trầm trọng hơn khi đi ngủ. Không chỉ trầm cảm (bệnh thường gặp ở sản phụ) gây khó ngủ mà một số loại thuốc chống suy nhược cũng có thể gây tác dụng phụ liên quan đến giấc ngủ. Trung tâm điều trị rối loạn giấc ngủ Kettering (Mỹ) điều trị mất ngủ do trầm cảm theo 2 liệu pháp: nhận thức hành vi và trò chuyện. Liệu pháp nhận thức hành vi giúp người bệnh thay đổi cách suy nghĩ và cách làm theo hướng tích cực hơn, khiến họ cảm thấy tốt hơn. Với liệu pháp thứ hai, bệnh nhân tìm đến bác sĩ tâm lý bày tỏ tất cả tâm tư, bác sĩ lắng nghe và đóng vai trò phân tích, cố vấn để bệnh nhân tìm ra hướng giải quyết thích hợp cho vấn đề mình đang gặp phải.

Độ tuổi ngoài 40:

Hãy để ý thói quen đi vệ sinh ban đêm. Nếu bạn thường tiểu đêm, đừng coi đó là tín hiệu lão hóa. Rất có thể bạn bị nhiễm trùng đường tiểu (UTI). Trong quyển “The change before the change” (tạm dịch Thay đổi trước sự đổi thay), bác sĩ Laura E. Corio chuyên khoa sản ở New York cho biết tình trạng sụt giảm hàm lượng nội tiết tố sinh dục nữ ở chị em sau 40 tuổi thường dẫn đến nguy cơ làm mỏng dần thành âm đạo và bàng quang. Điều này khiến phụ nữ ở tuổi mãn kinh dễ bị nhiễm trùng hơn. Bên cạnh đó, phụ nữ vừa qua tuổi 40 thường có nhu cầu tình dục mạnh nên dễ bị UTI hơn. Hãy đến bác sĩ nếu thói quen đi vệ sinh của bạn thay đổi.

Ngủ sâu hơn nhờ tập thể dục. Giấc ngủ sâu, có tác dụng hồi phục sức khỏe (còn gọi là giấc ngủ sóng chậm) thường giảm khi bạn ngấp nghé tuổi 50, khiến số lần tỉnh giấc nửa đêm nhiều hơn. Tập thể dục có thể giúp khắc phục tình trạng này. Các mô và cơ được phục hồi trong giấc ngủ sâu. Khi bạn tạo điều kiện cho cơ thể phục hồi thông qua tăng cường hoạt động thể chất, cơ thể sẽ đáp ứng lại bằng cách tăng thời lượng của giấc ngủ sóng chậm. Tuy các nhà khoa học vẫn chưa kết luận đâu là loại hình thể dục tốt nhất để kích thích giấc ngủ sóng chậm, nhưng Tiến sĩ Wilfred R. Pigeon ở Đại học Rochester (Mỹ) khuyên chúng ta nên duy trì thói quen tập thể dục vừa phải khoảng 30 phút/ngày.

Từ 50 tuổi trở lên:

Hãy thận trọng khi dùng thuốc. Theo Tiến sĩ Annabelle Volgman ở Chicago, các loại thuốc trị cao huyết áp và mỡ (cholesterol) trong máu có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ. Thuốc lợi tiểu (dùng để trị cao huyết áp) có thể khiến bạn đi toilet nhiều lần trong đêm. Vì vậy, bạn nên dùng thuốc ban ngày thay vì ban đêm. Bên cạnh đó, nhóm thuốc statin hạ cholesterol trong máu có thể làm suy giảm lượng chất co-enzyme Q10 (loại protein tự nhiên, cần thiết đối với chức năng của tế bào cơ). Kết quả là những cơn đau cơ sẽ khiến bạn khó ngủ. Nếu gặp tình trạng này, bạn nên hỏi bác sĩ xem có nên dùng thuốc bổ sung co-enzyme Q10 hay không.

Nếu bạn hay ngáy ngủ, không chỉ người ngủ chung bị khó ngủ. Ngáy kinh niên là triệu chứng điển hình của chứng ngừng thở lúc ngủ do tắc nghẽn đường hô hấp (OSA) và có thể làm suy giảm chất lượng giấc ngủ của bạn. Hơn nữa, OSA còn có thể làm tăng nguy cơ phát bệnh tiểu đường, cao huyết áp hoặc tai biến mạch máu não. Béo phì là yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến OSA và việc tăng trọng thường xuất hiện sau khi mãn kinh. Giảm cân nhiều lúc có thể điều trị chứng rối loạn này. Hãy cho bác sĩ biết sự khó khăn trong khi ngủ của bạn. Khi bạn được điều trị, giấc ngủ ngon sẽ trở lại ngay lập tức.

THUẬN HẢI (Theo Health.com)

Chia sẻ bài viết