17/12/2022 - 12:48

Bảo vệ trẻ trên không gian mạng 

Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, trẻ em sớm tiếp cận Internet, mạng xã hội. Bên cạnh những mặt tích cực như có được nhiều thông tin, kiến thức, giải trí hữu ích, không gian mạng lại tiềm ẩn nhiều cạm bẫy, rủi ro. Ðáng nói, không ít trẻ trở nên “nghiện” xem những thông tin nhảm nhí, độc hại… ảnh hưởng đến tấm lý và việc học tập. Ðể bảo vệ trẻ, cần có sự vào cuộc tích cực từ các bậc phụ huynh.

Các bậc phụ huynh nên khuyến khích và tạo điều kiện cho con trẻ được trải nghiệm các môn học năng khiếu. Trong ảnh: Gia Thịnh, con trai chị Phạm Lê Hồng Nhung nhận giải Nhì cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Thiếu nhi Việt Nam - Mừng Đại hội Đoàn” do Hội đồng Đội Trung ương tổ chức. Ảnh: Gia đình cung cấp

Nhiều hệ lụy

Chỉ sau thời gian học online tại nhà do dịch COVID-19, bé Gia Huy học lớp 5 ở quận Ninh Kiều, gặp vấn đề về mắt do dành quá nhiều thời gian sử dụng mạng xã hội trên thiết bị di động. Ngoài thời gian học online cùng thầy cô, bé thường xuyên chơi game, xem TikTok và các chương trình trên Youtube… Thời gian đầu, chị Nhi - mẹ của bé Gia Huy, chỉ đơn giản nghĩ rằng do con mình học online nhiều dẫn đến giảm sút thị lực. Nhưng qua theo dõi, chị mới phát hiện con trai mê game; thậm chí bỏ cả học online cùng thầy cô giáo, cầm điện thoại chơi cả ngày. Chị Nhi bày tỏ: "Vợ chồng tôi lo làm nên không có nhiều thời gian gần gũi, quản lý việc sử dụng mạng xã hội của con. Ðến khi con phải đeo kính để cải thiện thị lực, tôi mới nhận thức rõ về tác hại khi thiếu quan tâm con".

Nghiêm trọng hơn là câu chuyện bé Ngọc ở quận Ninh Kiều. Do công việc bận rộn nên cha mẹ bé Ngọc ít khi dành thời gian chăm sóc và kèm cặp con. Hằng ngày, bé chỉ quanh quẩn đi học và ở nhà cùng ông bà. Bé thông minh, học rất giỏi nhưng thời gian gần đây xuất hiện nhiều hành động lạ. Những khi ngồi chơi, Ngọc hay “lảm nhảm” những câu hội thoại quảng cáo, những ngôn từ dành cho người lớn hoặc những câu “trend” trên TikTok… khiến cả gia đình vô cùng lo lắng. Mặc khác, Ngọc rất ít khi trò chuyện cùng cha mẹ và không hứng thú tham gia vui đùa với bạn bè đồng trang lứa, chỉ thích "làm bạn" với chiếc điện thoại. Lúc này, người thân mới giật mình và bắt đầu kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng điện thoại, máy tính của bé. Do bị cấm đoán quá nghiêm khắc và đột ngột, cô bé 7 tuổi trở nên bất mãn, chống đối, có thái độ “nổi loạn” với cả ông bà, cha mẹ.

Cần sự đồng hành từ phụ huynh

Là người công tác trong ngành giáo dục, chị Phạm Lê Hồng Nhung, giáo viên Trường Tiểu học Mạc Ðĩnh Chi, cho rằng mạng xã hội không quá đáng sợ, nếu phụ huynh biết cách dùng để giúp con tiến bộ, có thêm niềm vui trong cuộc sống. Chị Hồng Nhung chia sẻ: “Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, việc trẻ sử dụng điện thoại và mạng xã hội là rất bình thường. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh nên theo dõi và giúp con trẻ nhận biết mặt tốt - xấu của mạng xã hội, ứng dụng công nghệ một cách thông minh, có chọn lọc. Phụ huynh cũng cần có sự hỗ trợ từ chuyên môn để cài phần mềm ngăn chặn trẻ tiếp cận văn hóa độc hại từ trang mạng”.

Chị Hồng Nhung có 2 con nhỏ là Gia Thịnh học lớp 9 và Tuệ Mẫn học lớp 5. Từ nhỏ, cả 2 cháu ít được sử dụng điện thoại để chơi game, lên mạng xã hội mà chủ yếu chỉ dùng mạng xã hội để liên lạc với thầy cô giáo. Chị giám sát con từ xa; đồng thời, luôn khuyến khích con trẻ vui chơi và trải nghiệm các môn học năng khiếu, kỹ năng. Tuy bận rộn với công việc, nhưng nhiều năm qua, chị vẫn cố gắng đưa đón các con đi học vẽ, giúp con vừa giải trí vừa phát huy khả năng, sức sáng tạo với bộ môn yêu thích.

Hiện nay, không khó để bắt gặp hình ảnh trẻ nhỏ cầm điện thoại lướt mạng xã hội mọi lúc, mọi nơi. Một bộ phận phụ huynh, do bận rộn với công việc nên cho con trẻ chơi điện thoại để tránh bị làm phiền, đã vô tình tập cho con thói quen xấu. Thậm chí, có nhiều phụ huynh đã chọn cách thỏa hiệp, cho con sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng như là cách “treo thưởng” để con ăn, học... Theo các chuyên gia tâm lý, trong thời đại của công nghệ, trẻ hiểu biết và sử dụng mạng xã hội là một tất yếu của cuộc sống. Vì vậy, để bảo vệ trẻ trên không gian mạng, cùng với nhà trường, sự đồng hành của gia đình là điều vô cùng cần thiết. Hơn ai hết, các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian để quan tâm, theo dõi khi con trẻ tiếp xúc với môi trường mạng xã hội; trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng phù hợp theo từng lứa tuổi để trẻ có thể tự nhận biết và có khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng.

KIẾN QUỐC

 

Chia sẻ bài viết