19/09/2021 - 10:54

Bảo tàng online - không chỉ là giải pháp tình thế 

Để đảm bảo công tác phòng, chống COVID-19, nhiều bảo tàng, đơn vị hoạt động lĩnh vực văn hóa đã chọn hình thức trưng bày, triển lãm online. Cách làm này không chỉ hữu hiệu trong thời gian giãn cách xã hội mà cần được xem như một giải pháp lâu dài trong phát triển văn hóa thời công nghệ số.

Chuyện từ 3D tour

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện đã vận hành ứng dụng scan 3D. Trong ảnh: Khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng khi dịch COVID-19 chưa bùng phát.

Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng hiện đã vận hành ứng dụng scan 3D. Trong ảnh: Khách nước ngoài tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng khi dịch COVID-19 chưa bùng phát.

Sau thời gian thử nghiệm, từ cuối tháng 8-2021, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam chính thức ra mắt công nghệ tham quan trực tuyến 3D tour. Tour tham quan có cả phiên bản tiếng Việt lẫn tiếng Anh, được tích hợp trên nền tảng website vnfam.vn.

Chỉ cần chiếc điện thoại thông minh và ở bất cứ nơi đâu, người dùng đều có thể tham quan tour 3D ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam qua link https://3d.vnfam.vn/vi (bản tiếng Việt) hoặc https://3d.vnfam.vn/en (bản tiếng Anh). Truy cập, khách sẽ đến với không gian trưng bày của bảo tàng, thưởng thức các tác phẩm mỹ thuật với phần thuyết minh rõ ràng, cụ thể. Ngoài ra, trong tour tham quan trực tuyến 3D này, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam còn giới thiệu 100 hiện vật tiêu biểu tích hợp ứng dụng thuyết minh đa phương tiện iMuseum VFA. Qua đó, lý lịch, khảo tả và giá trị hiện vật được thể hiện sinh động theo kiểu “mắt thấy tai nghe”.

Điểm thu hút trong tour tham quan “lướt và xem” này còn ở các video giới thiệu về một số Bảo vật quốc gia đang trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Các video có độ phân giải cao được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, thu hút người xem như đang xem triển lãm thực tế.

Công nghệ mà Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sử dụng để thiết kế tour trực tuyến 3D này là VR360 - hiện được nhiều bảo tàng trên thế giới ứng dụng. Đại diện Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho hay, tham quan trực tuyến 3D tour là kết quả của quá trình nghiên cứu, phát triển ý tưởng với mong muốn lan tỏa tình yêu di sản, đưa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đến gần hơn với công chúng.

Những người yêu quý di sản văn hóa và mỹ thuật Việt Nam đều rất phấn khởi với hoạt động ứng dụng công nghệ thú vị ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Trước đó, bảo tàng cũng đã tổ chức nhiều triển lãm, trưng bày bằng hình thức trực tuyến trên website hoặc các nền tảng xã hội của đơn vị, phù hợp với diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhận được nhiều hiệu ứng tích cực. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện bảo quản và lưu giữ số lượng hiện vật, di sản rất lớn về mỹ thuật Việt Nam, trong đó có nhiều tuyệt tác, độc bản, bảo vật quốc gia... Chính nhờ sự linh động trong quảng bá mà những di sản, hiện vật đó được lan tỏa, phát huy giá trị.

Xu thế mới

Dịch COVID-19 làm thay đổi thói quen sinh hoạt, thưởng thức nghệ thuật. Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc của công nghệ, nhất là vai trò của mạng xã hội đặt ra thách thức không nhỏ cho công nghiệp văn hóa nói chung, phát triển di sản văn hóa nói riêng. Bảo tàng cũng là đơn vị cần thiết đi tìm lời giải cho thách thức đó.

Có một thời, nhắc đến bảo tàng người ta nghĩ ngay đến câu “cấm sờ vào hiện vật”. Sau này, khái niệm đó đã dần thay đổi khi nhiều bảo tàng hướng đến tương tác với khách tham quan: mắt thấy, tai nghe, tay sờ và còn trải nghiệm, hóa thân. Bảo tàng online lại là một bước tiến mới.

Gần đây, các triển lãm online ngày càng nở rộ, thu hút được sự quan tâm của dư luận. Điển hình như chuỗi sự kiện kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, kỷ niệm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới đây, nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm online như “Vị tướng huyền thoại”, “Con đường độc lập”... Đặc biệt, triển lãm 3D “Giáo dục triều Nguyễn - vang vọng còn lại” do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và IV (Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, Bộ Nội vụ) tổ chức thực hiện đã tạo cú hích rất lớn về phương thức hoạt động chuyên ngành bảo tồn, bảo tàng.

Một số đơn vị, tổ chức lĩnh vực văn hóa cũng đầu tư cho loại hình triển lãm online. Điển hình là trong tháng 7 và tháng 8-2021, Đại sứ quán Ý tại Hà Nội và Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp tổ chức hai triển lãm online “ITALIAN ROUTES - Phong cảnh núi, leo núi, biến đổi khí hậu” và “Phong cảnh Việt Nam - Đa dạng sinh thái, biến đổi khí hậu, khám phá mới” đã giúp  người xem được thưởng lãm những thắng cảnh của hai đất nước trên nền tảng công nghệ số. Quỹ Sống với triển lãm “Câu chuyện dòng sông”, tái hiện một phòng tranh trên mạng Internet, giới thiệu hơn 20 tác phẩm của nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế như Lê Đình Nguyên, Tôn Thất Bằng, Doãn Hoàng Lâm, Phạm Thắng, Trung Liêm, cựu Đại sứ Hy Lạp tại Việt Nam - họa sĩ Nicolaos D. Kanellos, họa sĩ Hadi Soesanto (Indonesia)… tổ chức hồi tháng 7-2021 cũng rất thành công.

Ở cấp độ địa phương, TP Đà Nẵng được xem là điển hình năng động trong chuyển đổi số của ngành bảo tàng. Ngay từ giữa năm 2020, khi Đà Nẵng thực hiện giãn cách xã hội phòng dịch COVID-19, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã thực hiện triển lãm online với chủ đề “Đà Nẵng qua đôi mắt người nghệ sĩ”. Từ sự tập dượt đó, đến nay, không chỉ Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng mà nhiều bảo tàng khác ở Đà Nẵng cũng chuyển đổi số rất tốt. Đặc biệt, Bảo tàng Đà Nẵng đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động ứng dụng Bản đồ Di sản văn hóa Đà Nẵng tại địa chỉ https://bandodisandanang.vn. Thông qua các hình ảnh 2D, 3D, du khách có thể tham quan trực tuyến danh thắng Ngũ Hành Sơn, di tích quốc gia đặc biệt thành Điện Hải, di tích Hải Vân quan… Trước đó, Đà Nẵng cũng đã đưa vào vận hành ứng dụng scan 3D tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm tại địa chỉ http://scan3d.danangfantasticity.com.

Rõ ràng, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực trưng bày bảo tàng đã là xu thế, cần thiết được đẩy nhanh ở nước ta hiện nay, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. Đây cũng là cách cụ thể hóa chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc triển khai các hoạt động theo chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.

Bài, ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết