19/05/2020 - 10:04

Nâng chất lượng gạo xuất khẩu

Bắt đầu từ khâu giống 

Giai đoạn 2018-2020, Viện Lúa ĐBSCL là đơn vị chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học sản xuất hạt giống phẩm chất cao quy mô công nghiệp đối với các giống lúa chủ lực và có giá trị hàng hóa cao phục vụ xuất khẩu cho vùng ĐBSCL. Nhờ phối hợp với Trung tâm giống các địa phương và doanh nghiệp, Viện Lúa đã nỗ lực đưa các giống lúa chủ lực có phẩm chất cao vào canh tác để góp phần nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.

Lai tạo giống lúa phẩm chất cao đáp ứng yêu cầu xuất khẩu tại Viện Lúa ĐBSCL.

Liên kết

Nhiệm vụ khoa học sản xuất hạt giống phẩm chất cao quy mô công nghiệp đối với các giống lúa chủ lực và có giá trị hàng hóa cao phục vụ xuất khẩu cho vùng ĐBSCL do Viện Lúa ĐBSCL chủ trì thực hiện từ tháng 7-2018 đến tháng 12-2020. Theo Tiến sĩ Dương Hoàng Sơn, Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế, Viện Lúa ĐBSCL, Chủ nhiệm nhiệm vụ, mục tiêu tổng quát là liên kết giữa cơ quan nghiên cứu với doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất và tiêu thụ hạt giống siêu nguyên chủng (SNC), nguyên chủng (NC) cung cấp sản xuất giống lúa xác nhận đối với các giống lúa sản xuất thử nghiệm và giống lúa chủ lực có giá trị cao phục vụ xuất khẩu, nội tiêu. Đồng thời, xây dựng cánh đồng mẫu, vùng nguyên liệu tập trung để sản xuất lúa thương phẩm có giá trị xuất khẩu gạo từ 600 USD/tấn, đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa bền vững ở vùng ĐBSCL.

Từ năm 2018-2020, Viện Lúa đã liên kết với các địa phương xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất lúa thương phẩm sử dụng hạt giống có phẩm cấp cao và áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, bền vững tại các tỉnh trong vùng với 3 mô hình lúa thương phẩm ứng dụng hạt giống có phẩm cấp cao, quy mô 100 ha/mô hình/vụ, đạt năng suất trên 7 tấn/ha vụ đông xuân và trên 6 tấn/ha vụ hè thu, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với giá 600 USD/tấn. Đồng thời, liên kết xây dựng cánh đồng mẫu sản xuất lúa thương phẩm sử dụng hạt giống có phẩm cấp cao và áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến, bền vững tại các tỉnh trong vùng với 3 mô hình lúa thơm thương phẩm sử dụng hạt giống có phẩm cấp cao, quy mô 50 ha/mô hình/vụ, đạt năng suất trên 6,5 tấn/ha vụ đông xuân và trên 5,5 tấn/ha vụ hè thu, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu với giá 800 USD/tấn.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học sản xuất hạt giống phẩm chất cao quy mô công nghiệp đối với các giống lúa chủ lực và có giá trị hàng hóa cao phục vụ xuất khẩu cho vùng ĐBSCL, Viện Lúa ĐBSCL cũng nghiên cứu gói kỹ thuật canh tác tiên tiến để nông dân có thể ứng dụng vào sản xuất. Gói kỹ thuật này nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng giống có phẩm cấp trên 75% vào năm 2018, giảm lượng giống gieo trồng dưới 120 kg/ha. Đồng thời, nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm thiểu thất thoát phân bón từ 15-25% (đặc biệt giảm lượng phân N-Ure 20-30%). Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc trừ cỏ dại theo phương thức "4 đúng" để giảm lượng thuốc BVTV, thuốc trừ cỏ dại tối thiểu 20%. Áp dụng kỹ thuật tưới nước khô - ngập xen kẽ giảm lượng nước tưới 30-40%. Cơ giới hóa sản xuất, chế biến... giảm thất thoát xuống dưới 10% và đảm bảo chất lượng gạo cao, an toàn thực phẩm. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thúy Kiều Tiên, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, với gói kỹ thuật canh tác tiên tiến cho các vùng trồng lúa, Viện Lúa đã tập trung các kỹ thuật canh tác tiên tiến nhất; tích hợp thành gói kỹ thuật để chuyển giao cho nông dân. Gói kỹ thuật này từ gieo cấy, chăm sóc, BVTV trong quá trình trồng lúa đến khâu thu hoạch. Việc áp dụng các gói kỹ thuật nhằm làm sao giảm chi phí đầu vào ở mức thấp nhất, gia tăng lợi nhuận cho người dân trồng lúa cũng như bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.

Chuỗi cung ứng

Căn cứ vào mục tiêu đề ra của nhiệm vụ khoa học, Viện Lúa đã liên kết với doanh nghiệp, đơn vị sản xuất hạt giống các cấp, đảm bảo đủ đủ lượng giống cung ứng cho thị trường vùng ĐBSCL. Mỗi năm sản xuất 20 tấn SNC và 1.300 tấn NC đảm bảo đủ cung cấp cho sản xuất 80.000 tấn giống xác nhận, phục vụ cho sản xuất lúa hàng hóa khu vực ĐBSCL. Bên cạnh đó, Viện Lúa cũng đã hoàn thiện quy trình kỹ thuật thâm canh cho các giống lúa sản xuất thử nghiệm của dự án. Cụ thể là xây dựng 4 mô hình (quy mô 1.200ha) ứng dụng gói quy trình kỹ thuật tại 4 tiểu vùng sinh thái canh tác lúa ở ĐBSCL, tăng hiệu quả kinh tế ít nhất 25% so với phương pháp canh tác phổ biến của ND theo định hướng VietGAP. Trong đó bao gồm: Mô hình canh tác 2 vụ lúa/năm (đất phù sa); Mô hình canh tác 3 vụ lúa/năm (đất phù sa); Mô hình canh tác 2 vụ lúa/năm (đất phèn); Mô hình canh tác 2 vụ lúa/năm (đất nhiễm mặn).

Theo Tiến sĩ Dương Hoàng Sơn, năm 2020 là năm kết thúc nhiệm vụ khoa học sản xuất hạt giống phẩm chất cao quy mô công nghiệp đối với các giống lúa chủ lực và có giá trị hàng hóa cao phục vụ xuất khẩu cho vùng ĐBSCL. Trong thời gian thực hiện nhiệm vụ và các dự án thành phần, Viện Lúa đã phối hợp tích cực với các công ty, các trung tâm giống để sản xuất giống lúa nguyên chủng, giống xác nhận để đưa nhanh các giống lúa đủ phẩm cấp đến nông dân tại TP Cần Thơ, các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau... Vụ lúa hè thu năm 2020 là vụ cuối trong năm cuối kết thúc nhiệm vụ khoa học. Theo đó Viện Lúa đang tiếp tục triển khai 6 mô hình canh tác ở Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng là những vùng bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn và 3 mô hình ở 3 địa phương ở vùng phù sa là Cần Thơ, An Giang và Đồng Tháp. Mục tiêu là các mô hình này sẽ tiếp tục được nhân rộng tại các địa phương ở ĐBSCL, giúp nông dân vừa tiếp cận được giống lúa chất lượng vừa ứng dụng được quy trình kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất lúa, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết