05/08/2008 - 20:30

Bảo tồn các loài thủy đặc sản

Từ lâu, thủy sản Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp gần 70% lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước. Mỗi năm, ĐBSCL thu hơn 2 tỉ USD từ xuất khẩu thủy sản. Con số này cao hơn nhiều so với kim ngạch xuất khẩu gạo. Thế nhưng, hiện nơi đây vẫn chưa có một viện nghiên cứu thủy sản để gìn giữ gien và lai tạo những loài thủy sản quí, có giá trị kinh tế cao, phục vụ phát triển bền vững cho ngành kinh tế mũi nhọn này...

 Nghề nuôi cá tra đang phát triển mạnh, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ thoái hóa cần sớm có biện pháp bảo vệ loài cá này.

Nhiều người dân vùng sông nước Cửu Long tiếc là con cá cháy, loại cá ngon bây giờ không còn nữa. Các chuyên gia trong ngành thủy sản lại lo tương lai sẽ có thêm nhiều loại cá, tôm thủy sản ngon, quí hiếm sẽ mất dần như con cá cháy. Trước đây, cá hô (loại cá ngon, quí hiếm được ghi vào sách đỏ) có rất nhiều ở ĐBSCL, nhưng hiện nay ngày càng vắng bóng. Hiện giá cá hô hơn 100.000-150.000 đồng/kg. Để gìn giữ loại cá này, các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp đã xúc tiến đầu tư nghiên cứu nuôi thử nghiệm để gầy dựng lại đàn cá bố mẹ, nhân giống cá hô. Hay cá bống tượng trước đây có rất nhiều trên sông rạch, hiện nay được xuất khẩu có giá rất cao, lên đến 350.000 đồng/kg nên cũng thành “hàng hiếm”. Còn con cá tra, đã được nông dân ĐBSCL nuôi từ nửa thế kỷ trước, đến nay đang phát triển rất mạnh. Năm 2007, toàn vùng đã đạt sản lượng hơn 1 triệu tấn, xuất khẩu vượt hơn 1 tỉ USD, nhưng giống cá này cũng đang có nguy cơ thoái hóa. Nhiều nhà quản lý ngành thủy sản đang quan ngại là việc nuôi cá tra tăng nhanh, kéo theo việc tăng tốc nhân giống cá tra, cá bố mẹ không được chọn lọc, dẫn đến tình trạng đồng huyết thống, cá sẽ chậm phát triển và có nguy cơ chết nhiều hơn. Thực tế, trước đây, để nuôi được cá tra 1 kg chỉ cần 1,6 kg thức ăn nhưng nay phải tốn đến 1,9 kg thức ăn. Cá giống cũng vậy, chỉ hao hụt 5-10% nhưng hiện giờ lên đến 20-30%. Thậm chí cá thương phẩm sắp đến thu hoạch cũng bị dịch bệnh chết. Nếu tình trạng này kéo dài thì khả năng nguy cơ ảnh hưởng đến giống cá tra rất lớn.

Trước nguy cơ này, Quỹ Bảo tồn thiên nhiên Thế giới (WWF) đã vào cuộc với mong muốn bảo đảm sự phát triển bền vững của nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL. Mới đây, tại cuộc đối thoại nuôi cá tra, ba sa, do WWF tổ chức, ông Ngô Phước Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (Agifish), Trưởng nhóm cá nước ngọt của VASEP, cho rằng: “Trong nuôi và thương mại cá tra, ba sa đã xuất hiện một số dấu hiệu của phát triển không bền vững như giá cả thay đổi và cạnh tranh, chất lượng sản phẩm không đồng đều, chi phí đầu vào rất cao, con giống kém chất lượng. VASEP cần chuẩn hóa, xây dựng các tiêu chuẩn, kế hoạch nuôi trồng, cải thiện chất lượng con giống...”. Tiến sĩ Flavio Corsin, cố vấn cao cấp về nuôi trồng thủy sản của WWF tại Việt Nam, cũng đưa ra một trong những giải pháp phát triển nuôi cá tra bền vững là việc sử dụng cá giống hoặc cá bố mẹ trong tự nhiên.

ĐBSCL đã được thiên nhiên ban tặng cho nhiều loài thủy sản ngon, quí hiếm. Trong thời gian qua đã có nhiều thành công trong công nghệ sản xuất giống, ĐBSCL đã sản xuất giống hàng chục loài tôm, cá nước ngọt, cá nước lợ-mặn, đáp ứng nhu cầu giống cho nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, các nhà chuyên môn cho rằng với tình trạng như hiện nay, nếu không sớm có viện thủy sản cho ĐBSCL để nghiên cứu, tập hợp gien, gìn giữ, lai tạo các giống tôm, cá ngon, giá trị kinh tế cao, để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu thì trong tương lai gần sẽ tiếp tục mất thêm các loài thủy đặc sản. ĐBSCL có 3 thế mạnh là thủy sản, lúa gạo và cây ăn trái. Thế nhưng hiện nay ĐBSCL mới chỉ có 2 viện là lúa và cây ăn quả, còn thủy sản được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn lại chưa có được sự quan tâm này. ĐBSCL đang rất cần một viện thủy sản để lưu giữ những loài nuôi quan trọng, ứng dụng các chương trình nâng cao chất lượng giống, cung cấp nguồn cá bố mẹ chất lượng cao, giống gốc cho các địa phương.

Bài, ảnh: Quang Hải

Chia sẻ bài viết