12/03/2012 - 20:51

Bệnh tay chân miệng tiếp tục diễn biến phức tạp

Bác sĩ Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc khám cho trẻ bị bệnh tay chân miệng.

Những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012, tình hình dịch bệnh tay chân miệng (TCM) tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn TP Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung. Không những ca bệnh tăng mà số lượng bệnh nặng cũng nhiều.

Diễn biến nhanh

Mẹ bệnh nhi T., mới 6 tháng tuổi, phường Hưng Phú, quận Cái Răng bàng hoàng khi nghe bác sĩ cho biết con mình bị bệnh TCM. Chị kể: “Ban đầu bé sốt, nổi mụn ở đầu gối. Tôi nghĩ bé bị ghẻ ngứa. Gia đình ẵm ra trạm y tế khám, cán bộ ở trạm y tế cho thuốc uống. Uống 2 ngày không bớt, gia đình lo quá, 3 giờ sáng ngày bệnh thứ 3, tôi ẵm cháu vô bệnh viện cấp cứu, rồi các bác sĩ chuyển xuống đây luôn (khoa Hồi sức tích cực và Chống độc -NV). Tôi cũng nghe nói về bệnh TCM nhưng không ngờ con mình bị mà bệnh diễn tiến nhanh như vậy. Biết vậy, tôi bồng cháu vô bệnh viện sớm hơn”.

Bác sĩ Phạm Thị Chinh, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ cho biết: “Tình hình bệnh TCM năm nay so với năm trước rất khác biệt và phức tạp. Đầu năm 2011, đa số là bệnh nhẹ, bắt đầu tháng 8-2011, bệnh TCM không những nhập viện nhiều mà số ca nặng tăng hơn trước và kéo dài cho đến nay. Theo tôi, dịch bệnh phức tạp như vậy là do ý thức vệ sinh của người chăm sóc trẻ chưa tốt, cách ly trẻ bệnh chưa đảm bảo nên bệnh lây lan nhanh”. Bác sĩ Hà Anh Tuấn, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ, đơn vị chuyên tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng về nhi cho biết: “Có bệnh nhân khởi đầu bệnh nhẹ nhưng chuyển độ, diễn tiến rất nhanh khiến thầy thuốc phải ngỡ ngàng”.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, tính đến ngày 8-3-2012, toàn thành phố có 376 ca bị bệnh TCM nhập viện điều trị (cùng kỳ chỉ có 31 ca mắc TCM), trong đó có 1 ca tử vong ở huyện Cờ Đỏ. Địa phương có số ca mắc cao là huyện Cờ Đỏ, quận Thốt Nốt, Ô Môn, Ninh Kiều. Trong 2 tuần gần đây, số ca mắc bệnh TCM có chiều hướng giảm so với mấy tuần trước. Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố cho biết: “Theo dự báo của các chuyên gia, tình hình dịch bệnh TCM tiếp tục diễn biến phức tạp trong năm nay. Ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan... dịch bệnh TCM diễn biến phức tạp 2 năm liên tục. Trung tâm đã dự trù cơ số thuốc, đội cơ động phòng chống dịch ở 3 tuyến. Trước tình hình trên, nhằm hạn chế tối đa số trường hợp mắc và tử vong, từ ngày 20-2 đến 20-3-2012, Sở Y tế TP Cần Thơ thực hiện Tháng cao điểm truyền thông, vệ sinh môi trường phòng chống bệnh TCM. Qua đó, nhằm tăng cường truyền thông, vệ sinh môi trường phòng chống bệnh TCM tại các cơ sở giáo dục và tại cộng đồng. Trọng tâm là các cơ sở giáo dục, chăm sóc trẻ và các hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi tại cộng đồng. Với cơ sở giáo dục, ngành y tế sẽ phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tập huấn, hướng dẫn cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh các nhà trẻ, mẫu giáo công lập, tư nhân cách phòng chống bệnh TCM. Còn trong cộng đồng, ngành y tế cũng phối hợp với các ban, ngành đoàn thể để tuyên truyền về bệnh; cộng tác viên y tế truyền thông trực tiếp và vận động gia đình có trẻ dưới 5 tuổi thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng bệnh TCM. Ngoài ra, các ca bệnh được giám sát chặt chẽ để xử lý kịp thời, tiến hành lấy mẫu các ca bệnh TCM có chẩn đoán từ độ IIb trở lên gởi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh xét nghiệm... Trung tâm cử cán bộ hỗ trợ tuyến quận, huyện; đối với quận, huyện trọng điểm, ban lãnh đạo trung tâm trực tiếp giám sát hỗ trợ. Số lượng băng rôn, tờ rơi, hóa chất cấp nhiều hơn đơn vị khác”.

Tích cực phòng chống bệnh

Theo Trung tâm Y tế dự phòng thành phố, từ tháng 6-2011 đến nay, trung tâm đã cấp 6 tấn Cloramin B, 9 máy phun thuốc, 9.500 cục xà bông, 3.200 khẩu trang các loại, 100 băng rôn, 90.000 tờ rơi cho các trung tâm y tế dự phòng quận, huyện để cấp phát cho các trạm y tế, trường học...

Bệnh TCM chủ yếu xảy ra ở trẻ có độ tuổi từ 0-12 tuổi, tập trung nhiều nhất ở trẻ trong độ tuổi mầm non. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cùng Sở Y tế TP Cần Thơ ký kết văn bản liên ngành phối hợp trong hoạt động phòng chống dịch bệnh này. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Hồng Thắm, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ cho biết: “Sở GD&ĐT đã phối hợp với Sở Y tế chủ động phòng chống dịch bệnh TCM. Ngoài văn bản chỉ đạo, lãnh đạo sở thường xuyên nhắc nhở các phòng giáo dục, chỉ đạo các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học công lập và ngoài công lập, đặc biệt các nhóm trẻ độc lập tích cực, chủ động phòng chống dịch bệnh. Đối với phụ huynh học sinh, ngành giáo dục cũng tuyên truyền thông qua các áp phích dán trước cửa lớp, góc thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền về dịch trong các cuộc họp phụ huynh học sinh”.

Chúng tôi ghi nhận, vừa bước vào Trường Mầm non Tây Đô, quận Ninh Kiều, tại cổng trường đã có băng rôn nhắc nhở phụ huynh thường xuyên rửa tay cho con để phòng chống bệnh TCM. Trường có 480 học sinh và quản lý 2 nhóm trẻ độc lập. Trong học kỳ I, có 5 cháu bị tay chân miệng độ I. Cô Đoàn Thị Nguyệt Ánh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường gắn 3 hệ thống rửa tay có vòi nước và xà bông ở các vị trí khác nhau trong sân trường để trẻ rửa tay. Cô giáo, người chăm sóc trẻ cũng thường xuyên rửa tay bằng xà bông, chất sát khuẩn. Các phòng học, phòng chức năng, bàn, ghế, đồ chơi, vật dụng của các cháu từ trong phòng học đến ngoài sân... đều được vệ sinh bằng chất sát khuẩn. Trong các lớp học, nhà trường cũng tăng cường xà bông, khăn lau tay. Khăn lau của cháu được trụng nước sôi 2 lần/ngày. Khăn lau miệng thì sử dụng khăn giấy. Đầu giờ học, nhân viên y tế kết hợp với giáo viên kiểm tra sức khỏe các cháu, nếu nghi ngờ bệnh phải báo ngay cho phụ huynh. Các trường hợp trẻ bệnh, phụ huynh xin cho cháu nghỉ thì giáo viên phải hỏi xem cháu bệnh gì, giữ liên lạc với phụ huynh trong suốt thời gian cháu nghỉ bệnh. 100% cán bộ, giáo viên trong trường đều được tham gia tập huấn bệnh TCM nên các cô đều có kiến thức chăm sóc các cháu”. Quận Ninh Kiều còn chỉ đạo các trường nếu có trẻ bị TCM, ngoài việc báo cáo với trạm y tế cơ sở còn phải báo cáo ngay với trạm y tế nơi trẻ cư ngụ. Ngoài hóa chất cloramin B do trạm Y tế cấp, phụ huynh học sinh và nhà trường trích thêm kinh phí để mua hóa chất. Cô Ánh cho biết thêm: “Với 2 nhóm trẻ do nhà trường quản lý đều thực hiện phòng chống dịch bệnh TCM như ở Trường Mầm non Tây Đô”.

Tuy đã chủ động phòng chống nhưng dịch bệnh TCM vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, thông thường bệnh TCM có hai đỉnh: tháng 4-5 và tháng 8-9, năm nay bệnh xuất hiện ngay từ đầu năm, chứng tỏ bệnh diễn biến phức tạp. Theo bác sĩ Hà Anh Tuấn: “Hiện nay, bệnh TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị hiện nay chỉ là hỗ trợ. Bệnh cũng chưa có vắc xin phòng bệnh. Vi-rút TCM xâm nhập qua đường miệng, qua bàn tay của em bé, của người lớn, nên phụ huynh, người chăm sóc trẻ phải hết sức chú ý giữ gìn vệ sinh, đặc biệt rửa tay sạch; lau chùi sàn nhà, đồ chơi, vật dụng của bé bằng chất sát khuẩn. Đây là một biện pháp tuy đơn giản nhưng hiệu quả phòng bệnh cao”. Bác sĩ Huỳnh Minh Trúc cũng cho biết: “Sau tháng hành động, trung tâm có kiểm tra, đánh giá cụ thể tại cộng đồng để tham mưu Sở Y tế xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh TCM phù hợp với tình hình thực tế”.

HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết