24/10/2019 - 07:17

Bế mạc Techmart - Techfest Mekong 2019 

Hỗ trợ doanh nghiệp định giá tài sản trí tuệ

(CT)- Chiều 23-10, sự kiện “Chợ Công nghệ - thiết bị và Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL 2019” (Techmart – Techfest Mekong 2019) bế mạc.

Qua 2 ngày diễn ra, sự kiện thu hút 200 đơn vị tham gia, với hơn 250 gian hàng trưng bày khoảng 800 kết quả nghiên cứu của các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu ứng dụng và đổi mới công nghệ tiêu biểu tập trung vào ngành công nghiệp chế biến lương thực, chế biến thủy, hải sản. Ngoài ra, Techmart – Techfest Mekong 2019 còn giới thiệu sản phẩm của hơn 30 cá nhân, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong vùng ĐBSCL. Trong khuôn khổ sự kiện cũng diễn ra phiên kết nối giữa quỹ đầu tư, nhà đầu tư với các dự án khởi nghiệp và hội thảo chia sẻ kinh nghiệp thành công, thất bại trong quá trình khởi nghiệp. Qua 34 phiên kết nối, trao đổi trực tiếp, hoạt động này thu hút 20 startup và 8 nhà đầu tư, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ tham dự…

Phát biểu tại Lễ Bế mạc, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia đánh giá cao những kết đạt được của sự kiện Techmart – Techfest Mekong 2019. Đồng thời khẳng định, các thành tựu về khoa học công nghệ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nói chung và nông sản nói riêng. Các dự án/ý tưởng khởi nghiệp được nhiều nhà đầu tư quan tâm, mang tính thiết thực và có khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn. Đây là tiền đề cho việc tổ chức sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia (TECHFEST) sẽ được tổ chức từ ngày 3 đến 6-12 tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

l Chiều 23-10, trong khuôn khổ sự kiện Techmart-Techfest Mekong 20119, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ tổ chức Hội thảo “Định giá tài sản trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp khởi nghiệp”.

Hội thảo nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin, kiến thức và kỹ năng về định giá tài sản trí tuệ, thương mại hóa sản phẩm và chuyển giao quyền sở hữu. Đây là nền tảng giúp tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp xác định được tài sản thực của mình, từ đó tạo cơ sở hoạch định chiến lược đầu tư sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay pháp luật sở hữu trí tuệ không bảo hộ đối với ý tưởng sáng tạo, ý tưởng kinh doanh nên doanh nghiệp cần  hiện thực hóa các cách thức, phương tiện kỹ thuật, giải pháp công nghệ, mô hình kinh doanh… để có thể có được sự đảm bảo của các công cụ pháp lý đối với hoạt động sáng tạo và khởi sự kinh doanh của mình. Ngoài ra, doanh nghiệp cần tra cứu thông tin sở hữu trí tuệ để định hướng nghiên cứu, phát triển sản phẩm, quyết định đầu tư, khởi nghiệp… Theo các chuyên gia, nếu doanh nghiệp muốn mở rộng khả năng chuyển giao, mua bán công nghệ đối thị trường trong và ngoài nước sẽ phải tính đến các phương án đăng ký sở hữu trí tuệ, xin giấy phép phù hợp cho các thị trường nước nước ngoài.

Ban Tổ chức trao chứng nhận và kỷ niệm chương cho các đơn vị, doanh nghiệp tham gia sự kiện. Ảnh MỸ THANH

♦ Sáng 23-10, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ phối hợp với các đơn vị của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo “Ứng dụng công nghệ blockchain trong cung ứng dịch vụ, sản phẩm khoa học và công nghệ”. Hội thảo nằm trong chuỗi hoạt động của Chợ công nghệ - Thiết bị và Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo vùng ĐBSCL (Techmart - Techfest Mekong 2019) do Bộ Khoa học và Công nghệ cùng UBND TP Cần Thơ phối hợp tổ chức.

Công nghệ blockchain được xem là cuộc cách mạng về công nghệ trong xu thế hội nhập hiện nay và mở ra xu hướng ứng dụng đầy tiềm năng cho nhiều lĩnh vực. Trong đó, có thể kể đến việc ứng dụng công nghệ blockchain trong ngành công nghiệp dịch vụ tài chính; công nghệ blockchain với IoT (Internet of thing); ứng dụng vào các lĩnh vực giao thông, vận tải, y tế, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm, lưu trữ, hoạt động công nghiệp – nhà máy, lĩnh vực nông nghiệp... tại hội thảo, các đơn vị chuyên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ blockchain  đã chia sẻ về các giải pháp tích hợp công nghệ blockchain trong các ngành nghề, lĩnh vực liên quan. Đồng thời giới thiệu về các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ như: xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng toàn diện trên nền tảng blockchain cho doanh nghiệp; blockchain hóa một vài tính năng trên hệ thống hiện hữu, cùng các dịch vụ tư vấn như nghiên cứu, đào tạo về blockchain, tư vấn pháp lý, tư vấn ứng dụng blockchain. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng phân tích các mặt hạn chế của công nghệ, đưa ra các giải pháp khắc phục, kiểm soát, để tạo niềm tin và sự hấp dẫn của công nghệ blockchain đến người sử dụng.

MỸ THANH - MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết