11/03/2018 - 10:40

Thị trường chứng khoán

Bất ngờ lọc dầu Dung Quất, PV OIL và PV POWER 

Ngày 7-3-2018, Tổng Công ty Dầu Việt Nam - PV OIL cũng niêm yết lên sàn UpCOM với mã chứng khoán là OIL. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên OIL đã có 8,3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh với giá đóng cửa cuối phiên là 24.200 đồng/một cổ phiếu, cao hơn 20% so với giá tham chiếu. Giá tham chiếu này cũng là giá trung bình phiên đấu giá của cổ phiếu này, phiên IPO diễn ra vào ngày 25-1-2018. OIL hiện chiếm 22% thị phần xăng dầu cả nước với 540 cửa hàng xăng dầu trực thuộc và hơn 3.000 đại lý. Sau khi lên sàn, OIL dự kiến sẽ bán tiếp 44,7% vốn cho nhà đầu tư chiến lược và Nhà nước chỉ giữ khoảng 35% vốn điều lệ của OIL.

Phiên đấu giá trực tuyến cổ phần BSR ngày 17-1-2018.  

Trước đó, ngày 6-3 vừa qua, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam cũng niêm yết lên sàn UpCOM với mã chứng khoán là POW và phiên đóng cửa đầu tiên POW cũng đạt mức giá 17.800 đồng/một cổ phiếu, tăng gần 20% so với giá tham chiếu, với 15 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Đặc biệt, POW cũng mới được IPO vào ngày 31-1-2018 vừa qua với 468 triệu cổ phiếu được đấu giá thành công, với giá đấu thành công bình quân là 14.938 đồng/một cổ phiếu, cao hơn 3,7% so với giá khởi điểm mà công ty chào bán. Dự kiến, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ tại POW xuống dưới 51% vốn điều lệ kể từ sau năm 2019, sau khi đã đảm bảo kế hoạch trả nợ có bảo lãnh cho chủ nợ theo đúng cam kết.     

Chỉ sau hơn một tháng kể từ ngày chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), ngày 1-3-2018, Công ty Lọc - Hóa dầu Bình Sơn (nhà máy lọc dầu Dung Quất) đã đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán UpCOM với mã chứng khoán BSR. Bất ngờ lớn là ngày 17-1-2018 vừa qua BSR mới IPO với mức giá trúng bình quân là 23.043 đồng/một cổ phiếu, cao hơn 57,8% giá khởi điểm mà công ty đưa ra nhưng phiên lên sàn đầu tiên này BSR đã tăng hết biên độ 40% cho phép, lên đến 31.300 đồng/một cổ phiếu và khối lượng khớp lệnh phiên đầu tiên của BSR lên hơn 14 triệu cổ phiếu. Với giá đóng cửa này, vốn hóa trên sàn chứng khoán của cổ phiếu BSR lên hơn 75 ngàn tỉ đồng, gia nhập TOP 14 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Sau khi IPO và lên sàn chứng khoán, BSR sẽ tiếp tục làm việc với các nhà đầu tư chiến lược để bán hơn 1,5 tỉ cổ phần, tương đương với 49% vốn điều lệ của công ty cho nhà đầu tư chiến lược. Dự kiến, sau khi bán vốn cho đối tác chiến lược, cổ phần của Nhà nước nắm giữ tại BSR chỉ còn lại 43,2%.

Việc bất ngờ so với trước đây là sau khi IPO, cả ba doanh nghiệp này đều đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết rất nhanh dẫn đến nhiều nhà đầu tư đã đấu giá thành công hôm IPO có thể bán lại được cổ phiếu với mức lãi khá cao, từ 20% đến 40% chỉ trong vòng hơn một tháng, đã tạo sự phấn khởi cho nhiều nhà đầu tư. Nếu trước đây, có khi mất hàng năm trời doanh nghiệp vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết để giao dịch dẫn đến nhà đầu tư đấu giá thành công rất khó khăn trong việc mua/bán cổ phiếu đã trúng đấu giá, làm nản lòng nhà đầu tư và giảm giá trị các cổ phiếu được đấu giá do tính thanh khoản không cao sau khi cổ phiếu được đấu giá thành công. Với sự bứt phá về thời gian của ba “ông lớn” này sẽ là tiền đề rất quan trọng cho các doanh doanh nhà nước tiếp theo đấu giá và thoái vốn, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong thời gian tới.

Trần Đăng

Chia sẻ bài viết